Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong.
Các can rượu tại cơ sở bà H.T.C, đường Đô Lương, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên quan đến 4 trường hợp nghi ngộ độc rượu phải cấp cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Huỳnh Sơn/TTXVN
Nguyên nhân có thể là do sử dụng phải rượu không có nguồn gốc, do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng độc tố Methanol trong các mẫu rượu này.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp). Ngộ độc rượu là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần, tai nạn giao thông, tử vong…
Rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Thế nhưng, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo…
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Rượu methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc, đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não.
Dù không chứa độc tính như rượu methanol, rượu ethanol cũng gây ngộ độc khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn, hay lạm dụng rượu trong thời gian dài. Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng bao gồm: Da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; Lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; Khó khăn trong việc duy trì ý thức; Hạ thân nhiệt; Nói không rõ, nói ngọng; Nôn mửa; Thở chậm, thở không đều; Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong; Đi tiểu tiện không kiểm soát; Cơ thể có mùi rượu nồng; Đau bụng, chướng bụng; Tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt.
Khi phát hiện ai đó có các triệu chứng như trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Khi phát hiện hay nghi ngờ một ai đó bị ngộ độc rượu bạn hãy thực hiện các bước sơ cấp cứu sau: Gọi cấp cứu; Gọi người giúp đỡ, kiểm tra tình trạng của nạn nhân; Cố gắng giữ nạn nhân tỉnh táo, đặt nạn nhân ở tư thế đầu được kê cao.
Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy nằm nghiêng, tránh khả năng nôn ói bị hít sặc trở lại. Nếu còn tỉnh hãy cho nạn nhân uống nước; Dùng vải sạch hoặc chăn quấn quanh người để giữ ấm; Khai báo với nhân viên y tế các triệu chứng ban đầu và số lượng rượu nạn nhân đã uống.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn.
Người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.
Theo TTXVN
Ngày 18/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác tiêm chủng mở rộng, triển khai uống vắc xin Rota tại 2 xã Yên Quang, Mông Hóa (thành phố Hòa Bình).
Agribank Chi nhánh tỉnh Hoà Bình vừa phối hợp với Bảo hiểm Agribank Chi nhánh Hà Nội tổ chức khám tầm soát ung thư cho 30 khách hàng VIP sở hữu thẻ Abic care platinum tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc.
Xét nhu cầu thực tế của người bệnh đến khám, điều trị ngày càng tăng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đưa bộ phận khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại tầng 2 khu nhà để xe của bệnh viện. Việc tổ chức lại hoạt động bộ phận KCB theo yêu cầu tạo điều kiện để người bệnh không phải chờ đợi lâu, giảm tải cho việc khám và điều trị của các khoa trong toàn viện.
Dự án đầu tư 3 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện tại Lạc Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh quản lý dự án, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án nhằm tăng cường, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các TTYT, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, phòng chống, khám và chữa bệnh cho nhân dân; từng bước phát triển y tế tuyến huyện thành cơ sở khám, chữa bệnh có chất lượng.
Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn tăng mạnh theo chiều "dựng đứng” và chưa có điểm dừng. Theo nhận định của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 số ca mắc sởi tại khu vực phía Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Ngày 6/12, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức tiếp đón đoàn công tác gồm 120 đại biểu đến từ hơn 100 bệnh viện trong cả nước đến thăm và trao đổi kinh nghiệm về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.