Người nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi định kỳ để đẩy lùi bệnh dại. Ảnh: Cán bộ thú y tiêm vắc xin cho chó tại phường Quỳnh Lâm (TP Hoà Bình).
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp học sinh (sinh năm 2014) tử vong do bệnh dại tại xóm Khộp Đèn, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cách đây khoảng 2 tháng, bệnh nhân Q.C.Ch bị chó cắn vào ngón tay nhưng không đến cơ sở y tế khám và điều trị dự phòng phơi nhiễm với bệnh dại. Ngày 18/2, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ gió, được gia đình đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi lên cơn dại, đến 19 giờ ngày 19/2, bệnh nhân diễn biến nặng nên người nhà xin về và tử vong vào hồi 23h30' cùng ngày.
Trước đó, vào tháng 8/2023, tại huyện Lạc Sơn cũng ghi nhận 1 ổ dịch dại tại xóm Lội Mương, xã Văn Sơn khiến 1 trường hợp tử vong. Theo Chi cục CN&TY, thông tin dịch tễ của bệnh nhận Q.V.V (xã Văn Sơn) khá tương đồng với bệnh nhân Q.C.Ch (xã Ngọc Lâu). Cụ thể, bệnh nhân Q.V.V bị chó lạ cắn vào tay trái nhưng không đi tiêm phòng vắc xin dại. Khoảng 2 tháng sau, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, khó thở, được gia đình đưa đi khám nhưng diễn biến nặng nên đã tử vong. Qua 2 trường hợp trên có thể thấy, nguyên nhân gây nên những cái chết thương tâm là do các bệnh nhân không đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị phơi nhiễm bệnh dại. Bởi bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ chó, mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng CN&TY (Chi cục CN&TY tỉnh) cho biết: Trong giai đoạn 2013 - 2017, toàn tỉnh có trên 10 nghìn người bị chó nghi dại cắn phải điều trị, trong đó có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ năm 2017 - 2020, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch, với 7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2023, có trên 3 nghìn trường hợp bị chó, mèo cắn phải điều trị phơi nhiễm bệnh dại. Đối với những trường hợp tử vong do bệnh dại gần đây, nguyên nhân do không điều trị phơi nhiễm bệnh dại kịp thời và chó cắn người chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh dại chưa cao, còn chủ quan, lơ là, không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật nói chung và phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo nói riêng. Công tác quản lý đàn chó tại địa phương tới nay còn gặp nhiều khó khăn, việc người dân nuôi chó chưa thực hiện đăng ký, khai báo với chính quyền, nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm còn phổ biến.
"Tiêm phòng cho vật nuôi để bảo vệ con người”, đó là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi bệnh dại. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm với bệnh dại; không được sử dụng các bài thuốc cổ truyền, gia truyền để kiểm tra, phát hiện bệnh dại khi bị chó, mèo cào, cắn và điều trị bệnh dại bằng các loại thuốc đông y chưa được cấp phép.
Viết Đào