Đột qụy (stroke) do tăng huyết áp hay thường được gọi là tai biến mạch não do tăng huyết áp là một thuật ngữ chung để chỉ các bệnh do tắc mạch não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não). Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Khi bị đột qụy, một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi não do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngừng hoạt động và sẽ chết đi sau vài phút. Những tổn thương này dẫn đến các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ bị tổn thương như yếu, liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hoà nhập cuộc sống bình thường.
Những trường hợp mạch não bị tắc do mảng xơ vữa ở thành mạch dày dần lên, làm hẹp dần lòng mạch và kết hợp với việc hình thành cục máu đông. Mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp gây xuất huyết não làm chảy máu, chèn ép não bộ và đôi khi xuất huyết ở khoang dưới nhện (mạch máu bị vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não).
Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch hoặc do vỡ mạch khó có thể phân biệt, để chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào các yếu tố tiền căn, bệnh có sẵn và xét nghiệm cận lâm sàng (chụp Xquang sọ não, MRI, CT scanner)
Trong trường hợp điển hình, các triệu chứng xuất hiện đột ngột, tiến triển chỉ trong vài giờ (hoặc vài ngày). Trên lý thuyết, các triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với khu vực tưới máu của động mạch bị tổn thương, tuy nhiên do các động mạch thông nối với nhau nên có sự cấp máu bù bởi các động mạch còn nguyên vẹn làm nhòe các triệu chứng.
Những người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao bị đột qụy là những người trên 55 tuổi có kèm theo các bệnh phối hợp như đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì- thừa cân, lười vận động và bị stress.
|
Phòng ngừa đột qụy như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh có hiệu quả cần tuân thủ tốt các chế độ phòng bệnh:
a. Phòng bệnh cấp một bao gồm các hành động với mục đích không cho bệnh hoặc tác nhân xấu có cơ hội gây ra bệnh tật.
b. Phòng bệnh cấp hai với mục đích phát hiện ra bệnh ở giai đoạn mới chưa có triệu chứng. Nhờ đó khi áp dụng, các phương thức điều trị có thể trì hoãn hoặc chặn đứng không cho bệnh xảy ra.
c. Phòng ngừa cấp ba là để tránh các biến chứng xấu của bệnh mà không may đang mắc phải.
Huyết áp cao là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột qụy. Các nhà y học đã coi tăng huyết áp như kẻ giết người thầm lặng. Ở người tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây đột qụy quan trọng nhất và ta có thể điều chỉnh được. Duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột qụy.
Vì thế mỗi người cần theo dõi huyết áp đều đặn, đo ít nhất 2 lần mỗi năm. Nhiều người không biết huyết áp mình cao vì bệnh thường thường không có triệu chứng.
Kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được trị số huyết áp mục tiêu. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ.
Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức này đã được coi như tiền tăng huyết áp và cần được theo dõi. Trên mức 140/90mmHg là tăng huyết áp... Dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trở về trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Các yếu tố nguy cơ cần được kiểm soát như:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
-Hạn chế ăn muối.
- Giảm cân nặng nếu béo phì.
- Vận động cơ thể đều đặn và cần tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày, là giảm được nhiều nguy cơ.
- Giảm căng thẳng tâm thần vì stress gây tăng huyết áp và có thể gây ra đột qụy.
- Ăn chế độ ăn giảm mỡ.
- Điều trị tốt bệnh đái tháo đường, cần duy trì đường huyết ở mức độ trung bình, vì bệnh này làm tăng nguy cơ tai biến từ 2 - 4 lần cũng như tăng tỷ lệ tử vong.
- Aspirin với đột qụy: aspirin giảm sự ngưng kết của tiểu cầu, do đó được dùng để phòng ngừa một vài bệnh tim mạch. Nhưng việc sử dụng này là vấn đề khá tế nhị, cần được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị rối loạn lipid máu: Những người tăng huyết áp cần được kiểm tra lipid máu định kỳ, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10-12 giờ. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6-12 tháng/lần. Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống.
Ngoài ra, không nên quan niệm bị đột qụy có nghĩa là cuộc đời chấm dứt.
Cho nên, điều cần thiết là người bệnh phải có thái độ tích cực, tin tưởng ở các phương pháp điều trị, phục hồi chức năng và chủ động trong việc tự săn sóc, và với sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân.
Theo Báo SKĐS
Trong cuộc đời, mọi người đều từng trải qua cảm giác tim mình đập loạn nhịp trong một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên sự xuất hiện đó qua đi và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng ở những người bị rối loạn nhịp nhanh thất thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra chỉ trong vòng vài phút. Cấy máy phá rung hai buồng là bước đột phá hóa giải mối nguy này.
Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virus Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn rất sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Hiển nhiên đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Không dễ chịu gì nếu thiếu ăn, thiếu mặc, không có nhà ở lại phải gánh thêm bệnh đau mắt đỏ vào người.
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Anh cho thấy nhóm máu của một phụ nữ có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của người đó.
(HBĐT) - Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều luồng thông tin về “bệnh lạ” ở bản Vắt, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu. Nhiều lời đồn đại xung quanh về mó nước (mạch nước) hại người với những căn bệnh quái ác như câm điếc, thần kinh, đần độn và dị tật... Người ta cho rằng: Những căn bệnh này đều do nguồn nước tại mó Vắt gây ra.
Mùa thu, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang hanh khô. Độ ẩm không khí thường thấp, nhất là trong điều kiện đường sá có nhiều bụi bậm, bên cạnh đó, thời tiết lại thường có các đợt gió mùa đông bắc, se lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho chứng "chảy máu cam" xuất hiện. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song ở trẻ em, tỷ lệ thường cao hơn.
Thời tiết thay đổi, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu đợt mưa lũ ngập lụt kéo dài, môi trường sống ẩm thấp là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều bệnh mà trẻ em hay mắc phải. Trong đó, phải kể đến viêm phế quản phổi là một trong số các bệnh hay gặp khi thay đổi thời tiết.