Người ta đã tính có tới 50% bệnh nhân đến gặp thầy thuốc vì triệu chứng đau. Bởi vậy, dù chỉ là thuốc chữa triệu chứng, nhưng thuốc giảm đau vẫn cần phối hợp dùng trong điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên dùng thuốc theo bậc thang giảm đau, trong đó với các trường hợp đau nặng (bậc 3) như đau do ung thư, do bỏng nặng hoặc chấn thương nặng... thì phải dùng đến morphin và các dẫn chất của nó. Thuốc dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, vì vậy chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian ấn định.
Tác dụng của morphin
Tác dụng giảm đau: Morphin có tác dụng chọn lọc với tế bào thần kinh trung ương, đặc biệt là vỏ não. Thuốc giảm đau mạnh do làm tăng ngưỡng nhận cảm giác đau, thuốc còn làm giảm các đáp ứng phản xạ với đau. Morphin ức chế tất cả các điểm chốt trên đường dẫn truyền cảm giác đau của hệ thần kinh trung ương như tủy sống, hành tủy, đồi thị và vỏ não. Tác dụng giảm đau của morphin được tăng cường khi dùng cùng thuốc an thần kinh.
Tác dụng gây ngủ: Morphin làm giảm hoạt động tinh thần và gây ngủ. Với liều cao có thể gây mê và làm mất tri giác.
Tác dụng trên hô hấp: Morphin ức chế trung tâm hô hấp ở hành tuỷ, làm trung tâm này giảm nhạy cảm với CO2 nên cả tần số và biên độ hô hấp đều giảm. Khi nhiễm độc, nếu chỉ cho thở O2 ở nồng độ cao, có thể gây ngừng thở. Morphin còn ức chế trung tâm ho nhưng tác dụng này không mạnh bằng codein, pholcodin, dextromethorphan...
Ngoài ra, morphin còn có tác dụng làm mất thăng bằng cơ chế điều nhiệt của cơ thể, tác động lên hệ thống nội tiết, gây co đồng tử, gây buồn nôn và nôn nhất là khi dùng liều cao. Thuốc có thể làm hạ huyết áp, ức chế trung tâm vận mạch, làm giảm nhu động ruột, giảm tiết các dịch tiêu hóa, tăng trương lực cơ trơn ngoài ống tiêu hóa nên có thể gây bí đái hoặc làm xuất hiện cơn hen ở người có tiền sử bệnh hen…
Tác dụng không mong muốn: Thường gặp nhất là buồn nôn và nôn, táo bón, ức chế thần kinh, co đồng tử, bí đái... có thể gặp các biểu hiện khác với mức độ ít hơn như ức chế hô hấp, ngứa, toát mồ hôi, lú lẫn, ác mộng, ảo giác, co thắt túi mật, co thắt phế quản... Trong trường hợp morphin tiêm ngoài màng cứng ít gây buồn nôn, nôn, co thắt đường mật hoặc đường niệu hơn khi dùng qua các đường khác.
Morphin được sử dụng giảm đau do ung thư giai đoạn cuối. |
Morphin được dùng khi nào?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ sử dụng morphin cho các trường hợp đau bậc 3, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường khác nhưng không được dùng thuốc quá 7 ngày. Riêng với các trường hợp đau do ung thư giai đoạn cuối có thể dùng thuốc dài hơn 7 ngày.
Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng trong các trường hợp sau: Trẻ em dưới 30 tháng tuổi, bệnh nhân đau bụng cấp không rõ nguyên nhân; bệnh nhân suy hô hấp, suy gan nặng; bệnh nhân có chấn thương não hoặc tăng áp lực nội sọ; bệnh nhân có tiền sử hen phế quản; bệnh nhân ngộ độc rượu cấp.
Cần hết sức thận trọng khi dùng morphin ở người cao tuổi, suy gan, suy thận, thiểu năng tuyến giáp, suy thượng thận, người có rối loạn tiết niệu - tiền liệt, người có bệnh nhược cơ. Không nên dùng morphin trong thời kỳ mang thai và cho con bú; người làm việc trên cao hoặc vận hành xe - máy.
Biểu hiện ngộ độc do morphin và cách xử trí
Với các trường hợp ngộ độc cấp: Các biểu hiện của ngộ độc cấp do morphin xuất hiện rất nhanh: người bệnh thấy nặng đầu, chóng mặt, miệng khô, mạch nhanh và mạnh, nôn. Sau đó ngủ ngày càng sâu, đồng tử co nhỏ và mất phản ứng với ánh sáng. Thở chậm, nhịp thở Cheyne - Stokes, có thể chết nhanh trong vài phút sau tiêm hoặc 1 - 4 giờ sau uống trong trạng thái ngừng thở, mặt tím xanh, thân nhiệt hạ, đồng tử giãn và trụy mạch. Nếu hôn mê kéo dài có thể chết vì viêm phổi. Do vậy, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện, tùy theo điều kiện trang bị để áp dụng các biện pháp đảm bảo thông khí thích hợp, kết hợp với truyền dịch và dùng thuốc giải độc naloxon.
Với các trường hợp ngộ độc mạn: Có hai biểu hiện chính cần quan tâm là tình trạng quen thuốc và tình trạng nghiện thuốc.
Quen thuốc phụ thuộc vào liều dùng và sự dùng lặp lại. Người quen thuốc có thể dùng morphin với liều cao hơn nhiều so với người bình thường.
Nghiện thuốc: Xuất hiện do dùng morphin ngoại sinh kéo dài. Người nghiện morphin thường có rối loạn về tâm lý, lười biếng, ít chú ý vệ sinh thân thể. Hay bị táo bón, co đồng tử, mất ngủ, chán ăn, sút cân, thiếu máu, khả năng đề kháng kém, vì vậy họ dễ bị chết vì các bệnh truyền nhiễm.
Để cai nghiện morphin, người nghiện cần được cách ly, kết hợp giữa lao động chân tay với tâm lý liệu pháp và dùng thuốc. Trong thực tế dù đã cai được cũng dễ bị nghiện lại. Do vậy cần hết sức quan tâm đến các giải pháp tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện, tạo môi trường sống, môi trường làm việc, sinh hoạt lành mạnh đề giảm nguy cơ tái nghiện cho bệnh nhân.
Theo Báo SKĐS
Những năm gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về thuốc nhuộm tóc và khả năng gây ung thư. Liệu những bí mật làm đẹp của chúng ta có tiềm ẩn nguy cơ ung thư?
Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp trong thời điểm giao mùa. Một số phụ huynh đã bỏ tiền đi mua máy xông mũi họng (khí dung) về tự điều trị cho con. Do không biết cách, cha mẹ đã vô tình làm bệnh của con thêm nặng.
Thiên nhiên luôn ưu đãi con người, từ chăm sóc sức khỏe tới sắc đẹp. Vậy nên, thay vì dùng các sản phẩm nhân tạo, hãy tận dụng những gì thiên nhiên đã dành cho chúng ta.
(HBĐT) - Chiều 18/3, Đảng uỷ, Ban giám đốc, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thiên tai.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình quốc gia về xóa đói - giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Lạc Sơn đã phê duyệt quyết định cấp 99.313 thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đợt 1. Trong đó, có 54.422 đối tượng nghèo và 44.891 đối tượng người dân tộc thiểu số vùng điều kiện khó khăn.
(HBĐT) - Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao (24/3) năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới lấy chủ đề “Thay đổi tư duy để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng” nhằm hướng tới tiêu chí chung: Thế giới hãy bắt tay nhau để phòng - chống bệnh lao. Trên thực tế, bệnh lao hiện vẫn là căn bệnh có nguy cơ cao nhất về lượng người mắc, người nhiễm bệnh và số người tử vong.