Trước những thông tin khác nhau về nhận định tình hình đại dịch cúm A (H1N1), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn GS, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ðề nghị đồng chí Thứ trưởng đánh giá về dịch cúm A (H1N1) vừa qua trên thế giới cũng như ở Việt Nam?
GS, TS Trịnh Quân Huấn (GS, TS TQH): Dịch cúm A (H1N1) khởi đầu từ tháng 4-2009 tại Mê-hi-cô và trong thời gian rất ngắn đã lây lan sang Mỹ, Ca-na-đa, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục thông báo và nâng cấp độ cảnh báo dịch từ cấp ba lên bốn, năm và sáu (mức cao nhất). Ðây là một trong những dịch nguy hiểm, bởi vì vi-rút cúm A (H1N1) đã từng gây ra đại dịch có tỷ lệ tử vong rất cao năm 1918 ở Tây Ban Nha. Chính vì thế mà cấp độ được WHO nâng lên nhanh và trên thực tế nhiều nước dịch lây lan nhanh với tốc độ tương đối nhanh. Chỉ trong vòng hai tháng, dịch đã lây lan sang nhiều nước trên toàn cầu. Do đó nhiều chuyên gia đánh giá đây là một vụ dịch nguy hiểm và WHO đã thấy sự nguy hiểm qua sự lây lan và số ca mắc tăng nhanh.
Ở Việt Nam ca mắc bệnh đầu tiên từ cuối tháng 5-2009 và sau đó bắt đầu lây lan ra nhiều địa phương. Các trường hợp bị mắc bệnh trong tháng 6 và 7 chủ yếu là người nhập cảnh. Trong tháng 7 và tháng 8, mỗi ngày có đến hàng trăm ca được xác định dương tính với cúm A (H1N1) mới. Ðến cuối năm dịch đã lan tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với tỷ lệ mắc bệnh rất cao, cường độ dịch mạnh cho nên nhiều chuyên gia dự báo ước tính tỷ lệ tử vong sẽ cao như những dịch đã xảy ra trước đây. Tuy nhiên sau đó việc điều trị bằng thuốc Tamiflu thấy rằng một số trường hợp điều trị khỏi bệnh. Các chuyên gia dự đoán dịch sẽ bùng phát mạnh vào mùa đông, và cũng nguy hiểm nếu như trong mùa đông này có sự kết hợp giữa vi-rút cúm A (H1N1) mới với cúm A (H5N1) ở gia cầm, nguy cơ biến chủng, tái tổ hợp là có thể. Vào các tháng 7, 8, 9, số người mắc tương đối nhiều, số ca bệnh vào bệnh viện hàng loạt, kể cả bệnh viện dã chiến, rồi lây lan sang các trường học, ngành y tế triển khai các biện pháp kiểm soát để hạn chế dịch. Trên thực tế chúng ta cũng đã làm chậm dịch được ít nhất là hai tháng. Tuy nhiên trong giai đoạn này chúng ta thấy đa số các trường hợp vào viện đều nhẹ và số vào viện, ra viện dần dần tương đương nhau, các bệnh viện đỡ quá tải.
PV: Ðồng chí cho biết phản ứng và công tác chuẩn bị của Việt Nam như thế nào để ứng phó với dịch? Công tác chuẩn bị đó có thái quá không?
GS, TS TQH: Phản ứng của Việt Nam với dịch cúm A (H1N1) khá nhanh. Khi thế giới nâng cấp độ đại dịch lên mức sáu thì Bộ Y tế đã xây dựng ngay kế hoạch hành động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia hoạt động phòng, chống dịch. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm gây dịch, như dịch SARS năm 2003, cúm A (H5N1) từ năm 2005. Khi các loại dịch xảy ra đồng thời, chúng ta đã triển khai khá tốt cả về hậu cần, dự phòng và điều trị cũng như các hoạt động khác. Khi đó các phương tiện thông tin đại chúng đều thông tin để người dân chủ động phòng, chống, không gây tâm lý hoang mang. Về ý kiến đưa ra là liệu chúng ta có thông tin quá với diễn biến thực tế hay không, tôi cho rằng thông tin chúng ta đưa ra khi tình hình diễn biến dịch vào thời điểm đó là cần thiết, nhưng việc đánh giá tỷ lệ tử vong thì khác. Ðến tháng 9, tháng 10 và tháng 11 số ca không tính bằng xét nghiệm dương tính nữa mà thay vào đó bằng số ca vào bệnh viện. Tháng 10, 11 số người vào bệnh viện giảm dần. Khi nhìn nhận công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam có thể khẳng định rằng chúng ta đã làm tốt ở nhiều khía cạnh, trong đó có công tác chuẩn bị, điều trị, cập nhật và minh bạch thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Y tế đã đầu tư kinh phí thời gian qua nhằm bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Với việc trong thời gian ngắn đã có hơn 11 nghìn người mắc và hơn 50 người tử vong thì việc đầu tư hơn 100 tỷ đồng mua chủ yếu là máy thở, không phải là nhiều. Những máy thở này được cung cấp cho các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Máy thở không chỉ điều trị cho người bệnh cúm A (H1N1) mà cho cả những trường hợp bị tai nạn giao thông cũng như những người mắc các bệnh khác cần phải sử dụng máy thở. Một số phương tiện khác được sử dụng trong việc đối phó với dịch bệnh khác.
PV: Có ý kiến cho rằng có sự "thổi phồng" về tình hình dịch để các công ty dược phẩm kiếm lời. Ðề nghị đồng chí cho biết ý kiến và phản ứng của ngành y tế trước những thông tin này?
GS, TS TQH: Những ngày gần đây, nhất là ngày 11-1, cơ quan y tế của cộng đồng châu Âu đưa ra những thông tin về "đại dịch giả". Tôi cho rằng vấn đề này có thể nhìn nhận khác nhau khi mà dịch giảm dần và đã qua đỉnh.
Các quốc gia như Việt Nam và một số nước đang phát triển hay một số nước nghèo chủ yếu dựa vào thực lực của mình đề nghị quốc tế tài trợ và huy động nguồn lực để tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Các nước giàu thì khác, khi thấy nguy cơ dịch bệnh như vậy họ đưa ra những phương án mạnh như mua vắc-xin, thuốc dự trữ thậm chí có những nước dự kiến mua vắc-xin để tiêm cho 100% số dân.
Quan điểm của Việt Nam là dù thế nào cũng phải quan tâm phòng, chống dịch cúm A(H1N1). Việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam là thường xuyên như trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục theo dõi tại 15 điểm giám sát trọng điểm; hệ thống điều trị vẫn duy trì cao độ để hạn chế tử vong, kể cả những đối tượng có nguy cơ cao. Ðồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch để mọi người phòng dịch cho bản thân và cộng đồng.
PV: Trước những thông tin về "đại dịch giả", việc tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc-xin phòng cúm A (H1N1) cũng như việc đặt mua 500 liều khác sẽ ra sao, thưa đồng chí?
GS, TS TQH: Bộ Y tế đề nghị WHO cung cấp những thông tin chính thức và tiếp tục hỗ trợ các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Bộ Y tế cũng đề nghị WHO gửi ngay một lượng vắc-xin cúm A (H1N1) mới để triển khai kiểm nghiệm đánh giá tính an toàn của vắc-xin và khả năng miễn dịch cúm A (H1N1) đối với người dân Việt Nam. Khi tiếp nhận đủ 1,2 triệu liều vắc-xin của WHO viện trợ, ngành y tế cũng chỉ tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao ở một số vùng trọng điểm chứ không tiêm đại trà. Về việc đặt mua vắc-xin, Bộ Y tế, hiện tại chưa quyết định đặt mua nữa hay không?
PV: Có thời điểm đại dịch cúm A (H1N1) phát triển tưởng như ngoài tầm kiểm soát, nhưng sau đó lại có chiều hướng giảm, đề nghị đồng chí cho biết ngành y tế có những nghiên cứu sâu về loại dịch bệnh mới này?
GS, TS TQH: Chúng ta có 15 điểm giám sát nằm trong hệ thống giám sát toàn cầu để theo dõi hội chứng cúm trong cả năm để xem có sự biến chủng, kết hợp, tái tổ hợp hay không. Chính vì vậy, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ ở phía nam, miền trung theo dõi, nghiên cứu về các chủng cúm, hội chứng cúm xảy ra ở Việt Nam để có thể các hoạt động liên quan phòng, chống dịch có hiệu quả, bảo đảm dự báo được tình hình dịch cúm cũng như các hội chứng đường hô hấp vào từng giai đoạn trong năm, khi đó sẽ chủ động các biện pháp ngăn chặn các ổ dịch phát sinh. Bên cạnh đó sẽ tiến hành nghiên cứu xem nền kháng thể đối với cúm A (H1N1) mới trong cộng đồng người Việt Nam như thế nào, xác định xem các đối tượng có lượng kháng thể nhất định hay không mà dẫn đến dịch giảm dần.
PV: Cảm ơn đồng chí Thứ trưởng.
Theo ND
Sữa tươi là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe, nhưng đôi khi trong sử dụng, vì vô ý hoặc không biết nên vô tình biến sữa bị biến chất đi, thậm chí có thể gây hại cho cơ thể. Bạn hãy tránh 3 điều sau nhé.
(HBĐT) - Ngày 13/1, Hội CTĐ thành phố Hoà Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2009, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2010.
(HBĐT) - Trong năm 2009, Công ty TNHH Dược phẩm Hà Việt đã chính thức khai trương nhà thuốc Hà Việt tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hoà Bình. Đây là nhà thuốc đạt chuẩn GPP đầu tiên trong tỉnh.
Ngày 12-1, BS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 TPHCM, cho biết vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân L.T.P. (65 tuổi, ngụ quận 11,TPHCM) bị nhồi máu não cấp bằng phương pháp chọc hút (gọi tắt là Prenumbra).
Trong sách vở y khoa nói chung và đông y nói riêng chưa hề nhắc đến loài dinh rắn có sừng
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 4605/QÐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt rét áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Quyết định này thay thế Quyết định số 339/QÐ-BYT ngày 31-1-2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị sốt rét.