Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.




Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC (Tân Lạc) là một trong những hợp tác xã đi đầu trong 
ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

"Gieo" công nghệ, đất quê trổ mùa vàng

Từ một nhóm sản xuất với vỏn vẹn 7 thành viên, Hợp tác xã (HTX) 3T Nông sản Cao Phong (3T Farm) đã từng bước vươn mình, biến những vườn cam bình dị thành những cánh đồng "vàng” trĩu quả, chuẩn hóa theo quy trình VietGAP. Chỉ sau vài năm, số thành viên HTX đã tăng lên, diện tích trồng cam mở rộng, kéo theo cả những đổi thay rõ rệt trong tư duy sản xuất của người nông dân.
 
Không còn cảnh trồng trọt theo lối mòn cũ kỹ, thành viên HTX 3T Farm học cách "nuôi" đất bằng phân hữu cơ, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, nói không với thuốc diệt cỏ. Nhưng có lẽ, bước ngoặt lớn nhất chính là khi HTX quyết định không dừng lại ở việc trồng cam mà mạnh dạn bước vào lĩnh vực chế biến sâu. Trà detox cam, bột cam nguyên chất, mứt cam… lần lượt ra đời, giúp trái cam quê hương không chỉ dừng lại trên quầy sạp.  

Chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX cũng là người tiên phong trong hành trình nâng tầm trái cam Cao Phong chia sẻ: "Muốn đi xa, không thể đi một mình”. 3T Farm may mắn khi giai đoạn khó khăn nhất lại "gặp” được Nghị quyết về cơ cấu lại kinh tế. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để 3T được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ… Từ đó, không chỉ kết nối với các hộ nông dân, 3T Farm còn bắt tay với các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Giờ đây, cam Cao Phong đã và đang đường hoàng bước vào hệ thống thực phẩm sạch tại Hà Nội, Thanh Hóa cùng nhiều tỉnh, thành phố khác.  

Thế nhưng, con đường vươn ra biển lớn không trải hoa hồng. Người nông dân nơi đây từng đối mặt với muôn vàn khó khăn: từ việc thay đổi thói quen canh tác, đến chuyện tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đã có lúc, họ loay hoay giữa bài toán giá thành và chất lượng, giữa nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất. Nhưng rồi, với sự đồng hành của các cấp uỷ, chính quyền, niềm tin mãnh liệt vào một nền nông nghiệp xanh, với những trái cam sạch không chỉ để ăn mà còn để sống, 3T Farm đã từng bước chinh phục khách hàng, góp phần đưa thương hiệu cam Cao Phong vươn xa. Giờ đây, giữa những vườn cam ngút ngàn, người ta không chỉ thấy sắc vàng rực rỡ của trái ngọt, mà còn thấy cả ánh mắt lấp lánh hy vọng của những người nông dân đang viết tiếp câu chuyện mới cho vùng đất này.

Không quá khi nói, Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như một cơn mưa rào tưới mát cánh đồng khát khao đổi thay, mang đến không chỉ những mùa vụ bội thu mà cả những cơ hội làm giàu bền vững cho người nông dân.

Đi giữa xã Quyết Chiến (Tân Lạc) không khó để bắt gặp những luống rau xanh mướt trải dài trong hệ thống nhà màng của HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC. Trên diện tích 8ha, toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt. Những giọt nước phun mưa tí tách từ hệ thống tưới tự động không chỉ giúp cây trồng phát triển tốt mà còn giảm thiểu nhân công, hạn chế tối đa sâu bệnh mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Người nông dân ở đây không còn chỉ trông chờ vào kinh nghiệm truyền đời, mà bắt đầu tiếp cận với bảng thông số dinh dưỡng, độ ẩm đất, hệ thống điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh.  

Còn ở huyện Lương Sơn, nơi được xem là điểm sáng trong nông nghiệp công nghệ cao của Hòa Bình, Công ty TNHH SkyFarm đã đầu tư hệ thống nhà màng kiên cố để trồng cà chua theo quy trình khép kín. Cây cà chua ở đây được "nuôi dưỡng" bằng công nghệ tưới tự động, từng giọt nước, từng dưỡng chất đều được đo lường chuẩn xác. Nhờ cách làm này, doanh thu từ cà chua của doanh nghiệp đạt trên 500 triệu đồng/ha/vụ - con số mà trước đây, ngay cả những người nông dân lâu năm cũng khó tưởng tượng nổi.  

Không chỉ dừng lại ở những vùng thuận lợi, tại Lạc Sơn, nơi đất đai cằn cỗi và điều kiện canh tác còn nhiều hạn chế, HTX dịch vụ nông nghiệp Xanh Hiếu Thịnh đã chứng minh rằng, chỉ cần thay đổi tư duy, đất nào cũng có thể trổ hoa. HTX đã mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Không chỉ vậy, các chế phẩm vi sinh cũng được đưa vào sử dụng, thay thế hoàn toàn phân bón hóa học, tạo ra những sản phẩm rau an toàn mà người nội trợ hoàn toàn có thể tin tưởng. Không phụ công người trồng, mỗi hecta rau sạch tại đây mang về hơn 200 triệu đồng/vụ, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu…

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, một thế hệ nông dân mới đang dần thành hình - nông dân 4.0. Họ không chỉ ra đồng mà còn điều khiển hệ thống tưới tiêu từ xa, không chỉ bán hàng tại chợ mà còn kết nối với khách hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử... Họ là những "kỹ sư" trên đồng ruộng, là thế hệ nông dân biết tận dụng công nghệ để làm chủ đất đai, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.  Và câu chuyện chuyển mình ấy vẫn đang tiếp tục…

Từ lấm lem ruộng cũ đến mở rộng xuất khẩu 

Tái cơ cấu nền kinh tế đã thay đổi cả diện mạo lẫn tư duy làm nông, đưa nông nghiệp Hòa Bình từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh sang nền nông nghiệp liên kết, quy mô và hiệu quả cao.  

Dù tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm còn khoảng 20%, nhưng giá trị mà ngành này tạo ra lại không hề suy giảm. Những con số biết nói mà đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoà Bình cung cấp đã chứng minh điều đó: Giai đoạn 2022 - 2024, tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm, thuỷ sản bình quân hằng năm đạt 4,43%. Hiện nay, Hoà Bình có gần 600 HTX nông nghiệp kiểu mới, thu hút hơn 16.300 hộ dân tham gia, tạo việc làm ổn định cho 28.000 lao động nông thôn. Hệ thống canh tác lạc hậu đang dần được thay thế bằng tưới nhỏ giọt Israel, nhà màng, nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều hộ nông dân không còn trồng cây theo kinh nghiệm mà theo biểu đồ dinh dưỡng, không còn phó mặc giá cả cho thị trường mà đã có hợp đồng bao tiêu… 

Chị Đinh Thị Hoa ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc) từng lận đận với ruộng ngô, mùa được mùa mất, giá cả phập phồng. Từ ngày tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn, với các loại chủ lực như: su su, củ cải, bí xanh, bí đỏ…, ký hợp đồng với HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến, cuộc sống gia đình chị khác hẳn, thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Câu chuyện nhỏ của chị Hoa, nhưng là lát cắt của một bức tranh lớn: Hòa Bình đang chuyển mình. Từ sản xuất manh mún sang nền nông nghiệp liên kết, bài bản. Từ người nông dân đơn độc sang chuỗi giá trị bền vững. Và từ những mảnh vườn chật vật sinh kế thành những vùng chuyên canh thu nhập cao. 

Đến mỗi vùng đất của Hoà Bình hôm nay dễ dàng bắt gặp hình ảnh con đường bê tông len lỏi qua từng xóm nhỏ, nối dài đến tận vườn cây trĩu quả. Những mái nhà kiên cố vươn lên, thấp thoáng giữa cánh đồng xanh mướt. Trẻ em đến trường trên những tuyến đường sạch đẹp, còn người già thong thả bên hiên nhà, chẳng nhiều những lo toan cơm áo đè nặng như thuở trước. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm 2,86% (giai đoạn 2022 - 2024), một con số phản ánh rõ nét sự chuyển mình của vùng đất này.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến năm 2024, Hoà Bình có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông, lâm sản được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… tổng sản lượng xuất khẩu đạt 4,152 nghìn tấn với tổng giá trị đạt khoảng 1,89 nghìn tỷ đồng. 

Giữa những thay đổi ấy, nông dân Hòa Bình cũng đã bước vào kỷ nguyên 4.0. Họ không còn chỉ bám đất, bám làng mà đã chủ động mở rộng thị trường, tiếp cận thương mại điện tử, kết nối chuỗi giá trị. Trên những cánh đồng, không chỉ có mồ hôi mà còn có công nghệ. Và trên từng khuôn mặt người nông dân, không chỉ có nếp nhăn của tháng năm vất vả, mà còn có ánh mắt tự tin của những người làm chủ cuộc chơi.

(Còn nữa)

Hải Yến


Các tin khác


Hé lộ bí ẩn bên trong “ngôi nhà” hơn 2 vạn năm tuổi ở huyện Mai Châu

Từng là nơi người dân cột trâu sau một ngày dài chăn thả, kéo cày giúp làm ra hạt lúa, củ khoai... Không ai ngờ, nơi mái đá có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu đến, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn phía trong từng là nơi tổ tiên người Việt cổ đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn, hái lượm để sống. Những bí ẩn nơi mái đá được chôn giấu cả vạn năm chỉ mới được hé lộ cách đây chưa lâu bởi các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước...

Sức trẻ tháng Ba

Cứ dịp tháng Ba đến là khí thế thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tinh thần tuổi trẻ lại tăng lên gấp bội. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình sẵn sàng đảm nhận các việc khó, việc mới, chung sức xây dựng nhiều công trình, phần việc cụ thể, quyết tâm cao thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 4 - Còn ngân vang mãi trống đồng Hòa Bình

Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 3 - Tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình

Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc: VHHB. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp M.Colani đã cho chúng ta biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ”. Đến ngày 30/1/1932, nền "VHHB” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 2 - Đa dạng, bản sắc, nét riêng của các dân tộc ở Hòa Bình

Hòa Bình tạo dấu ấn đối với du khách gần xa cũng bởi sự đa dạng trong lối sống, sinh hoạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời (tổng số gần 90 vạn dân), đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3% dân số; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc thể hiện được bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn trên đất Hòa Bình…


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục