Lực lượng thú y huyện Kỳ Sơn kiểm soát chặt tại chốt kiểm dịch xã Hợp Thịnh.
(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Hòa Sơn, Hợp Hòa (Lương Sơn) và xã Trung Minh (TP. Hòa Bình). Khoảng 1.700 con gia cầm chết và mắc bệnh đã bị tiêu hủy.
Kỳ Sơn là huyện nằm giữa 2 địa phương trên (xã Dân Hòa, thị trấn Kỳ Sơn nằm giáp ranh với vùng dịch) và có quốc lộ 6 đi qua địa bàn. Trong khi đó, đàn gia cầm lại chưa được tiêm loại vắc xin phòng bệnh này, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Trạm thú y huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng dịch.
Nơm nớp lo dịch xuất hiện
Huyện Kỳ Sơn hiện có 146.500 con gà; 27.483 con vịt, ngan. Nhân dân chủ yếu nuôi gia cầm tại hộ gia đình. Trạm trưởng Trạm thú y huyện Bùi Văn Xuân cho biết: Cúm A/H5N1 chủng độc lực cao là loại dịch bệnh nguy hiểm có thể làm chết tới 100% số gia cầm mắc bệnh. Khi gia cầm nhiễm cúm, vi rút được nhân lên trong đường hô hấp và tiêu hóa. Sự lây lan của loại dịch bệnh này là không có vùng cấm và nguy cơ cao ở những địa phương giáp ranh vùng dịch. Bởi ngoài lây theo phương thức trực tiếp, bệnh lây gián tiếp qua các hạt khí dung trong không khí với khoảng cách gần hoặc qua thức ăn, nước uống, lồng nhốt, xe vận chuyển, côn trùng, quần áo, giầy dép của người tiếp xúc với gia cầm bệnh. Cách phòng bệnh cúm gia cầm tối ưu nhất là tiêm vòng vắc xin. Tuy nhiên, đàn gia cầm trên địa bàn huyện chỉ được tiêm vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1 từ năm 2008; từ đó đến nay chưa được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, quy trình để gia cầm đạt được miễn dịch, bảo vệ đàn thì ít nhất phải tiêm được 80% tổng đàn trở lên. Nếu chỉ tiêm được 30 – 40% tổng đàn thì vẫn có nguy cơ xảy ra dịch. Mối nguy hiểm nữa là nhận thức và hành vi của người dân về phòng dịch chưa cao, thường khi phát hiện gia cầm chết vẫn thịt ăn hoặc bán chạy, dấu dịch. Hiện, bệnh cúm gia cầm đã bùng phát và đang gây hại không nhỏ tại hai huyện lân cận khiến chúng tôi lo nơm nớp.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vi rút cúm A/H5N1 khó kiểm soát vì nó đang tồn lưu trong môi trường. Nếu chính quyền các xã, thị trấn và người chăn nuôi không quyết liệt triển khai những biện pháp phòng bệnh tích cực thì đàn gia cầm của huyện có nguy cơ cao bị vi rút cúm A/H5N1 tấn công.
Tập trung phòng dịch
Theo Trạm trưởng Trạm thú y huyện Bùi Văn Xuân, trong khi công tác tiêm phòng chưa thực hiện được thì giải pháp phòng dịch cấp thiết lúc này là phải siết chặt khâu kiểm dịch tại những điểm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm. Trạm đã huy động toàn bộ lực lượng tăng cường khâu giám sát, kiểm dịch tại 4 chợ trên địa bàn; cử cán bộ kiểm soát 24/24h tại chốt kiểm dịch xã Hợp Thịnh. Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Kết hợp với các dự án mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng bệnh cho người dân. Huy động 11 thú y viên của các xã, thị trấn cùng tuyên truyền cho nhân dân cách giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, không giấu dịch. Những ngày này, tất cả 6 cán bộ của trạm đều làm việc không nghỉ thứ 7, chủ nhật. Trong tháng 9, Trạm đã kiểm dịch 1.200 con gia cầm, 3.500 quả trứng, 600 con động vật hoang dã; kiểm soát giết mổ 1.750 con gia cầm. Chốt kiểm dịch tại xã Hợp Thịnh đã kiểm tra 12 ô tô, xe máy vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn. Trong tháng 10, Trạm sẽ phun 260 lít thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại tại các hộ nuôi. Đề nghị cấp khoảng 174.00 liều vắc xin cúm A/H5N1 để tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Để phòng dịch hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân trên địa bàn huyện cần nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cụ thể, mỗi hộ chăn nuôi cần thực hiện “5 không”: không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi. Ngoài ra, người dân cũng không nên đến vùng vùng có dịch cúm gia cầm. Nếu bắt buộc phải đến cần rửa sạch tay, chân, giầy dép, tắm xà phòng, thay quần áo trước khi về nhà. Cho gia cầm ăn đầy đủ, nuôi hợp vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa hoặc quá nóng, quá lạnh, quá ẩm. Gia cầm được nuôi nhốt trong gia đình, không thả tự do. Nên tự túc con giống, thức ăn trong từng gia đình, xóm, xã; khi cần mua phải có xác nhận của cơ quan thú y đảm bảo gia cầm xuất phát từ vùng an toàn với dịch cúm. Khi có gia cầm bị bệnh, chết phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Ngày 12/10, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện cấp thẻ BHYT, công tác khám- chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi và phòng - chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tham gia cùng đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Sở LĐ- TB&XH, BHXH tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Trung tâm y tế dự phòng.
(HBĐT) - Dịch tai xanh, dịch LMLM trên đàn gia súc xuất hiện trong vài tháng gần đây tại địa bàn thành phố Hòa Bình và huyện lân cận gây bất lợi cho ngành chăn nuôi. Trong thời điểm nhất định (trước, trong và sau khi bùng phát ổ dịch), người dân khó tránh khỏi tâm lý lo lắng, băn khoăn khi sử dụng thực phẩm. Vấn đề kiểm soát giết mổ gia súc để tăng cường kiểm soát dịch bệnh càng đặt ra như một đòi hỏi bức thiết của dư luận.
Khi bị bệnh về đường hô hấp có thể người bệnh sẽ phải dùng tới nhiều thuốc. Nếu không biết cách dùng, bạn có thể làm cho các thuốc đối kháng nhau về tác dụng hoặc làm cho bệnh nặng hơn...
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già (viết tắt từ tiếng Anh - AMD) là nguyên nhân gây mù hàng đầu đối với người trên 50 tuổi ở các nước phát triển và là nguyên nhân gây mù quan trọng ở các nước đang phát triển. Tại Mỹ ước tính có khoảng 1,6 triệu người bị mắc AMD nặng ở một hay hai mắt và có khoảng 7 triệu người khác có nguy cơ bị đe dọa. Một khi đã bị mắc AMD nặng ở một mắt thì nguy cơ mắc AMD nặng ở mắt thứ hai trong vòng 5 năm là 43%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo toàn cầu sau khi phát hiện một loại virut Corona chủng mới gây bệnh tương tự như bệnh SARS có nguồn gốc từ Trung Đông. Bệnh nhân nam, 49 tuổi gốc Qatar đã nhập viện tại Anh trong tình trạng nguy kịch. Người này trước đó đã đến Saudi Arabia và được điều trị tại Qatar, với các triệu chứng cấp tính về hệ hô hấp, suy thận.
(HBĐT) - Đến thời điểm này, tỉnh ta đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm A/H5N1 tại huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Tỉnh ta là một trong 6 địa phương trong cả nước có dịch chưa qua 21 ngày. Trước diễn biến “nóng bỏng” của dịch hiện nay, Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh.