(HBĐT) - Thời gian gần đây, số ca Covid-19 ghi nhận mới trên cả nước có dấu hiệu gia tăng trở lại. Trong đó, Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc mới. Là địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, tỉnh ta cũng ghi nhận số ca bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng.
Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Chị Nguyễn Thị H., phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ: Thấy có triệu chứng đau đầu, họng, ho nhiều, khó thở, đau người, các khớp chân tay đau rã rời, mất vị giác, ngày 17/3, tôi mua test Covid-19 về thử và lên 2 vạch. Tôi tự cách ly và điều trị tại nhà, sau 1 tuần thì khỏi bệnh, đi làm bình thường. Trước đó 1 năm tôi đã mắc Covid-19.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 14 ca Covid-19. Trong đó, huyện Cao Phong 4 ca; Kim Bôi 4 ca; Lương Sơn 2 ca và Bệnh viện Đa khoa tỉnh 4 ca. Riêng từ ngày 10 - 12/4, toàn tỉnh ghi nhận 6 ca Covid-19, trong đó sàng lọc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh 3 ca; huyện Lương Sơn 1 ca, Cao Phong 2 ca.
Ngày 11/4, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân Lê Xuân Th., 60 tuổi, địa chỉ tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vào viện với các triệu chứng sốt 390C, đau họng. Sau khi test dương tính với Covid-19, xác định có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh nhân đã được chuyển vào khoa điều trị, sau 1 ngày, bệnh nhân đã cắt sốt. Theo quy định, 5 ngày bệnh nhân được test lại, nếu âm tính sẽ được ra viện. Bệnh nhân thứ 2 là bà Bùi Thị V., 57 tuổi, địa chỉ tại xã Cao Dương (Lương Sơn), vào viện với triệu chứng sốt 390c, đau họng, ngạt mũi, đau cột sống, thắt lưng; sau 1 ngày điều trị đã cắt được sốt.
Trước đó, ngày 7/4, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận bệnh nhân Bùi Thị H., 38 tuổi ở xã Tự Do (Lạc Sơn) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tại Khoa Tai mũi họng từ ngày 31/3, khi có triệu chứng sốt, đau họng, test cho kết quả dương tính với Covid-19. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi, ra viện ngày 11/4.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Thời tiết đang chuyển từ xuân sang hè, thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, lây lan dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19. Triệu chứng của Covid-19 lại gần giống với cúm như sốt, ngạt mũi, sổ mũi... nên người dân thường có tâm lý chủ quan. Các bệnh nhân nhập viện đợt này đều chưa bị Covid-19 lần nào và đã được tiêm phòng.
Trước tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, ngày 12/4, Bộ Y tế có Công văn khẩn số 2116/BYT-DP về tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Theo đó, để tiếp tục chủ động các biện pháp PCD, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung chủ yếu như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCD Covid-19. Thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao. Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường triển khai các biện pháp PCD Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để kịp thời áp dụng các biện pháp PCD phù hợp theo cấp độ dịch. Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác PCD. Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu PCD như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ trong thời gian tới...
Hương Lan
Tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Trung bình một người cao tuổi hiện phải "chung sống” với 3 bệnh lý phối hợp.
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Ngày 6/4, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1728/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
(HBĐT) - Quý I/2023, trong 1.457 trẻ được sinh ra thì có 239 trẻ là con thứ 3 trở lên và ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Mặc dù tỷ lệ vẫn cao (chiếm 16,40%), nhưng đã giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022 và là tín hiệu vui cho ngành dân số sau nhiều năm liền tình trạng sinh con thứ 3 trở lên không giảm mà còn tăng mạnh.
Những ngày gần đây, số lượng trẻ nhập viện do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng rõ rệt.
(HBĐT) - Ngày 4/4, tại Trung tâm hội nghị Hoà Bình (TP Hoà Bình), Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh, Ban chỉ đạo Vận động HMTN thành phố Hoà Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức ngày hội HMTN đợt II năm 2023.