Thanh tra Sở Y tế TPHCM lập biên bản thanh tra tại một cơ sở hành nghề y tư nhân
Với gần 14.000 cơ sở, TPHCM được xếp là địa phương có số lượng hành nghề y dược tư nhân cao nhất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, thanh kiểm tra còn nhiều bất cập khiến tình trạng vi phạm ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Đó là đánh giá được ghi nhận tại buổi tổng kết công tác thanh tra năm 2010 của Sở Y tế TPHCM vào ngày 28-3.
Kiểm tra ít, vi phạm nhiều
Là một trong những địa bàn tập trung nhiều cơ sở hành nghề y dược của TP nhưng cả năm 2010, Phòng Y tế quận 1 chỉ thanh kiểm tra được 204 cơ sở, trong đó có 109 cơ sở khám chữa bệnh. Điều đáng nói, quận 1 có không ít cơ sở hành nghề y học cổ truyền nhưng số lượng được kiểm tra cũng chỉ 5 cơ sở và không có cơ sở nào bị phát hiện vi phạm!
Tương tự, ở các quận 2, 7, 11, Thủ Đức..., số lượng cơ sở hành nghề y dược tư nhân được thanh kiểm tra trong năm 2010 cũng rất ít và số cơ sở bị phát hiện sai phạm cũng... đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều ý kiến thắc mắc, liệu thanh tra phòng y tế các quận huyện có nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ? Theo đại diện Phòng Y tế quận Thủ Đức, số lượng kiểm tra và xử phạt ít do phải cân nhắc chỉ ra được những sai phạm để cơ sở “tâm phục khẩu phục”. Hơn nữa còn nhiều lĩnh vực khác mà UBND quận yêu cầu phải tham gia nên chưa thể toàn tâm cho công tác kiểm tra hành nghề y dược tư nhân.
Dược sĩ Trần Thị Thanh Loan, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết trong năm qua đã kiểm tra được 7.786/13.969 cơ sở (thấp hơn năm 2009 tới 258 cơ sở). Trong đó riêng hành nghề y, vốn dĩ rất nhức nhối trong việc xảy ra nhiều trường hợp tai biến dẫn đến tử vong, nhưng số lượng cơ sở được thanh tra cũng giảm tới 4% so với năm 2009.
Ghi nhận cho thấy, đã có không ít trường hợp rủi ro đáng tiếc trong hành nghề tại các cơ sở y tế tư nhân xảy ra gần đây như vụ cắt nhầm buồng trứng của bệnh nhân Phạm Thị Xuân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú), hay vụ mổ mắt gây mù khiến bệnh nhân là Việt kiều Huỳnh Hữu Thông đã đâm đơn kiện Bệnh viện Mắt Sài Gòn (quận 1), vụ mổ ruột thừa gây tử vong tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ...
Hầu như tháng nào, Sở Y tế TPHCM cũng nhận được đơn khiếu nại của người bệnh hoặc thân nhân của họ liên quan đến những rủi ro khám chữa bệnh tại các cơ sở hành nghề y tư nhân.
Tuy nhiên, đến khi sự việc xảy ra mới có sự “vào cuộc” của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Tuy rằng số cơ sở bị thanh kiểm tra cả năm mới chỉ đạt 55,7% nhưng đáng báo động là số vi phạm tăng lên thấy rõ. Cụ thể trong số 2.920 cơ sở hành nghề y bị thanh tra, phát hiện 688 cơ sở sai phạm (tăng 157 cơ sở so với năm 2009). Hay như thanh tra 4.236 cơ sở hành nghề dược, phát hiện 715 cơ sở sai phạm, tăng 83 cơ sở so với năm 2009.
Đặc biệt lo ngại là phần lớn mỹ phẩm hiện chưa được quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất kinh doanh khiến mỹ phẩm giả, không rõ xuất xứ và độc hại tràn lan. Trong số 18 cơ sở mà Sở Y tế TPHCM thanh tra trong năm qua thì 100% vi phạm.
Dược sĩ Trần Thị Thanh Loan cho biết ngoài những vi phạm thường bắt gặp như không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không có bằng cấp chuyên môn, thuốc không có đăng ký... thì nay “lộ diện” thêm những yếu tố đáng lo lắng như quảng cáo hành nghề ngoài khả năng chuyên môn, cho người nước ngoài “mượn” chứng chỉ hành nghề, bác sĩ hoạt động chui.
Bỏ ngỏ nhiều lĩnh vực
Theo Phòng Y tế quận 10, mặc dù công tác thanh tra hành nghề y dược tư nhân đã cơ bản toàn diện nhưng hiện vẫn còn một số lĩnh vực chưa được quy định rõ ràng. Chẳng hạn như lĩnh vực chăm sóc da mặt, sản xuất - kinh doanh trang thiết bị y tế chưa biết thuộc quyền quản lý của ai.
Thực tế ghi nhận cho thấy hiện rất nhiều cơ sở chăm sóc da mọc lên như nấm, hoặc công khai hoặc núp bóng dưới các hình thức mát-xa, y học cổ truyền. Đi kèm với săn sóc da là sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm, sử dụng máy lazer... nhưng lâu nay cơ quan thanh tra y tế chưa hề “đụng tới”, trong khi những lĩnh vực này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.
“Quả là lâu nay đã bỏ ngỏ một số lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà cơ quan quản lý chưa giải quyết được” - BS Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, thừa nhận.
Theo BS Hùng, từ năm 2008 đã xin ý kiến lãnh đạo sở, Bộ Y tế nhưng vẫn chưa có giải pháp kiểm soát được. Còn BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ y tư nhân Sở Y tế TPHCM, cho biết dịch vụ xoa bóp không cho phép chăm sóc da. Trước đây, Sở Y tế đã có ý kiến với Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhưng được trả lời không thuộc quản lý của ngành y tế.
Trong khi đó, hoạt động chăm sóc da dưới các hình thức mát-xa, spa hiện nở rộ ở nhiều địa bàn quận huyện và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nguy hại cho sức khỏe người dân. Cùng với đó là trang thiết bị y tế cũng chưa được kiểm soát. Hiện nhiều trang thiết bị y tế có xuất xứ không rõ ràng, thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh nhập hàng cũ về, làm mới và bán ra thị trường, chưa kể đưa vào đấu thầu ở các bệnh viện.
Trước tình trạng trên, ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho rằng số lượng cơ sở vi phạm nhiều phản ánh việc chấp hành pháp luật, quy định về hành nghề y dược tư nhân còn thấp. Trong khi lực lượng quản lý, thanh tra thiếu và yếu.
Ông Phong đề nghị lĩnh vực nào mà Sở Y tế cấp phép hoạt động hoặc cấp phép hành nghề thì sở phải quản lý. Lĩnh vực nào chưa rõ ràng, sẽ kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ. Sở Y tế TPHCM cần đề xuất quy chế riêng về công tác thanh tra và xử lý hành nghề y dược tư nhân. Trong đó chú trọng tăng mức chế tài lên thay vì áp dụng theo Nghị định 45/NĐ-CP xử phạt hành chính hiện hành với mức phạt tối đa chỉ 15 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, quan điểm chung mà ông Phong khẳng định là kiên quyết xử lý những cơ sở sai phạm, nhất là cơ sở có yếu tố nước ngoài, nếu vi phạm nhiều lần, kể cả rút giấy phép hành nghề.
Theo SGGP
(HBĐT) - Bệnh viện Y học cổ truyền được thành lập ngày 19/5/1999 trên cơ sở nâng cấp, phát triển từ khoa đông y Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trải qua hơn 10 năm phấn đấu, xây dựng, phát triển, hiện nay, cơ sở hạ tầng đã được tỉnh đầu tư, xây dựng mới hai dãy nhà phục vụ khám, điều trị cho người bệnh với quy mô 70 giường bệnh. Bệnh viện đang từng bước hiện đại hoá y học cổ truyền (YHCT) bằng sự kết hợp với y học hiện đại (YHHĐ).
Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc bị stress, mỗi người có một cách đối mặt, giải toả riêng. Bạn thử xem cách nào dưới đây phù hợp với mình nhé!
Đây là kết quả điều tra mới nhất của Chương trình tăng cường thực thi chính sách không khói thuốc tại Việt Nam. Theo đó, số người hút thuốc lá ở nước ta đang có chiều hướng giảm, đặc biệt hút thuốc trong phòng làm việc đã giảm 3 lần. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một trong 4 nước trên thế giới có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất.
Bạn luôn bị ám ảnh bởi ngoại hình dư cân? Tuy nhiên, đừng vội ép cơ thể xuống kg bằng mọi giá vì biết đâu bạn đang tự làm hại mình. Nếu biết cách, bạn có thể vừa ăn ngon mà vẫn giảm cân.
Tổ hợp sản xuất công nghiệp nặng Doosan Vina thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng Doosan Hàn Quốc phối hợp Bệnh viện đại học Chung Ang vừa tài trợ toàn bộ chi phí cho chuyến đi đưa năm em nhỏ Việt Nam bị hở hàm ếch nặng và có hoàn cảnh khó khăn sang phẫu thuật và hoàn chỉnh hàm tại Bệnh viện Chung Ang ở Xơ-un (Hàn Quốc).
(HBĐT)- Hiện nay, trong khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế đối tượng cai nghiện bắt buộc tại trung tâm là 24 tháng nhưng kinh phí ngân sách chỉ cấp hạn mức 12 tháng, 12 tháng còn lại gia đình tự lo. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất đặt ra trong chữa trị, cai nghiện phục hồi bởi không phải gia đình nào cũng đáp ứng được yêu cầu về kinh tế.