“Không có cơ sở khoa học nào cho thấy, ăn các loại thủy hải sản sống lại bổ hơn nấu chín. Bổ đâu chưa thấy chỉ thấy nhiều trường hợp ngộ độc”, BS Nguyễn Trung Nguyên, TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết trước hiện tượng gỏi hải sản đang là mốt hiện nay.
Giàu kẽm, phong phú cả vi khuẩn gây bệnh
Kẽm là một trong những vi chất rất tốt trong việc tăng “sức mạnh” của các quý ông và theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong các loại hải sản nói chung, hàm lượng kẽm rất cao.
Tuy nhiên, không hiểu đồn thổi từ đâu mà dân tình kháo nhau, những loài hải sản này chỉ ăn sống, tái mới phát huy hiệu quả. Vậy là phong trào ăn gỏi các loại hải sản như hàu, sò huyết, tôm, bạch tuộc… phát triển rầm rộ.
Tại các bữa tiệc buffer, món ăn tái, gỏi các loại thủy hải sản là món ăn cao cấp. Đặc biệt, món hàu sống ướp đá ăn cùng với mù tạt, chanh rất được nam giới ưa chuộng vì thông tin ăn hàu sống sẽ giúp tăng cường sinh lực phòng the.
“Trong khi đó, trong tất cả các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn vibrio para haemolyticus có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến. Khi ăn phải những thực phẩm này mà nấu không chín thì sẽ bị tiêu chảy ồ ạt”, BS Nguyễn Trung Nguyên, TT chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Vì thế, sau ăn hải sản mà có hiện tượng đau bụng, nôn, tiêu chảy thì chắc chắn đã bị nhiễm vi khuẩn này.
Trên thực tế, tại Trung tâm chống độc (bệnh viện Bạch Mai) năm nào cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh vì ăn hải sản sống, tái. Theo tổng kết của Trung tâm trong năm 2003, thì loại vi khuẩn có trong hải sản này là loại vi khuẩn đứng đầu bảng gây nên các ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị.
“Một điều may mắn là vi khuẩn này chỉ sống trên môi trường hải sản, gây bệnh cho người ăn phải nó rồi chết, chứ không lây từ người này sang người kia như các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác”, BS Nguyên nói.
Sống bổ hơn chín: không có cơ sở!
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, đến nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào xem trong hàu có chứa sán, ký sinh trùng hay không nhưng nhiều nghiên cứu về các loại thủy hải sản sống ở các vùng ven biển, cửa biển cho thấy có thể nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có sán. Vì thế, TS Lâm đưa ra lời khuyên, người dân nên ăn hàu, hải sản đã nấu chín vừa phòng tiêu chảy, vừa vẫn bồi bổ, tốt cho cơ thể.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm khoa ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, khẳng định: Việc ăn các loại thủy hải sản sống, ăn gỏi là rất nguy hiểm. Ăn sống các loại này, bổ đâu chưa thấy nhưng người ăn có thể bị nhiễm ký sinh trùng, giun sán từ nguồn thực phẩm sống này. Theo một nghiên cứu được TS Đề và cộng sự thực hiện cho thấy, trong gỏi cá đã chế biến (trộn với đủ loại gia vị: giấm, mẻ, riềng, lá mơ) và đưa vào sử dụng, ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%, cua nướng đến vàng vỏ thì ấu trùng sán lá phổi vẫn còn tới 65%, và với cua nướng cháy vỏ ấu trùng này vẫn còn sống 23,3%.
Hay như trong lươn, theo nghiên cứu ký sinh trùng ở lươn do GS Trần Vinh Hiển, Cố vấn khoa học bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cùng cộng sự thực hiện trên 3.851 con lươn (kể cả lươn nuôi và lươn hoang dã) tại các chợ ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum là 0,8% đến 29,6%. Tỷ lệ ấu trùng đặc biệt tăng cao trong mùa mưa, giảm dần vào mùa khô. Ấu trùng ở trong lươn chỉ có kích thước chừng 1mm nhưng khi vào cơ thể người, nó lớn lên từ 5-7mm. Và khi ăn phải những con lươn có ký sinh trùng này chưa được nấu chín, ký sinh trùng này theo máu di chuyển tới mọi bộ phận của cơ thể, có người thì bị di chuyển vào mắt, người bị vào não… “chạy” lung tung khắp cơ thể và ký sinh bất cứ vị trí nào nó muốn.
“Không có một cơ sở khoa học nào cho thấy, ăn sống các loại thủy hải sản này lại bổ hơn ăn chín. Vì thế, hãy nấu chín các thức ăn trên, các vi khuẩn đường ruột, ký sinh trùng nếu có trong thực phẩm này hầu hết đều bị tiêu diệt, sẽ phòng được nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy, nguy cơ nhiễm sán, ký sinh trùng do chưa bị tiêu diệt”, BS Nguyên cảnh báo.
Theo Dantri
Trong khi số ca sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM đang tăng mạnh từ cuối tháng 9 đến nay thì khó khăn lớn nhất trong điều trị bệnh là thiếu nguồn máu truyền cho bệnh nhân.
Những lợi ích sữa mang lại chúng ta đều rõ, tuy nhiên, một số thói quen lại có thể biến sữa thành chất gây hại cho sức khỏe.
Viêm mũi dị ứng có thể gặp quanh năm nhưng những lúc thời tiết chuyển mùa bệnh thường xuất hiện nhiều hơn nhất là mùa nóng chuyển sang lạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ chiếm nhiều hơn là ở tuổi trưởng thành và cả ở người cao tuổi. Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng thường kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu.
Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết bao nhiêu độ thì được gọi là “con bị sốt”. Với các bé nhỏ, thân nhiệt thường cao hơn người lớn. Nên người con có hâm hấp hơn 37độ, các mẹ cũng đừng lo lắng quá!
Thời tiết thay đổi bất thường, lúc nắng lúc mưa, trời chuyển se lạnh vào đêm và sáng sớm, trong khi đó nhiệt độ trong ngày chênh nhau nhiều đã khiến nhiều người mắc bệnh cảm cúm.
(HBĐT) - Theo ông Đặng Quang Ngàn, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT, hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học không chỉ có ý nghĩa chia sẻ về vật chất với người gặp hoàn cảnh khó khăn mà còn góp phần vào việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Khi “hoà mình” vào đó, thanh thiếu niên sẽ hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”, giáo dục cho các em biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, giáo dục tính hướng thiện và lòng nhân ái.