Mặc dù năm 2023, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở điều trị nhưng đến thời điểm này, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra cục bộ.
Thiết bị, vật tư y tế đầy đủ để người bệnh không phải chờ đợi. Ảnh: Trần Hà
Nhiều cơ sở y tế đang tìm cách tháo gỡ về thuốc, vật tư y tế
Nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ được ban hành từ đầu năm 2023 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Nhiều bệnh viện đã mua sắm được thiết bị y tế sau vài năm phục vụ công tác phòng, chống dịch và có gián đoạn trong mua sắm, đấu thầu. Như tại Bệnh viện Bạch Mai đã có thêm hàng loạt hệ thống thiết bị y tế gồm 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp CT, 19 dàn nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi...
Toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, sau khi có Nghị quyết 30, Thông tư 14 và Nghị định 07, tổng trị giá trên 200 tỉ đồng. Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bệnh viện Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định chụp về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Từ năm 2020 trở lại đây nhiều hợp đồng liên doanh liên kết đã hết hiệu lực, nhiều dự án đã có trục trặc về tính pháp lý vì vậy phần lớn các thiết bị có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của bệnh viện đã bị dừng như nội soi tiêu hóa, CT, MRI, PET/CT, Dao Gammar…
Ngoài ra trong năm 2021-2022 và những quý đầu năm 2023 việc tổ chức đấu thầu mua sắm các vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế trên cả nước gặp nhiều khó khăn do thiếu các hành lang pháp lý rõ ràng.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua gói ngân sách đầu tư cho một số bệnh viện, trong đó Bệnh viện Bạch Mai được thụ hưởng 2 dự án đầu tư của Nhà nước để mua thiết bị y tế.
1 dự án mua sắm thiết bị y tế bằng nguồn phục hồi kinh tế với tổng mức đầu tư 240 tỉ đồng (trong đó Ngân sách Nhà nước cấp 200 tỉ đồng, 40 tỉ đồng từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp); 1 dự án đầu tư thiết bị y tế bằng nguồn tăng thu Ngân sách trung ương với tổng mức đầu tư 790 tỉ đồng.
Nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào ngày 31.12.2023, việc đấu thầu sẽ thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ mang tính cục bộ
Tại Bệnh viện E, ngay những ngày đầu năm 2024 nhiều bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vẫn phải tự mua thuốc gây tê.
TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E - thừa nhận: Đã có thời điểm bệnh viện thiếu một số thuốc thiết yếu như betadine, thuốc gây tê… Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra một thời gian ngắn và ở một số loại thuốc. Một trong những lý do là việc thủ tục đấu thầu thường bị trục trặc kéo dài, trong khi các đợt thầu trước đã hết, dẫn đến tình trạng thiếu. Điều này dẫn đến có thời điểm bệnh nhân phải đi mua bên ngoài.
"Việc các thuốc quá rẻ, dẫn tới bệnh viện gọi thầu khó. Ví dụ thuốc gây tê cho nhổ răng vì quá rẻ nên không đơn vị nào đấu thầu" - TS.BS Hựu nói.
Chia sẻ thêm một số khó khăn mà Bệnh viện E gặp phải khi đấu thầu vật tư thiết bị là thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về đấu thầu; không đủ hồ sơ thầu; có những mặt hàng hồ sơ đấu thầu một đằng, rất đẹp nhưng khi nhận chất lượng lại không đúng với hồ sơ, bệnh viện không có người thẩm định chất lượng. Hy vọng trong thời gian ngắn tới đây, công tác đấu thầu trong bệnh viện sẽ được giải quyết.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng cho rằng: Ngoài yếu tố chủ quan liên quan đến vấn đề đấu thầu thì vấn đề khách quan là nguồn cung ứng. Có những thuốc, vật tư không có phải tìm nguồn thay thế. Luật Đấu thầu (sửa đổi) chính thức hiệu lực từ tháng 1.2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Theo Báo Lao động
Chiều 22/1, Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tại Trạm Y tế xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), Công ty cổ phần Y dược học cổ truyền Hòa Bình phối hợp với Công ty cổ phần xây dựng The Sun; P3 Gym Fitnes Woman vừa tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc và tặng quà cho đối tượng chính sách, người hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tập trung đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, khai thác tiềm năng, thế mạnh về chuyên môn, kinh nghiệm và uy tín của đơn vị để cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho người bệnh. Từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người dân; năng lực, hiệu quả cung cấp các dịch vụ được khẳng định, có tính cạnh tranh cao.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện công tác cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng, chống ngay tại cửa khẩu.
Chiều 18/1, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tháng 12/2023 đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% và số ca nhập viện cấp cứu tăng 62% so với tháng 11 (báo cáo chưa đầy đủ của 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ).