Áp-xe não là tình trạng nhiễm khuẩn làm mủ, tạo thành bọc mủ trong hộp sọ ở các vị trí ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não. Bệnh có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não, tỉ lệ tử vong rất cao từ 40 - 85%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 3 nguyên nhân chính gây áp-xe não sau đây: một là, do chấn thương vùng đầu - mặt - cổ; hai là, do nhiễm khuẩn từ cơ quan lân cận như: viêm xương chũm, viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa; ba là, do vi khuẩn đi theo đường máu: gặp trong các bệnh như: áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt.
 
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp áp-xe não không tìm thấy ổ nhiễm khuẩn tiên phát. Đặc điểm áp-xe não theo đường máu là ổ áp-xe thường ở sâu trong tổ chức não, có thể một hoặc nhiều ổ ở các vị trí khác nhau.
 Hình ảnh áp-xe não trên phim chụp Xquang.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Bệnh nhân bị áp-xe não thường có những biểu hiện sau đây: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sốt cao 38 - 400C, mệt mỏi, chán ăn. Hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, nôn và buồn nôn, soi đáy mắt có phù gai thị, phản ứng màng não với các triệu chứng cổ cứng, sợ ánh sáng nên mắt lúc nào cũng nhắm, tư thế nằm nghiêng và co gấp người vào bụng, nếu áp-xe tiểu não thì triệu chứng rầm rộ hơn như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, đi lảo đảo như người say rượu, hai chân dang rộng, sai tầm, quá hướng. Rung giật nhãn cầu. Dấu hiệu thần kinh khu trú: có  thể thấy bại nửa người đối bên. Tổn thương dây thần kinh sọ não như dây VII, VIII, III, II, với biểu hiện: cơn co giật động kinh cục bộ, rối loạn ngôn ngữ như mất lời, hoặc nói khó. Triệu chứng tâm thần: lúc đầu kích thích, vật vã, giãy giụa, kêu la vì đau, sau dần dần tri giác xấu hơn, nằm im, mất định hướng, lú lẫn, bán hôn mê và hôn mê, không điều trị kịp thời sẽ tử vong. Triệu chứng tại ổ áp-xe: với  áp-xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng thì khi ấn hoặc gõ lên vùng xương viêm bệnh nhân rất đau. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não... Nếu áp-xe tiểu não, do hố sọ sau rất chật nên chỉ cần một ổ áp-xe nhỏ đã gây rối loạn hô hấp và tim mạch.

Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, dịch não tủy hơi đục, có thể thấy tế bào mủ. Chụp Xquang thấy hình ảnh giãn đường khớp, mòn mỏm yên. Chụp cắt lớp có thể biết vị trí, kích thước ổ áp-xe.

Vị trí ổ áp-xe thường gặp là: áp-xe trong não là ổ mủ nằm trong tổ chức não, hay gặp do vết thương hoả khí, vi khuẩn lan theo đường máu, đây là loại áp-xe hay gặp nhất; áp-xe ngoài màng cứng là ổ mủ nằm giữa xương sọ và màng não cứng; áp-xe dưới màng cứng là ổ mủ nằm giữa màng não cứng và bề mặt của não được khu trú lại bằng một bao xơ. Căn nguyên của áp-xe ngoài màng cứng và dưới màng cứng thường do viêm xương chũm, viêm tai giữa, do đường máu và trong chấn thương do vỡ nền sọ trước hoặc vỡ nền sọ giữa.

Phân biệt với bệnh gì?

Viêm màng não mủ với biểu hiện: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc rầm rộ, đau đầu, sốt cao mệt mỏi, dịch não tủy đục như nước vo gạo, dấu hiệu thần kinh khu trú không có hoặc không rõ ràng. Viêm tắc tĩnh mạch trong não: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốt rất cao kèm rét run, tĩnh mạch da đầu và tĩnh mạch ở mặt nổi giãn to, phù kết mạc mắt, có thể thấy mắt lồi nhẹ. U não: có biểu hiện hội chứng tăng áp lực nội sọ, hội chứng thần kinh khu trú, sốt nhẹ hay không sốt, xét nghiệm máu bạch cầu không tăng, tốc độ máu lắng không tăng, dịch não tủy trong, chụp cắt lớp thấy khối u.

Làm gì để không mắc bệnh?

Áp-xe não là một bệnh rất nặng, tỉ lệ tử vong còn khá cao. Trong khi đó việc điều trị một trường hợp áp-xe não là rất nan giải. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật với 3 phương pháp là chọc hút, dẫn lưu, lấy toàn bộ bọc áp-xe não. Nếu ổ áp-xe nhỏ và ở sâu, áp-xe não đã vỡ gây viêm màng não mủ lan tràn, hoặc bệnh nhân quá yếu không cho phép phẫu thuật phải dùng kháng sinh mạnh, phổ tác dụng rộng, phối hợp nhiều kháng sinh. Ngoài ra phải chú ý nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân phòng loét và viêm phổi do nằm lâu.

Vì vậy việc phòng tránh áp-xe não trở nên rất quan trọng. Muốn không mắc bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân dẫn đến áp-xe; phòng tránh các trường hợp chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, lao động bằng cách đội mũ bảo hiểm thường xuyên khi tham gia giao thông, sử dụng trang bị bảo hộ lao động trong các ngành nghề dễ gây chấn thương như thợ xây, thợ mộc, vận hành máy móc, tập luyện thể dục, thể thao, quân sự.

 

                                                                       Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục