Bệnh viên Đa khoa tỉnh đang quá tải bệnh nhân

Bệnh viên Đa khoa tỉnh đang quá tải bệnh nhân

(HBĐT) - Đợt nắng nóng kéo dài, gay gắt trong nhiều ngày qua đã khiến nhiều người, phần lớn là trẻ em và người cao tuổi phải nhập viện do yếu tố thời tiết ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa khu vực và bệnh viện đa khoa tuyến huyện đều ghi nhận lượng bệnh nhân gia tăng đột biến.

 

Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hoà Bình, trong tuần nắng nóng đỉnh điểm (từ ngày 14 - 20/6), đã có 983 lượt người đến Bệnh viện khám, chữa bệnh, hơn một nửa số bệnh nhân trong đó là đối tượng người già và trẻ em, bình quân mỗi ngày có 170 - 180 lượt người khám, điều trị. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhi nhập viện do mắc cách bệnh liên quan về viêm đường hô hấp, một số mắc tiêu chảy. Số người già phải nằm điều trị tại các khoa liên quan đến tim mạch, phổi mạn tính, rối loạn điện giải do nắng nóng. Bên cạnh việc khám, cấp đơn thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân nhẹ, bệnh viện tổ chức cấp cứu, điều trị nội trú chó các trường hợp bệnh nặng. Ông Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố cho biết: Tại các đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Đa khoa khu vực Chăm Mát và Bệnh viện Đa khoa khu vực Sông Đà, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị cũng tăng mạnh.

 

Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang phải tiếp nhận quá tải lượng bệnh nhân từ các huyện, thành phố đổ về. Bình quân mỗi ngày có trên dưới 600 người đến khám bệnh. Nhiều nhất vẫn là trẻ em và người cao tuổi được chuyển đến điều trị tại các khoa Nhi, Nội - Tim Mạch, Nội - Tổng Hợp. Bác sĩ Cấn Xuân Lương trực điều trị tại khoa Nhi cho biết: Mỗi ngày khoa tiếp nhận 18 - 20 lượt bệnh nhi, chủ yếu là bệnh nhân nặng và bệnh nhân vượt tuyến, đó là chưa kể số bệnh nhân khám,  điều trị ngoài giờ. Do lượng bệnh nhân tăng nên các bác sĩ, điều dưỡng của khoa thường phải trực 24/24g, có đêm tiếp nhận hơn 10 trường hợp bệnh nhi.

 

Trẻ đến viện thường mắc phải các bệnh ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, việc thay đổi chế độ sinh dinh dưỡng, sinh hoạt của gia đình. Đa số trường hợp mắc viêm phổi, viêm họng, tiêu chảy, viêm da dị ứng. Đặc biệt khi vào viện, trẻ thường đã có biểu hiện sốt cao 39°C - 40°C. Để chữa trị, các bác sĩ tích cực hạ nhiệt, chống nôn cho trẻ, trường hợp sốt cao gây co giật thì nhanh chóng hạ sốt kết hợp dùng thuốc an thần. Với trẻ bị tiêu chảy, tập trung bù nước điện giải, đồng thời hướng dẫn cho người nhà bệnh nhi thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với trẻ bệnh. Trẻ mắc viêm phổi, khó thở thì tuỳ từng thể trạng mà sử dụng thuốc điều trị hợp lý, thông khí phổi và cho thở ô xi.

 

Tại khoa Nội - Tim mạch, số bệnh nhân điều trị tại đây cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng trước. Nhiều nhất là bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh về tăng huyết áp, cơ tim, loạn nhịp tim. Đây là các ca bệnh dễ gây suy tim dẫn đến tử vong đột ngột. Theo bác sĩ Quách Thiên Tường, Phó Giám đốc Bệnh viện: Những người bị nhồi máu cơ tim có tỷ lệ đột tử cao gấp 10 lần so với người bình thường nên cần có chế độ theo dõi chặt chẽ và điều trị thích hợp. Người có bệnh tăng huyết áp cũng được điều trị kịp thời và kiểm tra huyết áp thường xuyên để ngăng ngừa cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn đến suy tim, loạn nhịp, đột tử.

           

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết: Trong đợt nắng nóng, các bác sĩ liên tục nhận được các cuộc điện thoại gọi đề nghị tư vấn, hướng dẫn về cách chăm sóc, điều trị trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi gặp các triệu chứng sốt nóng không rõ nguyên nhân. Trong lúc này, các bà mẹ và gia đình của trẻ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh để việc khám, điều trị bệnh kịp thời, tránh xảy ra biến chứng. Với trẻ mắc tiêu chảy, cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp vệ sinh bởi việc ăn uống không đảnm bảo vệ sinh cộng với yếu tố thời tiết nắng nóng dễ gây loạn khuẩn. Lời khuyên dành cho các bà mẹ và gia đình  của trẻ là cho trẻ bú sữa mẹ, bổ sung đủ nước cho trẻ, hạn chế đưa trẻ ra ngoài trong thời tiết quá nóng, không nên lạm dụng nước đá, tránh cho trẻ ra, vào phòng điều hòa đột ngột, tránh quạt thốc vào người trẻ và nên cho trẻ mặc quần áo thoáng, rộng, thấm mồ hôi. Vệ sinh cho trẻ hàng ngày để tránh các bệnh nhiễm trùng qua da.

 

Để phòng tránh các bệnh liên quan đến sức khoẻ người cao tuổi, người già nên đi khám bệnh định kỳ. Nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa bóp các cơ bắp. Nên đến các công viên, câu lạc bộ để vừa tập vừa có cơ hộ gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ. Nên uống nước đều đặn và đầy đủ, ăn nhiều rau. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia. Ngoài ra, gia đình của người cao tuổi bên gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, cha mẹ nhiều hơn trong những lúc ốm đau góp phần đáng kể làm cho người già ít bệnh tật và cảm thấy sống có ích. Với các bệnh nhân nói chung, khi có dấu hiệu bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị theo chỉ định của thầy thuốc. Không nên dùng đơn thuốc cũ hoặc theo hướng dẫn của người bán thuốc để tự điều trị khiến từ chỗ bệnh nhẹ kéo dài gây biến chứng, trở thành bệnh nặng.

 

 

                                                                                       Bùi Minh           

             

Các tin khác

Không có hình ảnh
Cao dán chống buồn ngủ được quảng cáo trên một trang web.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Món ăn giải nhiệt mùa hè

Với cái nắng chói chang trong những ngày hè làm cho con người nhiều khi tưởng như không thể chịu nổi. Để có thể khắc phục tình trạng này ngoài việc sử dụng các phương tiện chống nóng như quạt, máy điều hòa không khí..., chúng ta cũng cần giúp cơ thể có thể tự điều tiết thân nhiệt thông qua các món ăn có công hiệu thanh nhiệt, giải độc và bồi bổ sức khỏe rất thích hợp trong những ngày hè oi bức.

Thành phố Hoà Bình: Tăng cường giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(HBĐT) - Thời tiết nắng nóng cộng với mưa nhiều là yếu tố thuận lợi để các dịch bệnh phát triển nhanh. Chính vì thế, mùa hè rất dễ mắc các bệnh về tiêu hoá, sốt xuất huyết, nguy hiểm nhất là bệnh viêm não. Đặc biệt, các bệnh này có khả năng lây truyền nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

10 nguyên nhân gây ra đột quỵ

10 lối sống và bệnh tật dưới đây có thể giải thích cho 9/10 trường hợp đột quỵ. Trong danh sách này có: hút thuốc, béo bụng, thiếu luyện tập và huyết áp cao.

Điều trị đái tháo đường bằng insulin cần lưu ý những gì?

Bệnh nhân điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) cần phải tiêm insulin để thay thế hoặc bổ sung thêm lượng insulin cho cơ thể. Khi tiêm insulin có cần chú ý đặc biệt gì không? Nếu thuốc gây tác dụng phụ, xử lý thế nào?

Sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Ngày nay, nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khoẻ nên tuổi thọ của con người không ngừng được tăng cao. Tuy nhiên, song song với tuổi thọ tăng cao lại kéo theo những bệnh của người cao tuổi. Đây là bệnh lý có những đặc thù riêng, cả về chẩn đoán, theo dõi và điều trị, do đặc điểm về tâm sinh lý của người già có nhiều thay đổi so với các lứa tuổi khác. Chính vì vậy, việc hiểu biết về một số đặc điểm sinh - bệnh lý và một số những điểm đáng lưu ý khi dùng thuốc cho những người cao tuổi là hết sức quan trọng.

Tắm cho trẻ sơ sinh

Trẻ mới sinh còn bé tẹo. Các bà mẹ thường lo lắng và lúng túng không biết làm thế nào để tự tay tắm cho con, nhiệt độ nước tắm bao nhiêu là vừa?, Tắm bằng gì để tốt cho sức khoẻ của bé?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục