Mua bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch là một trong những nguyên nhân lây lan cúm A/H5N1. Ảnh: Thanh Tâm
Dù mới qua 2 tháng đầu năm nay nhưng tình hình dịch bệnh tại TPHCM đang diễn biến phức tạp. Với hơn 900 ca mắc tay chân miệng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2011, các bệnh dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm màng não cũng đang tăng dần theo thời tiết nắng nóng. Tại buổi giao ban y tế 24 quận huyện vừa qua, lãnh đạo ngành y tế lo ngại nhiều dịch bệnh đang gia tăng trở lại cùng lúc.
Phức tạp với dịch tay chân miệng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hai tháng đầu năm 2012 TPHCM có 936 ca bệnh tay chân miệng (TCM), tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2011 (302 ca) và có một ca tử vong. Các tháng đầu năm được xem là thời kỳ thấp điểm của dịch bệnh TCM nhưng bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM không khỏi băn khoăn vì số ca mắc cao. Điều này chứng tỏ virus lây lan bệnh dịch vẫn lưu hành rộng rãi.
Theo BS Khanh, hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình 10 - 15 trẻ mắc mới bệnh TCM, chưa kể tại khoa đang điều trị cho từ 50 - 60 trẻ mắc bệnh này. Trong số đó, 10% là số ca nặng độ 2B, độ 3. Một BS điều trị tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cũng cho hay số lượng trẻ mắc bệnh TCM nhập viện điều trị cũng đang tăng lên so với tuần trước.
Tuy nhiên, nhờ người dân có phần nào ý thức chuyển bệnh nhân đến sớm nên được can thiệp kịp thời, hiệu quả. Theo điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM, hiện virus dịch bệnh TCM vẫn tràn lan ở các tỉnh khu vực Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng. Trong đó, đối tượng mắc chính vẫn là trẻ em dưới 5 tuổi.
Hiện vẫn chưa có minh chứng khoa học cho thấy có sự biến chủng độc lực của virus gây bệnh. Nhưng các nhà dịch tễ học cảnh báo cần theo dõi diễn biến lưu hành của virus gây bệnh TCM. Nếu có những tuýp mới thì bệnh sẽ tăng nhanh và nặng hơn, còn nếu tuýp cũ thì khó có khả năng xảy ra dịch lớn mặc dù số ca có thể nhiều. Trong khi đó, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm 2012 đã có hàng ngàn ca mắc TCM tại 60 địa phương, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó hơn 10 trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần vẫn có 900 - 1.000 ca mắc mới. Cục Y tế dự phòng dự báo bệnh TCM vẫn có số mắc cao.
Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dịch TCM vẫn là dịch bệnh nguy hiểm và nguy cơ bùng phát mạnh trong năm 2012. Do đó, công tác phòng ngừa phải luôn đặt lên hàng đầu. BS Nguyễn Đắc Thọ cho rằng, trường học, nhà trẻ mầm non vẫn là những nơi phải ưu tiên khử khuẩn hàng ngày và vệ sinh hàng tuần, nhất là thường xuyên rửa tay sạch cho trẻ. Theo BS Thọ, các quận dẫn đầu về TCM hiện nay là quận 8, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn… Đây là những khu vực dân cư biến động, vùng ven, môi trường, nhà cửa, sinh hoạt chưa tốt… đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Lãnh đạo các Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện cho biết vẫn duy trì công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM thường xuyên. Đồng thời, việc phát Chloramin B miễn phí vẫn được duy trì thực hiện xuống tận trạm y tế phường, xã.
Và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác
Sở Y tế TPHCM vừa cho biết ngoài dịch bệnh TCM, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng có dấu hiệu bùng phát trở lại sau mấy cơn mưa trái mùa. Tuần qua ghi nhận 123 trường hợp mắc bệnh SXH, nâng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên hơn 1.700 ca. Có 25 phường, xã có tỷ lệ mắc bệnh SXH từ 2 ca trở lên, trung bình một tuần toàn TP vẫn còn khoảng 234 ca mắc. “Hiện dịch SXH vẫn đang lưu hành trên diện rộng, để ngăn chặn dịch bùng phát Trung tâm Y tế dự phòng phải triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch, xử lý ổ dịch”, BS Nguyễn Đắc Thọ nhấn mạnh tại buổi giao ban y tế 24 quận huyện.
Trong khi đó, theo các BS, dù dịch SXH chưa đến mức báo động nhưng số ca mắc nặng vẫn nhiều. BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi đồng 1 cho rằng việc không phát hiện sớm, nhập viện muộn là nguyên nhân chính khiến bệnh tình trở nặng. Theo BS Liên, hiện mỗi ngày tại Khoa SXH điều trị 28 trẻ mắc bệnh SXH. Số bệnh nhi mắc SXH mới tiếp nhận mỗi ngày là 9 trường hợp.
Còn BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết kinh nghiệm qua mỗi năm cho thấy bệnh nhân mắc SXH có tỷ lệ nặng càng cao, nhất là các trường hợp trẻ em béo phì, nhập viện muộn hoặc bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Bên cạnh đó, dịch cúm A/H5N1 vẫn là nguy cơ lớn cho TPHCM khi một số địa phương lân cận đã có ca mắc. Ngoài Bình Dương, mới đây BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 từ Đắc Lắc.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV, hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tích cực theo đúng phác đồ điều trị cúm A/H5N1. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, lo ngại dịch cúm A/H5N1 có thể lây lan đến TPHCM nếu tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống không được ngăn chặn triệt để.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong các tháng tới, Sở Y tế TPHCM đã thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch tại các quận - huyện, phường - xã và trường học. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra này còn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế phường xã. Ngoài ra các quận, huyện cũng thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch.
Đại diện Sở Y tế cho rằng, các trường học cũng cần phải báo cáo số phòng học về trung tâm dự phòng để được cấp phát đúng số hóa chất Chloramin B khử khuẩn. Từ tháng 3 đến tháng 5-2012 tiếp cận các nhóm trẻ trường mầm non mỗi tháng một lần để hướng dẫn khử khuẩn và giám sát vệ sinh hàng ngày. Sở Y tế sẽ cung cấp hóa chất Cloramin B cho các trường mầm non để khử khuẩn hàng tuần và xử lý ổ dịch. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền để phụ huynh không đưa trẻ bị bệnh tới trường.
BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định thời tiết thất thường như nắng nóng, mưa trái mùa khiến dịch bệnh diễn biến khó lường. Vì vậy, đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng chống.
Theo SGGP
(HBĐT) - Môi trường chưa xử lý thường xuyên, vấn đề tiêm phòng bệnh chưa được các hộ chăn nuôi thực sự chú trọng… là thực trạng đáng lưu tâm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Đang trong thời điểm nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát, lây lan. Dịch cúm A/H5N1 tuy chưa xâm nhập nhưng một số bệnh dịch như tụ huyết trùng, tả… đã xuất hiện trên địa bàn làm thiệt hại đáng kể.
Ở trẻ em, bệnh lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số những trường hợp bệnh lao mới mắc hàng năm. Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là 4 thể: Lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu; lao cấp tính như lao màng não và lao kê; lao hô hấp sau sơ nhiễm như lao phổi và lao màng phổi; lao ngoài phổi: có nhiều loại như lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng, màng tim, lao niệu - sinh dục, lao ruột...
Việc các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh (KD) thịt bẩn với số lượng lớn đã làm người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Đây là nỗi khiếp sợ cho người tiêu dùng khi biết rằng những miếng thịt bẩn kia sẽ trở nên “tươi ngon” khi chúng được các chủ hàng KD ngâm trong hóa chất độc hại. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã mua được loại hóa chất “thần kỳ” đó và trực tiếp làm thực nghiệm với miếng thịt đã để thối rữa. Kết quả thực sự gây sốc...
Ăn chay giúp thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người ăn chay trường vẫn có thể mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, rối loạn lipid máu...
(HBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc Trạm y tế xã Nuông Dăm (Kim Bôi) đã nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
(HBĐT) - Xã hội hóa y tế với mục đích đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Nhà nước, tập thể, dân lập, tư nhân..., trong đo, ự xác định vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Ngành y tế tỉnh triển khai mục tiêu đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, khuyến khích đưa các dịch vụ y tế có chất lượng đến gần cộng đồng.