Những con đường mới rộng thênh thang; khu công nghiệp rộn ràng nhịp máy; cánh đồng rau hữu cơ trải dài xanh mướt; khu du lịch thơ mộng mà giàu bản sắc… tất cả vẽ nên bức tranh đầy sức sống của tỉnh Hòa Bình hôm nay. Sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp uỷ, chính quyền đến người dân đã tạo nên những đổi thay từ hành trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (ĐMMHTT).




Thực hiện cơ cấu lại kinh tế, tỉnh Hoà Bình quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp. Ảnh chụp tại Cụm công nghiệp Tiên Tiến, xã Quang Tiến, thành phố Hoà Bình.

Năm 2016, Hoà Bình đưa ra bài toán cơ cấu lại kinh tế, ĐMMHTT. Sau 4 năm, bức tranh kinh tế của tỉnh hiện lên những gam màu tươi sáng. Quy mô kinh tế được mở rộng 41%, đạt xấp xỉ 52 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. GRDP bình quân đầu người chạm mốc 60,3 triệu đồng. Nhưng, dù con số này đáng khích lệ, Hoà Bình vẫn cần bước nhảy dài hơn để theo kịp mặt bằng chung của cả nước. 

Xác định rõ cơ cấu lại kinh tế gắn với ĐMMHTT là chìa khóa giúp địa phương vươn lên hòa nhập với mức phát triển chung của đất nước, Hoà Bình quyết tâm tổ chức thực hiện bài bản, toàn diện với mục tiêu đề ra cụ thể, mang tính bứt phá.

Nghị quyết số 09-NQ/TU - đổi dòng chảy kinh tế 

Cơ cấu lại kinh tế không phải là một cuộc đại tu diễn ra trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi một lộ trình, một chiến lược với những bước đi cụ thể. Ngày 31/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại kinh tế gắn với ĐMMHTT, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế Hoà Bình đạt mức trung bình của cả nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết - PV). Nghị quyết đã đưa ra những hướng đi rõ ràng. Trong đó định hướng cơ cấu lại gắn với tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng; cơ cấu đầu tư công; thu hút đầu tư và phát triển của doanh nghiệp. 

Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp căn cơ nhằm hiện thực hoá mục tiêu cao nhất: phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hoà Bình đạt mức trung bình của cả nước. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm (2021 - 2025) tăng từ 9% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 8%/năm; đến năm 2025 đạt 140 triệu đồng/lao động; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 giảm 2,5 - 3%/năm.



Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng (bằng khoảng 32% GRDP). Phấn đấu trong 5 năm thu hút được 280 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 triệu USD. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP… 

Quyết tâm lớn, đồng thuận cao

"Cần có một bước đi mới, hướng đi rõ ràng và nhất quán”- đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hoà Bình đã xác định nội dung "cơ cấu lại kinh tế gắn với ĐMMHTT" là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Do vậy, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, những đề án, kế hoạch quy mô đã nhanh chóng được triển khai, nổi bật là Đề án về cơ cấu lại kinh tế gắn với ĐMMHTT được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-UBND, ngày 14/2/2022. Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.

Song song đó, tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, huy động nguồn lực được ban hành. Chính quyền tỉnh chủ động phối hợp với các tổ chức như Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh… để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở cơ sở. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… được lồng ghép với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tạo sức mạnh tổng hợp. 

Đặc biệt, xác định công tác quy hoạch là nền tảng cho ĐMMHTT, tỉnh đã lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Quy hoạch này định hướng phát triển bao trùm, hài hòa, phát huy lợi thế liền kề Thủ đô Hà Nội, với bốn trụ cột phát triển: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, hữu cơ; du lịch; phát triển đô thị vệ tinh gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Đây là kim chỉ nam quan trọng để tỉnh tái cơ cấu các ngành kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.

Thấy rõ đây là cơ hội lớn để địa phương bứt phá, tuy nhiên, đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cũng thẳng thắn chia sẻ: Thời điểm đó, lãnh đạo huyện cũng có những băn khoăn, như: Người dân quen với sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng với mô hình nông nghiệp công nghệ cao; hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ… Ngoài ra chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện cũng là những bài toán cần tìm lời giải… 

Nhận thức rõ khó khăn cần đối mặt, song song với quán triệt, tuyên truyền về Nghị quyết, huyện Lương Sơn cũng như các địa phương trong tỉnh dồn sức rà soát, xác định ngành mũi nhọn để tập trung phát triển. Đồng thời huy động nguồn lực cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính mạnh mẽ…

Cũng vào thời điểm ấy, lớp đào tạo nghề miễn phí ở các huyện luôn đông người. Những dãy bàn chật kín, những ánh mắt háo hức chờ đợi cơ hội mới. Có những phụ nữ đã ở tuổi ngoài 40, thậm chí 50 vẫn mạnh dạn ghi danh. 

Bà Nguyễn Thị Liên - một phụ nữ chân chất ở xã vùng cao của huyện Tân Lạc chỉ cầm kim chỉ những lúc khâu vá quần áo cho chồng con cũng có mặt trong lớp học nghề. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm công nhân may. Nhưng nghe bác bí thư, bác trưởng xóm nói nhiều về việc chuyển đổi cách canh tác, chuyển đổi ngành nghề để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập… tôi cũng muốn thử sức. Hơn nữa, các công ty quanh đây tuyển nhiều, lương cũng khá. Tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định tìm cho mình một cơ hội, mong có nguồn thu nhập ổn định,” bà Liên chia sẻ.  

Một sự chuyển mình lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, khi những người từng quen với nương rẫy, bếp núc, nay xếp lại lo toan cũ để học hỏi, để đổi thay. Cả vùng quê dường như thức dậy sau những năm tháng chỉ biết bám vào ruộng vườn, nay nhìn về tương lai với niềm hy vọng mới. Thế nhưng, ngay cả khi quyết tâm cao và đồng thuận mạnh mẽ, hành trình tái cơ cấu kinh tế của Hòa Bình cũng không tránh khỏi trở lực lớn, nhỏ. Những vướng mắc ấy là gì và làm thế nào để vượt qua?

(Còn nữa)

Hải Yến



Các tin khác


Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 3 - Tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình

Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc: VHHB. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp M.Colani đã cho chúng ta biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ”. Đến ngày 30/1/1932, nền "VHHB” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 2 - Đa dạng, bản sắc, nét riêng của các dân tộc ở Hòa Bình

Hòa Bình tạo dấu ấn đối với du khách gần xa cũng bởi sự đa dạng trong lối sống, sinh hoạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời (tổng số gần 90 vạn dân), đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3% dân số; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc thể hiện được bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn trên đất Hòa Bình…


Thông điệp hòa bình trong những huy hiệu phản chiến

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 1,5 km. Nơi đây được thành lập ngày 4/9/1975, tức sau vài tháng so với mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc: Ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày đầu năm 2025, trong không khí cả nước tự hào hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề "Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến”. Đến đây mới thấy thông điệp vì hòa bình in đậm trong từng chiếc huy hiệu, thấm đẫm trong từng câu chuyện lịch sử và làm sống lại nhiều ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa Hòa Bình: Bài 5 - Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - “mục tiêu kép”

Những năm qua, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình chú trọng việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) truyền thống các dân tộc, nhất là các di tích thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình" gắn với phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.

Ngày 15/3/1975: Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận lệnh rút ngắn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên

Ngày 15/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch rút ngắn thời gian giành thắng lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục