Đài tưởng niệm những chiến sỹ cộng sản đã ngã xuống trong nhà tù Phú Quốc. Ảnh: T.L

Đài tưởng niệm những chiến sỹ cộng sản đã ngã xuống trong nhà tù Phú Quốc. Ảnh: T.L

(HBĐT) - Sau gần 2 giờ bay từ Hà Nội, chúng tôi đã đặt chân xuống Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp nằm gần cực Nam của Tổ quốc. Với diện tích trên 593 km2 nằm ở phía tây nam Việt Nam, trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của nước ta. Đảo Phú Quốc cùng một số đảo khác hợp thành quần đảo Phú Quốc gồm 99 hòn đảo lớn, nhỏ. Trên đó có đủ núi rừng, sông, suối và đồng bằng.

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta in đậm cái tên Phú Quốc như một trang oanh liệt trong cuộc kháng chiến ái quốc chống ngoại xâm. Các thế hệ người Việt Nam không bao giờ có thể quên được một nhà tù lớn nhất miền Nam, một địa ngục trần gian từng giam cầm, tra tấn, hành hạ trên 30.000 chiến sỹ cách mạng, bộ đội và những người yêu nước bị địch bắt gọi chung là tù binh cộng sản. Những kiểu tra tấn man rợ có khi còn hơn thời trung cổ như: bẻ từng chiếc răng, đóng hàng chục chiếc đinh vào người, đốt bộ hạ, khoét mắt, luộc người trong nước sôi... được nghĩ ra và thực hiện tại đây như một vết nhơ trong lịch sử loài người.

 

Ngay khi đặt chân lên Phú Quốc, điểm đầu tiên tôi tìm đến là khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc. Điều làm tôi giật mình ngoài sức tưởng tượng đó là, ngay gian đầu tiên, hàng đầu tiên của pa nô ảnh các liệt sỹ hy sinh tại nhà tù Phú Quốc lại là một người Hòa Bình. Tấm ảnh đen trắng mờ nhòa ghi tên liệt sỹ Bùi Văn Cam (hoặc Cắm, Cấm, Cẩm), số tù 9432. Nhưng liệt sỹ là người xã nào, huyện nào của tỉnh thì tuyệt nhiên không thấy ghi. Đi tiếp vào trong, tại bảng ghi danh liệt sỹ theo hàng tỉnh còn có 2 người Hòa Bình nữa là Lê Văn Việt, số tù 480 và Phan Hữu Trang số tù 791. Cũng giống như liệt sỹ Bùi Văn Cam, 2 liệt sỹ tiếp theo cũng chỉ ghi quê quán Hòa Bình. Sau hàng giờ bâng khuâng nơi di tích, tôi không hết băn khoăn, 3 liệt sỹ người Hòa Bình phần mộ ở đâu, người thân của các anh là ai và có được thông tin gì về phần mộ các anh không?

 

              

                                   Liệt sỹ Bùi Văn Cam.

 

Hy vọng con đường có thể giải đáp băn khoăn trên, tôi nghĩ bằng mọi giá phải gặp bằng được một đao phủ khét tiếng còn sống, đó là cai ngục Trần Văn Nhu hay thường gọi thượng sỹ nhất Bảy Nhu. Khi đang làm cai ngục, một trong sở trường tra tấn người tù của Bảy Nhu là đục lấy răng người tù sâu thành chuỗi đeo trên cổ làm tràng hạt quái dị cho riêng mình. Quay ra bộ phận trực khu di tích, tôi mua cuốn Trại giam tù binh Phú Quốc - những trang sử đẫm máu 1967 - 1973 do Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành để về tìm hiểu kỹ hơn những trang sử đẫm máu này. Vừa mua sách, tôi vừa tranh thủ hỏi người nữ nhân viên trẻ về cai ngục Bảy Nhu. Thấy tôi hỏi ông Nhu, người này trả lời ngay: ông ta không gặp người lạ đâu, chú đừng tìm mà mất công. Vượt hàng ngàn cây để được đặt chân lên hòn đảo này mà không nhìn tận mắt nhân chứng sống của tội ác và tìm hiểu các liệt sỹ là người Hòa Bình thì thật uổng. Không những thế đối với tôi là chưa hoàn thành nhiệm vụ của chuyến đi. Tôi quyết tâm tìm gặp bằng được Trần Văn Nhu.

 

Mặc trời muộn. Ra quốc lộ 46, tôi tìm người lớn tuổi để hỏi thăm nhà Bảy Nhu. Lần theo con đường nhỏ lở lói sau mưa, tôi đi sâu vào một cánh rừng âm u. Thấy cổng sắt nhỏ đang mở, tôi tìm vào hỏi thăm và mừng thầm khi người phụ nữ cất giọng miền Bắc. Chị là người Hải Phòng định cư trong này đã hơn 20 năm. Theo tay chị, nhà Trần Văn Nhu ở bên trong.

 

Thấy người lạ, một đàn chó gần chục con xông ra sủa inh ỏi. Lát sau, một cháu gái chừng 9 tuổi từ vườn sau đi ra. Không đợi cháu hỏi lý do, tôi ập vào sân và lập tức bước ngay vào nhà. Căn nhà xây nhỏ gọn nằm giữa khu vườn xanh ngắt, cây cối đa tầng, đa loại nhưng rõ ràng thiếu sự chăm sóc. Từ gian trong, một ông già chậm chạp bước ra. Tôi nhận ra ngay ông ta chính là Trần Văn Nhu - “Viên cai ngục tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam mà tôi đã nhìn thấy ảnh trên một số báo. Chỉ có điều, nhìn tận mắt thì ông ta là người to, cao. Tuy dáng đi có chậm chạp bởi cái tuổi 87 nhưng mắt ông ta còn tinh, đọc chữ không phải đeo kính và tai thì rất thính.

 

Sau khi nghe lời giới thiệu của tôi là người từ Hòa Bình vào và muốn hỏi về 3 liệt sỹ người Hòa Bình, ông Nhu đưa ra một cuốn sổ nhỏ bảo tôi ghi tên, địa chỉ 3 người cần tìm. Nói chuyện với tôi, ông Nhu phân bua: Một thời tôi làm con chó săn cho người ta. Tôi làm nhiều điều ác. Không hiểu sao tôi sống được đến tuổi này mà có khi là tôi phải sống đến nay để trả nợ đời, để làm nhân chứng sống. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là góp sức tìm hài cốt những người đã chết. Cả 12 khu tôi đi hết. Nhiều người từ Nam chí Bắc vào là tôi đưa đi tìm. Kiểm chứng lời ông ta nói, tôi mở xem cuốn sổ nhỏ, đúng là có nhiều tên người, địa chỉ, số điện thoại khắp nơi được ghi. Trước khi tôi ra về, ông Nhu đề nghị đưa cho ông ta 50.000 đồng để ông ta mua cái thẻ cào liên hệ điện thoại tìm kiếm thông tin và hẹn sáng mai tôi quay lại.

 

Hôm sau tôi đến, ông Nhu chủ động hỏi: 3 người ghi tên hôm qua quan hệ thế nào với anh?. Tôi nói: tôi không có quan hệ gia đình gì cả. Khi còn ở Bắc, tôi không biết các anh ấy. Vào công tác trong này, đến thăm khu di tích nhà tù Phú Quốc thấy tên các anh thì tìm hiểu rồi về Hòa Bình thông tin xem gia đình các anh là ai? ông Nhu chậm rãi: Thực ra thì rất khó. Các anh ấy bị bắt đưa vào tù thì hầu như tất cả không khai thật tên, quê quán của mình. Lý do vì các anh ấy tránh sự phức tạp. Dụ dỗ không được, tra tấn không xong, chúng tôi tìm cách tung hỏa mù là các anh ấy chiêu hồi. Tin này được tung ra, nếu đúng tên thật, quê quán thật, các anh ấy còn sợ hơn bị đánh đập, cùm khóa hay bắt nhịn. Vì thế nên xác định được tên, tuổi thật khó lắm!

 

Sau khi bấm điện thoại của mình nói với người nào đó rồi đưa máy cho tôi. Đầu bên kia là ông Nguyễn Dương Kế, cựu tù binh tại nhà tù Phú Quốc hiện đang ở quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Dương Kế là một trong 3 người tù bị tòa án binh Việt Nam cộng hòa xử tử hình sau đó vượt ngục thành công. Khi nghe trình bày, ông Kế chia sẻ khó khăn về mục đích tìm hiểu của tôi. Trong những khó khăn ấy có lý do như Trần Văn Nhu giải thích. Tuy thế, ông Nguyễn Dương Kế cho tôi tên và số điện thoại của ông Trần Quốc Thắng cũng là cựu tù binh nhà tù Phú Quốc hiện đang sống tại Hòa Bình để tôi tìm hiểu thêm.

 

Về đến Hòa Bình, tôi điện gặp ngay ông Trần Quốc Thắng. Chúng tôi trao đổi với nhau về số bộ đội bị địch bắt đưa ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc là người Hòa Bình. Trong 3 liệt sỹ có tên tại khu di tích, nhất là ảnh liệt sỹ Bùi Văn Cam, song ông Thắng không nhận ra ai. Ngay sau đó, tôi tìm kiếm tại Phòng Người có công của Sở LĐ-TB&XH cũng không thấy ai trong số tên cần tìm. Có lẽ một trong những lý do quan trọng làm nên khó khăn này như Bảy Nhu nói là chính xác. Tên liệt sỹ có thể không phải là tên thật. Ngay ông Trần Quốc Thắng cũng cho biết, trong tù ai cũng có 2 tên. Thường kẻ địch chỉ biết tên thứ hai của người tù mà thôi.

 

Khó khăn đến bao nhiêu thì vẫn còn hy vọng. Liệt sỹ Bùi Văn Cam còn ảnh tuy có hơi mờ. Mong sao qua bài báo này, chúng ta được biết về các liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ. Giản dị vậy nhưng thiết nghĩ, đó chính là sự trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ sau đối với những người con ưu tú đã hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

 

 

                                                                    Va (CTV)

 

 

 

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục