Trước tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh, thành phố đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã tham mưu với tỉnh và chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống để bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.



Cán bộ Chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng chống bệnh truyền nhiễm TP Hòa Bình nắm bắt tình hình ca bệnh ho gà tại xóm Suối Ngành, xã Mông Hóa trên hệ thống phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm.

Chị Bùi Thị Anh, cán bộ chuyên trách Chương trình Tiêm chủng mở rộng và phòng chống bệnh truyền nhiễm TP Hòa Bình cho biết: Lúc 16h ngày 24/7, Trung tâm Y tế TP Hòa Bình ghi nhận 1 ca bệnh ho gà trên hệ thống phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm. Ngay sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Y tế xã Mông Hóa giám sát, điều tra ca bệnh theo quy định. Bệnh nhân là Nguyễn Phúc Đ, sinh ngày 16/4/2024 tại xóm Suối Ngành, xã Mông Hóa. Ngày 3/7, trẻ xuất hiện ho nhẹ, theo dõi tại nhà. Ngày 4/7, trẻ có lịch tiêm chủng vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà nhưng do cháu bị ho nên gia đình không đi tiêm. Ngày 7/7, trẻ ho không đỡ, gia đình đưa đi khám ở phòng khám tư nhân và uống thuốc hết các triệu chứng. Ngày 16/7, trẻ xuất hiện ho, về sau ho tăng dần kèm theo sốt, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến ngày 23/7, kết quả xét nghiệm chẩn đoán trẻ dương tính với vi khuẩn ho gà và RSV, rồi được chuyển cách ly điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định, ra viện và điều trị tại nhà. Trạm Y tế xã hướng dẫn gia đình vệ sinh phòng bệnh, sử dụng dung dịch Cloramin B khử khuẩn dụng cụ, đồ chơi, vệ sinh nhà... 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 5 ca mắc ho gà. Trong đó, huyện Lạc Thủy 2 ca, Tân Lạc 1 ca, Lương Sơn 1 ca và TP Hòa Bình 1 ca. Đối với tình hình bệnh sởi, mặc dù chưa phát hiện các trường hợp mắc nhưng đã có 18 ca nghi mắc. Trong đó, huyện Đà Bắc 9 ca, Cao Phong 1 ca, Yên Thủy 1 ca và TP Hòa Bình 7 ca.

Bác sỹ CKI Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh cho biết: Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng   gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt, sau đó là nôn. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi, họng của người bệnh bắn ra không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi, họng của người bệnh. Bệnh dễ  lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… nên dễ lây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước đến 5 ngày sau giai đoạn phát ban.

Để phòng, chống dịch sởi, ho gà, thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, ngành Y tế tỉnh đã có những văn bản tham mưu, chỉ đạo. Mới đây nhất, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 554/KSBT-TT, ngày 30/7/2024 về việc tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh sởi, ho gà. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nắm tình hình dịch bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các ca mắc sởi, ho gà cũng như các ca nghi ngờ; quản lý, theo dõi, báo cáo theo quy định.

Để phòng, chống bệnh ho gà, ngành Y tế khuyến cáo: Người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, vi rút viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Đối với bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắc xin; mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi 18 tháng tuổi. Phụ huynh cần thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán Bộ Y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể, lớp học. 


Hương Lan

Các tin khác


Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc

Ngày 26/7, tại tỉnh Hòa Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục, Viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 140 đại biểu của 28 tỉnh phía Bắc.

Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Chiều 23/7, Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Điều trị thành công bệnh nhân uốn ván nguy kịch

Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa điều trị thành công bệnh nhân bị uốn ván thể nặng nhập viện trong tình trạng gồng cứng toàn thân, suy hô hấp, sắp ngừng thở, phải mở khí quản cấp cứu và thở máy dài ngày.

Hà Nội: Số ca mắc ho gà vẫn đang tăng

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 20 ca mắc ho gà, với xu hướng tăng ca mắc.

Xã Hoà Sơn: Chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho người dân

Năm 2023, huyện Lương Sơn có gần 38% người dân tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên; gần 29% hộ gia đình thể thao và duy trì, phát triển 75 câu lạc bộ TDTT cơ sở... Nổi bật trong thực hiện phong trào TDTT, đóng góp vào kết quả của toàn huyện phải kể đến xã Hòa Sơn.

Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cao điểm mùa hè

Hiện đang trong giai đoạn cao điểm mùa hè, nắng nóng, mưa nhiều. Đồng thời là thời điểm các cơ quan, tổ chức, gia đình tổ chức đi du lịch nên quá trình di chuyển, tiếp xúc tăng cao. Do đó nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất lớn, nhất là bệnh sốt xuất huyết (SXH), cúm, tiêu chảy, thủy đậu...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục