Sản phụ đã hồi phục sau tai biến nguy kịch.
BSCKII Nguyễn Tiến Công, Trưởng khoa Sản Thường cho biết, vào lúc
4 giờ 15 phút sáng ngày 28-8, nhận được tin báo từ bệnh viện tuyến dưới về trường
hợp sản phụ đang trong tình trạng nguy kịch do rối loạn đông máu nặng, sốc giảm
khối lượng tuần hoàn sau cắt tử cung hoàn toàn do đờ tử cung sau đẻ, ngay lập tức
một ê kíp gồm các bác sĩ của Trung tâm Sản Nhi nhanh chóng di chuyển về TTYT
huyện Thanh Sơn để kịp thời cấp cứu sản phụ.
Ê-kíp cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Sản Nhi gồm BSCKII Nguyễn
Tiến Công, Trưởng khoa Sản Thường; BSCKI Lê Văn Bình, Khoa Sản Nhiễm Khuẩn;
BSCKI Lê Phong Phú, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, KTV Nguyễn Lê Nam, KTV Trưởng,
khoa Xét nghiệm đã mang theo 1000 ml khối hồng cầu, 1000 ml huyết tương tươi
đông lạnh, 200 ml tủa lạnh (yếu tố VIII) di chuyển nhanh chóng tới Trung tâm y
tế huyện Thanh Sơn.
Tại đây, ê-kíp cấp cứu đã phối hợp với các bác sĩ tại TTYT huyện
Thanh Sơn thực hiện hồi sức cấp cứu sản phụ Chu Thị Lê (sinh năm 1993, tại Thục
Luyện, Thanh Sơn, Phú Thọ), đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền máu hồi
sức, dùng các thuốc trợ tim vận mạch, người bệnh vẫn đang trong tình trạng nguy
kịch, mạch nhỏ, huyết áp khó bắt.
"Chúng tôi cố gắng điều chỉnh để nâng huyết áp, chuẩn bị sẵn
sàng các phương tiện đợi khi huyết áp người bệnh ổn định sẽ chuyển đến Trung
tâm Sản Nhi - nơi có đầy đủ trang thiết bị phương tiện máy móc chuyên sâu, có
các chế phẩm máu và đặc biệt có đội ngũ chuyên gia chuyên môn sâu bảo đảm có thể
tiếp tục hồi sức cấp cứu cho sản phụ", BS Công cho biết.
Sau ba giờ hồi sức tích cực, huyết áp sản phụ ổn định, đủ điều kiện
để chuyển lên Trung tâm Sản Nhi an toàn. Tại đây, sản phụ được làm tổng thể các
xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp tại giường. Kết quả cho thấy sản phụ vẫn còn rối
loạn đông máu nặng, thiếu máu nặng, có máu chảy trong ổ bụng.
Ngay lập tức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiến hành hội chẩn
toàn viện, thống nhất phẫu thuật mở ổ bụng, kiểm tra và cầm máu các vị trí chảy
máu.
BSCKII Nguyễn Tiến Công, Trưởng khoa Sản Thường cho biết, trong ổ
bụng sản phụ có 300 ml máu, rỉ máu ở mỏm cắt, thấm máu khoang sau phúc mạc,
khoang trước bàng quang, rỉ máu ở cơ thành bụng, rỉ máu lớp mỡ dưới da. Các bác
sĩ đã loại bỏ hết máu, khâu lại mỏm cắt, đặt sonde dẫn lưu. Sau phẫu thuật, sản
phụ được chuyển về khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi điều trị cho tiến
hành an thần, thở máy, truyền 2000 ml khối hồng cầu, 2000 ml huyết tương tươi
đông lạnh, 600 ml tủa lạnh (yếu tố VIII), 1450 ml tiểu cầu.
Sáu giờ sau phẫu thuật, sản phụ dần ổn định và đã được cắt hoàn
toàn thuốc trợ tim và vận mạch, ý thức tỉnh táo, lượng máu qua sonde giảm dần rồi
ngừng hẳn, có thể rút ống nội quản, thở ô-xy. Sau hai ngày điều trị, sản phụ được
rút hết sonde dẫn lưu. Hiện tại, sản phụ đã tỉnh táo, ăn uống tốt, đi lại bình
thường, chờ ngày ra viện.
Qua trường hợp của sản phụ, các bác sĩ khuyến cáo, trong cuộc chuyển
dạ của phụ nữ có rất nhiều tình huống biến cố hết sức nặng nề có thể xảy ra nếu
không được xử lý kịp thời và đúng cách. Đờ tử cung, vỡ tử cung… là những biến
chứng nguy hiểm nên khi mang thai sản phụ cần chú ý đi khám thai thường xuyên,
chú ý đến những vấn đề bất thường dù nhỏ nhất để bảo đảm có một thai kỳ khỏe mạnh.
TheoNhandan