Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", đội ngũ y, bác sỹ công tác trong ngành Y tế tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực phấn đấu học tập, trau dồi chuyên môn, y đức. Mặc dù áp lực công việc xã hội không ít, nhưng vượt lên những khó khăn, các thầy thuốc, điều dưỡng luôn tâm huyết với nghề, thương yêu, tận tình với người bệnh, góp phần tỏa sáng những tấm gương về y đức.



Điều dưỡng Phùng Thị Len chăm sóc bệnh nhân.

Nữ điều dưỡng tận tâm

 

Có chuyên môn vững vàng, luôn giản dị, gần gũi, tận tâm, hết lòng vì người bệnh… là những nhận xét của đồng nghiệp và bệnh nhân về Điều dưỡng Trưởng khoa Đột quỵ - Phùng Thị Len, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Hơn 15 năm công tác trong nghề, chị Len luôn coi mỗi người bệnh như người thân của mình để chăm sóc tốt nhất cho họ, đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.

Điều dưỡng Phùng Thị Len tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng Nam Định năm 2009, sau đó nhận công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2017, chị được chuyển công tác sang Khoa Đột quỵ với cương vị Điều dưỡng Trưởng khoa và đây cũng là năm Khoa Đột quỵ được thành lập. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, chị cùng các đồng nghiệp luôn cố gắng để "đặt nền móng" đầu tiên vững chắc duy trì và phát triển Khoa Đột quỵ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao phó và được người bệnh đón nhận, yên tâm, tin tưởng về hiệu quả điều trị.

Chị Len chia sẻ: "Điều dưỡng là người tiếp xúc nhiều nhất và gần nhất với bệnh nhân nên người điều dưỡng có tâm thì không chỉ thực hiện theo đúng y lệnh là: Tiêm, truyền, cấp thuốc... mà cần có sự quan tâm tỉ mỉ, chăm sóc, phục hồi chức năng, sẻ chia từng cơn đau, sự mệt mỏi để an ủi, động viên, khích lệ người bệnh tích cực điều trị. Đặc thù của Khoa Đột quỵ là nhiều người già, có nhiều bệnh nhân nặng trong tình trạng nằm liệt, chúng tôi không chỉ thực hiện các công việc như tiêm, truyền mà còn thực hiện các y lệnh như thở ô xy, bơm thức ăn thông dạ dày, hướng dẫn, phối hợp cùng người nhà vệ sinh răng miệng, thay đổi, lăn trở cho người bệnh để tránh việc nằm lâu ở một vị trí sẽ bị viêm loét; đồng thời hướng dẫn, tập phục hồi chức năng cho người bệnh. Đối với tôi, nghề điều dưỡng như làm dâu trăm họ, mình làm việc phải xuất phát từ cái tâm để yêu thương, chăm sóc người bệnh".

 

Không chỉ có thái độ, cử chỉ đúng mực, ân cần với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, điều dưỡng Len còn chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm trong chăm sóc bệnh nhân cho các đồng nghiệp trẻ và luôn sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ họ trong công việc từ đó truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Chị cùng với đội ngũ điều dưỡng của khoa đã chăm sóc tích cực cho người bệnh, giúp người bệnh hạn chế tối đa tình trạng viêm phổi, loét tỳ đè, giảm tình trạng liệt. Người bệnh rối loạn nuốt được tập nuốt ngay khi rời giường, nhờ đó giảm được số người bệnh ăn uống qua sonde, hạn chế biến chứng. Nhờ đó, so với các năm trước, công tác chăm sóc người bệnh đã có sự thay đổi rõ rệt: Tỷ lệ biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu gần như không có; tỷ lệ loét tỳ đè những năm trước còn tồn tại nhưng đến năm 2022 còn 0,0017%, năm 2023 giảm xuống còn 0,001%.

Cùng với công việc chuyên môn, chị Len không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Trong nhiều năm, chị đã cùng đồng nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2022, chị Len là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở "Khảo sát nhận thức xử trí ban đầu của người nhà người bệnh đột quỵ não tại Khoa Đột quỵ" và đưa ra khuyến nghị đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe đến từng người dân, giúp mọi người có thêm kiến thức phòng bệnh và xử trí đúng khi bị đột quỵ. Đề tài được nghiệm thu và đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, cần thiết, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân ở cộng đồng về các yếu tố nguy cơ, cách phòng bệnh và xử trí khi gặp người bệnh đột quỵ. Năm 2023, chị Len tiếp tục cùng cộng sự thực hiện đề tài cấp cơ sở "Đánh giá hiệu quả cải thiện sức cơ trong can thiệp phục hồi chức năng sớm cho người bệnh liệt nửa người do đột quỵ não tại Khoa Đột quỵ".

Đạt được nhiều thành tích trong những năm tháng cống hiến trong ngành Y như giải Nhất cuộc thi Điều dưỡng trưởng giỏi toàn Bệnh viện năm 2017, giải Nhất phần thi Ứng xử trong cuộc thi Điều dưỡng trưởng giỏi thanh lịch ngành Y tế năm 2017... nhưng chị Len vẫn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ người bệnh.

Người thầy thuốc được tặng giải thưởng "Hải Thượng Lãn Ông"

24 năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, bác sỹ Nguyễn Xuân Linh, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng luôn gắn bó với công tác khám, chữa bệnh lĩnh vực y học cổ truyền. Cùng với việc thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, bác sỹ Nguyễn Xuân Linh đã dày công nghiên cứu, học tập để tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm phát huy những khả năng chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu, bấm huyệt, kết hợp với y học hiện đại để điều trị cho người bệnh trong huyện và các huyện lân cận.

Bác sỹ Linh chia sẻ: Tôi đã dành nhiều thời gian để học tập về đạo đức, y thuật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đọc các sách kinh điển về y, dược như: "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh", vận dụng thuyết "Thủy - Hỏa" của người trong việc dùng thuốc, đặc biệt là bài thuốc "Lục vị địa hoàng thang" để điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả cao...

Trong suốt quá trình công tác, bác sỹ Linh là chủ nhiệm 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, có 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng hiệu quả tại khoa, phòng như "Điều trị liệt VII ngoại biên bằng xoa bóp bấm huyệt", "Điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ" bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại… góp phần điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân.

 

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các hoạt động chuyên môn tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, bác sỹ Nguyễn Xuân Linh còn tham gia công tác chỉ đạo tuyến cho các Trạm Y tế trong huyện, phát huy các vườn thuốc nam tại trạm để phòng và chữa một số bệnh thông thường cho người dân địa phương. Nhiều năm liền, bác sỹ Nguyễn Xuân Linh đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ Y tế, UBND tỉnh Ninh Bình, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Giải thưởng cao quý "Hải Thượng Lãn Ông" lần thứ VII do Bộ Y tế trao tặng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến của bác sỹ Linh vì sự phát triển của nền Y học cổ truyền Việt Nam.

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu", trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã đoàn kết, thống nhất ra sức thi đua, hăng say lao động, sáng tạo, nâng cao y đức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Gắn với nhiệm vụ chính trị, ngành Y tế đã tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với hoạt động của ngành và theo thời điểm nhằm tạo ra những điểm nhấn hoạt động trong từng năm, trong đó ngành chú trọng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể phát động thi đua và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ công chức, viên chức hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được năng lực, sở trường. Từ đó, ngành Y tế đạt được nhiều thành tựu với những tấm gương, y bác sỹ, điều dưỡng tiêu biểu góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bước vào thời kỳ mới, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa công tác chuyên môn cũng như thi đua, khen thưởng, tạo động lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. 


Theo Baotintuc

Các tin khác


6 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện ngay sau Tết Giáp Thìn

Trong dịp Tết Giáp Thìn, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; Cùng đó, để bảo đảm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên Đán năm 2024, Bộ Y tế tập trung 6 nhiệm vụ...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khám cấp cứu cho 838 người trong dịp Tết 

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 8 - 14/2), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiếp nhận khám cấp cứu cho 838 người, bằng 125% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Sau Tết, tiếp tục giám sát chặt các dịch bệnh

Trong kỳ nghỉ Tết, cả nước ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 225 trường hợp mắc tay chân miệng.

Cảnh báo: Sử dụng hình ảnh cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo liên quan đến tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Đầu năm, cảnh giác với bệnh do virus RSV

Mùa đông - xuân là thời điểm virus hợp bào hô hấp (RSV) rất dễ lây lan, gây thành dịch; nhất thời điểm Tết và mùa lễ hội, nhu cầu người dân đi lại, du xuân, đến các đám đông tăng cao.

3 ngày nghỉ Tết: Hơn 151.000 lượt khám, cấp cứu

Bộ Y tế vừa có báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm y tế trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục