“Nếu không có người cầm bút ghi tên thuốc vào toa thì thuốc mãi mãi chỉ nằm kho, cho nên chúng tôi phải nâng giá thuốc lên để còn chi hoa hồng cho bác sĩ”, giám đốc một hãng dược thú thật.

Theo anh Khang - giám đốc một hãng dược đang điêu đứng vì không thể cạnh tranh chiết khấu với các công ty dược lớn - chung chi cho bác sĩ là hành động lót đường mang tính tất yếu, trở thành cuộc chiến khốc liệt nhất mà ai làm ngành dược cũng biết.

Vị giám đốc này tâm sự, sẽ rất thuận lợi cho những công ty lớn vừa có quan hệ tốt vừa dám chi mạnh tay cho bác sĩ; ngược lại thì rất khốn đốn với công ty dược nhỏ, thiếu lực. Anh nói: "Đây đã là quy luật thương trường như các ngành khác, chẳng qua ngành y đụng đến y đức và khách hàng thường là người bệnh đang lâm vào cảnh khó khăn nên chuyện hoa hồng mới thực sự trở thành nỗi đau".

Không ngạc nhiên trước nghi án bác sĩ kê toa để được hưởng hoa hồng tiền tỷ mà dư luận râm ran thời gian qua, Nguyễn Sang, một trình dược viên gạo cội tại TP HCM, người đã quá quen mặt với các bác sĩ chuyên kê toa ở Sài Gòn, cũng cho biết, việc chung chi cho người kê toa như một hành động trả ơn với vô vàn cách khác nhau.

“Thị trường có quá nhiều loại thuốc, những loại công ty đã đấu thầu vào được bệnh viện thì xem như yên thân. Những 'anh' còn lại hoặc không có trong danh sách thuốc bệnh viện hoặc đang chờ duyệt, buộc phải tung chiêu hấp dẫn để tranh một chỗ đứng. Khi đó bác sĩ được xem là chiếc phao cứu sinh”, Sang nói.

Cũng theo anh Sang, ứng với tầm quan trọng của mỗi bác sĩ (tức uy tín, khả năng kê toa) mà mức chiết khấu cao hay thấp. Ngoài ra, mỗi khoa phòng trong bệnh viện cũng có một mức chung chi riêng. Bên cạnh đó, mức hoa hồng còn được các công ty đẩy lên dần để đủ sức cạnh tranh với đối thủ. Nhiều mặt hàng trong thế cạnh tranh quyết liệt, hoặc ứ hàng quá lâu, mức chiết khấu có khi còn lên đến 100%, thậm chí vài trăm phần trăm. Chính vì thế, giá của thuốc khi đến tay người dân khi ấy đã cao hơn rất nhiều so với giá thực.

“Thế nhưng không phải bác sĩ nào cũng ưng mức chiết khấu hoa hồng cao - một nữ trình dược viên nói - Nhiều lúc hai công ty chênh lệch nhau vài phần trăm nhưng bác sĩ vẫn chọn công ty chiết khấu thấp vì các lý do khác như mối quan hệ từ trước, hoặc đôi khi chỉ vì 'em trình dược viên này đủ sức thuyết phục tôi'".

Ngoài việc chi phần trăm tiền bán thuốc, các trình dược viên còn cho biết, đường đi của thuốc đến với thị trường còn phải luồn lách bằng nhiều hình thức khác như: mời bác sĩ đi du lịch nước ngoài, quà cáp ngày lễ, mời dự hội thảo ra mắt thuốc mới... Cách làm này được xem là loại “hoa hồng cao cấp”, một hình thức quan hệ tích cực.

“Tất nhiên không thể đánh đồng theo kiểu vơ đũa cả nắm, bởi ngoài những bác sĩ luôn sẵn lòng nhận chiết khấu để kê toa, cũng có không ít bác sĩ đuổi ngay trình dược viên ra khỏi phòng khi thấy họ lấp ló. Các vị này chỉ tập trung chuyên môn và chỉ quan tâm đến những loại thuốc thực sự có lợi cho người bệnh”, trình dược viên Thanh Luân, công tác tại một công ty dược ở quận Tân Bình nói.

Một bác sĩ về hưu tâm sự, câu chuyện "hoa hồng" này đã xảy ra từ hai mươi năm qua, bắt đầu khi mà các công ty dược ồ ạt đầu tư vào VN.

"Ngày đó, tôi từng đau đầu vì sự tra tấn của các trình dược viên đến chào thuốc, không ít người còn rao luôn cả mức chiết khấu. Quá cám dỗ nên không ít bạn đồng nghiệp đã nhận lời. Câu chuyện hoa hồng này, theo tôi chỉ mong vào cái tâm của bác sĩ mà thôi", ông này nói.

Trao đổi với VnExpress.net về quan hệ giữa bác sĩ và người giới thiệu thuốc, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch hội Dược sĩ bệnh viện TP HCM khẳng định, đây là câu chuyện phổ biến và kéo dài ở VN cũng như cả thế giới.

"Ngoài vụ việc đang được nhắc đến, trước đây, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cũng từng phát hiện và xử lý một số trường hợp kê toa chưa hợp lý, nhưng quy mô không lớn" ông Tuấn nói.

Tại VN, để hạn chế nạn bác sĩ kê toa nhận hoa hồng, các bệnh viện thành lập Hội đồng thuốc và giám định của bệnh viện theo dõi định kỳ. Tuy nhiên hình thức giám sát chỉ trên sổ sách như hiện nay chưa chắc hiệu quả, bởi nếu bác sĩ đã cố tình muốn giới thiệu bệnh nhân đến phòng mạch của mình mua thuốc là không khó. Những hành động như trao đổi bằng miệng, đưa danh thiếp cho bệnh nhân hay nhờ vệ tinh bên ngoài bệnh viện tiếp thị… đều rất khó bị phát hiện. Chính vì thế theo ông Tuấn, từ trước đến nay, để hạn chế nạn nhận hoa hồng, ban giám đốc các bệnh viện chỉ còn cách tuyên truyền và kêu gọi y đức.

Chủ tịch hội Dược sĩ Bệnh viện TP HCM cũng cho hay, không riêng VN, trên thế giới dù Hội Y tế của nhiều nước đã cảnh báo song tình trạng hoa hồng cho bác sĩ vẫn không thể diệt tận gốc. Tuy nhiên hình thức “qua lại” tại một số nước, theo ông Tuấn, có vẻ tích cực hơn bằng các chương trình hội thảo khoa học kết hợp với du lịch.

Nhằm khắc phục việc bác sĩ kê toa nhận hoa hồng, chính phủ một số nước chỉ chấp nhận cho một ít nhà phân phối dược uy tín cung cấp thuốc. Tất cả loại thuốc về đến bệnh viện đều đã được chính phủ duyệt, trong đó chính phủ duyệt cả mức giá bán đã tính luôn mức chiết khấu một cách công khai.

Tại VN, bên cạnh sự nhốn nháo của vô vàn nhà phân phối dược, số lượng nhà phân phối có uy tín, không chấp nhận chuyện chi hoa hồng đã dần xuất hiện nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Trong khi đó, các văn bản hiện hành tại VN vẫn chưa quy định cụ thể mức xử lý đối với trường hợp chi hoa hồng cho bác sĩ.

 

                                                                    Theo VnExpress

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục