Tiêm ngừa cho trẻ để phòng thủy đậu.
Y học hiện đại đã tìm ra thủ phạm gây thủy đậu là varicella zoster virus (VZV). Thủy đậu lây lan trong cộng đồng rất dễ dàng. Biến chứng phổ biến nhất của bệnh là nhiễm trùng các nốt ban dẫn đến sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ bên ngoài dễ làm trẻ mất tự tin khi lớn lên. Ngoài ra, những biến chứng nặng khác có thể tác động nghiêm trọng đến đời sống của trẻ trong thời thơ ấu như: viêm não, viêm phổi thậm chí có thể tử vong do thủy đậu. Riêng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu chẳng may bị thủy đậu, em bé sinh ra dễ bị dị dạng.
Những trẻ nào dễ mắc bệnh?
Bệnh thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ hay phỏng rạ, là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 90% bệnh nhân là trẻ em nên được gọi là bệnh trẻ em. 90% những trẻ sống chung với người bệnh, học tập, sinh hoạt với trẻ mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ chưa tiêm ngừa hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch sẽ bị bệnh nặng hơn những trẻ khác. Sau khi mắc bệnh, trẻ sẽ có miễn dịch lâu dài, ít có khả năng mắc bệnh lần thứ 2. Tuy nhiên, vẫn gặp các trường hợp tái nhiễm thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng. Mặt khác, bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con khi mẹ mang thai bị nhiễm thủy đậu.
Lây lan rất dễ dàng
Trẻ bị thủy đậu khi nói, ho, hắt hơi, khóc… các virus sẽ phát tán trong không khí. Khi chúng ta hít vào thì virus theo vào cơ thể sinh sôi thành “tập đoàn” hoặc khi tiếp xúc gần với mụn nước của trẻ đang bệnh cũng có thể bị lây nhiễm. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi của bạn… có chứa virus gây bệnh. Bệnh thủy đậu rất dễ lây, xảy ra nhiều ở những nơi đông đúc như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học do các nguyên nhân như phát hiện muộn, không áp dụng biện pháp phòng ngừa.
Đừng nên coi thường bệnh này
Thống kê tại BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM cho thấy, bệnh xảy ra tập trung từ tháng 2 - 6 hàng năm, trong đó nhiều nhất là vào tháng 3.
Một số trẻ do không được quan tâm chăm sóc kỹ, nên khi trẻ gãi móng tay vào mụn nước, chúng vỡ ra gây nhiễm trùng, và lẽ ra con siêu vi trùng này chỉ gây tổn thương nông ở bề mặt da, nay các vi khuẩn “đánh hội đồng” làm tổn thương sâu da bé, khi lành bệnh, nơi đây tạo thành những sẹo. Lúc ấy, với các mẹ là “sự hối hận muộn màng”, còn trẻ sẽ mất tự tin khi lớn lên.
Trường hợp hiếm, nhưng đã xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng, đề kháng kém là virus “chẳng thèm” ở ngoài lớp da bên ngoài, mà chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như: thận, não, gan… gây tình trạng sốt dao động, trẻ li bì, quờ quạng tay chân, có thể co giật phải đưa gấp đến bệnh viện vì trẻ đã bị viêm não do thủy đậu. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị thì cũng để lại di chứng thần kinh như: điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Nếu trẻ sốt cao, ho nhiều thì coi chừng bé bị viêm phổi do thủy đậu. Một con siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da rồi “hồ biến” nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào trong cơ thể của bé mà gây hại, để lại di chứng suốt đời.
Các bà mẹ cần làm gì?
Các bà mẹ thường lo lắng: bệnh sẽ để lại sẹo vĩnh viễn trên da, làm xấu trẻ. Tuy vậy, lại có những chăm sóc tại nhà không đúng như: tránh ánh sáng, cữ nước, kiêng gió; điều trị theo lời mách bảo như: bôi phấn rôm, đắp lá cây, chọc vỡ các mụn nước gây biến chứng nhiễm trùng; hoặc tự ý dùng thuốc có chứa corticoids thường làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Bệnh thủy đậu lây lan sớm, độ lây lan cao nên chủng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh. Vắcxin được dùng tiêm ngừa cho người khỏe mạnh, chưa mắc bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi. Liều tiêm ngừa chia làm 2 nhóm tuổi: từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều. Cũng có thể tiêm thêm 1 liều vắc-xin thủy đậu nữa để gia tăng hiệu quả bảo vệ tối đa cho trẻ, tránh bị mắc thủy đậu mặc dù trẻ đã được tiêm ngừa 1 liều vắc-xin trước đó, do miễn dịch của trẻ đối với thủy đậu giảm theo thời gian và dịch bùng phát quá lớn. Đối với trẻ từ 13 tuổi trở đi tiêm 2 liều, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 6 tuần.
Tiêm ngừa nên được thực hiện trước khi mùa bệnh xảy ra để tránh nhu cầu tăng cao gây khan hiếm thuốc chủng ngừa. Tiêm sau khi tiếp xúc với người bệnh đôi khi vẫn có thể mắc bệnh, do đã bị nhiễm bệnh mà vắc-xin chưa kịp có tác dụng.
Phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện Sản, Nhi, Trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn tiêm ngừa thủy đậu. Nếu có điều kiện, thanh thiếu niên và người lớn cũng nên đi tiêm ngừa để được bảo vệ khỏi bị thủy đậu, tránh lây lan trong cộng đồng khi bùng phát dịch.
Theo Báo SKĐS
Có rất nhiều người vừa uống thuốc chữa bệnh vừa hút thuốc lá. Điều này có nên không? Thuốc lá ảnh hưởng đến thuốc chữa bệnh như thế nào?
Phụ nữ sau mãn kinh do hiện tượng béo phì và giảm estrogen dễ mắc các bệnh như thoái hoá khớp gối và loãng xương. Không có đau nào giống đau nào, đau trong đợt tiến triển của thoái hoá khớp gối làm cản trở các hoạt động thường ngày của chị em, đau rút hai bên sườn làm các quý bà không thể ngồi lâu.
Ở nước ta, sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, tuy nhiên sởi vẫn còn là lo lắng chung của nền y học nước nhà, nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ, vì dịch bệnh vẫn được được khống chế, số người nhiễm sởi hàng năm vẫn còn nhiều, biến chứng do bệnh còn cao. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt bệnh dễ phát thành dịch nhất là giai đoạn sau Tết.
Là con người ai cũng có lòng thương cảm và đó là tính thiện của nhân loại. Người thầy thuốc hàng ngày đứng trước những sinh mạng, những số phận, những hoàn cảnh bi thương cụ thể lại càng giàu lòng thương cảm. Lòng thương cảm chỉ được giải toả khi người thương cảm giúp đỡ được người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Nếu không, lòng thương cảm sẽ vẫn là hòn đá đeo nặng suy tư trong lòng người. Trong tình hình thực tế hiện nay, có lẽ người thầy thuốc khó giải tỏa được "hòn đá thương cảm" trong lòng mình nhất, khi mà lương thầy thuốc quá thấp, lo cho gia đình chưa đủ làm sao thể hiện lòng thương cảm...
Trẻ em là đối tượng đặc biệt trong sử dụng thuốc, vì thế, cần hết sức thận trọng để tránh “tai nạn đáng tiếc”. Khi trẻ bị bệnh, cách an toàn nhất là đưa trẻ đi khám bệnh để được bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc.
Trong vài năm gần đây, tình trạng viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mày đay... có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân vô cùng phức tạp và biện pháp trị liệu cũng gặp không ít khó khăn.