Bài 2 - Xuân rộn ràng, Tết đong đầy yêu thương nơi đảo xa
(HBĐT) - Cùng với những món quà được gửi tặng từ mọi miền đất nước, Tết này, quân dân trên quần đảo Trường Sa cùng quây quần bên nồi bánh chưng đón Tết Canh Tý ấm áp tình yêu thương. Tết ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc vẫn là những hương vị Việt rất đỗi thân thuộc, nhưng cũng có những nét độc đáo riêng…



Giây phút thư giãn của lính đảo trong những ngày vui xuân, đón Tết.

Quà Tết từ mọi miền đất nước đến với quân dân Trường Sa

Sau 2 ngày xuất phát từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), con tàu kiểm ngư hiện đại KN - 491 "cưỡi” trên những cơn sóng bạc đầu đưa chúng tôi lần lượt đến thăm 7 đảo, với 13 điểm đóng quân thuộc tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa. Đến đảo nào, chúng tôi cũng cảm nhận được sắc xuân ngập tràn nơi trùng khơi đầy nắng gió. Tại "thủ đô” của quần đảo Trường Sa - thị trấn Trường Sa (hay còn gọi là đảo Trường Sa Lớn), những chùm nho biển đã căng tròn, hoa bàng vuông cũng bắt đầu khoe sắc thắm. Trẻ em ở Trường Sa tung tăng nô đùa trong những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân quần đảo Trường Sa đã sẵn sàng đón Tết Canh Tý ấm áp, vui tươi và đủ đầy. Năm nay, cùng với hàng chục tấn hàng, quà Tết của Bộ Quốc phòng thông qua chương trình "Xuân biên cương - Tết hải đảo” do Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phát động, nhân dân từ mọi miền của Tổ quốc đã gửi hàng nghìn suất quà, gồm những cây quất, cành mai, cành đào, lá dong và nhiều món quà mang đậm hương vị Tết Việt đến với quân, dân Trường Sa.

Nhận quà Tết từ đất liền, cán bộ, chiến sỹ và các hộ dân sinh sống nơi trùng khơi tràn đầy niềm vui và xúc động. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, hộ dân ở thị trấn Trường Sa chia sẻ: Sinh sống ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc với khí hậu khắc nghiệt, nắng gió quanh năm, nên cuộc sống cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, cũng như bà con từ mọi miền đất nước. Giáo dục, y tế đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Với chúng tôi, được sinh sống ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tối rất vui khi nhận được những món quà Tết ý nghĩa. Tết ở Trường Sa năm nào cũng vậy, vui tươi, đủ đầy và ngập tràn tình yêu thương từ đất liền.

Ngoài những món quà mang đầy đủ hương vị Tết Việt, dịp này, hàng nghìn lá thư viết tay đong đầy yêu thương cũng theo tàu ra khơi, gửi đến cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.

Tết ấm áp, độc đáo ở đảo tiền tiêu

Đã có dịp được ăn Tết ở miền xuôi, miền ngược, vùng sâu, xa nhưng ở nơi đảo xa, giữa trùng khơi mênh mông thì đây là đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm. Tết ở Trường Sa vẫn mang những hương vị truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo cũng mổ lợn, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, cũng đi lễ chùa đầu năm và tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết như ở đất liền. Thế nhưng, trên mâm ngũ quả lại có thêm những sản vật mà chỉ Trường Sa mới có. Đó là những chùm nho biển căng tròn. Nho biển là cái tên mỹ miều mà cán bộ, chiến sỹ đặt cho cây tra. Đây là loại cây phổ biến ở đảo Trường Sa Lớn, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, cây nào cây nấy lại lúc lỉu những chùm quả sai trĩu hệt như những chùm nho ở đất liền.

Ngoài nho biển, ở đảo Trường Sa Lớn còn có những cây bàng vuông, cây phong ba và rau muống biển. Trong đó, những lá bàng vuông bánh tẻ xanh mướt được lính đảo dùng để gói bánh chưng. Tận mắt chứng kiến mới thấy lính đảo thật đa tài, gói bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt không kém chị em. Trung tá Nguyễn Văn Hà, Phó Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: "Ở ngoài đảo, mỗi dịp Tết đến chúng tôi được bà con ở đất liền gửi lá dong ra. Bánh chưng chủ yếu vẫn gói bằng lá dong nhưng cán bộ, chiến sỹ gói thêm bằng lá bàng vuông để tăng thêm hương sắc, vì Trường Sa là thủ phủ của cây bàng vuông mà. Ở đảo, chúng tôi là một gia đình, quây quần bên nhau trông nồi bánh chưng ngày Tết”.

Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Vào tối giao thừa, đảo tổ chức hái hoa dân chủ, nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chức mừng năm mới. Buổi sáng mồng 1 Tết, sau khi chào cờ đầu năm, cán bộ, chiến sỹ thắp hương ở các khu tâm linh, đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân và các đơn vị trên đảo. Trong ngày mồng 1 và mồng 2 Tết diễn ra các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao. "Mặc dù vui Tết nhưng bà con đất liền hãy yên tâm vì chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, không để đất nước bị bất ngờ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - thiếu tá Huân nhấn mạnh.

Chia tay Trường Sa trong ánh bình minh lấp lánh xiên qua những chùm nho biển, hoa bàng vuông tươi tắn, chúng tôi về đất liền sau hành trình dài 20 ngày "chở Tết" đến với quân dân Trường Sa thân yêu. Quà về đất liền là những lời chúc mừng năm mới đến đồng bào ở đất liền, là những cái bắt tay, cái ôm bịn rịn với những người lính đảo kiên trung. Tết của biển, mùa xuân của biển mặn mòi sẽ theo con tàu trở về đất liền trong yêu thương đong đầy.


Viết Đào


Các tin khác


Điều tra theo thông tin qua đường dây nóng: Vì sao xã Chí Thiện không đồng tình với dự án chăn nuôi bò kết hợp trồng cây ăn quả?

(HBĐT) - Vừa qua, đại diện UBND xã Chí Thiện (Lạc Sơn) đã có kiến nghị đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền bày tỏ sự không đồng tình với dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả” do Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện triển khai thực hiện. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Báo Hòa Bình đã cử phóng viên tìm hiểu vấn đề này.

Món quà ân tình gửi nơi đầu sóng

Chung một tình yêu với biển đảo quê hương, cô sinh viên Đoàn Thị Ngọc và cô giáo Phùng Thị Thu Phượng đã tự tay làm hơn 400kg mứt dừa gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đảo Trường Sa. Món quà thơm ngọt này không chỉ đem đến hương vị truyền thống ngày Tết mà còn là ân tình của hậu phương đất liền gửi tới các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bám biển bảo vệ Tổ quốc.

Núp bóng dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Thanh Hà để khai thác tài nguyên trái phép

(HBĐT) - Mới đây, tại cuộc tiếp công dân tháng 12/2019, một lần nữa, 5 người dân đại diện cho 87 hộ dân ở xóm Xuân Him, xã Thanh Lương (Lương Sơn) tiếp tục kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm sai phạm trong thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương...

Khu tái định cư Mai Sơn: Mười năm sau ngày về nơi ở mới - còn đó những khó khăn

(HBĐT) - Cơn bão lịch sử năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhân dân 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn của huyện Mai Châu. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 60 hộ dân 2 xã đã về định cư tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) lấy tên mới là làng Mai Sơn. 10 năm sau ngày về nơi ở mới, cuộc sống của người dân đã dần đổi thay nhưng vẫn còn đó những khó khăn…

Nâng tầm du lịch huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Huyện Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Dao, Mường... Đặc biệt, huyện có diện tích lòng hồ sông Đà rộng lớn nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch này, Đà Bắc được xác định phát triển trở thành vùng trọng điểm của du lịch hồ Hòa Bình với những sản phẩm đặc trưng như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cuối tuần cho du khách khi vãn cảnh hồ Hòa Bình thơ mộng.

Huyện Lương Sơn vươn lên xứng tầm vùng cửa ngõ của tỉnh

(HBĐT) - Trung tuần tháng 11, Hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng huyện Lương Sơn đánh giá thị trấn Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV với số điểm trung bình là 84/100 điểm. Như vậy, sau rất nhiều năm bền bỉ, nỗ lực, huyện Lương Sơn đang dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trấn Lương Sơn và khu vực lân cận trở thành đô thi loại IV, 1 trong 2 mục tiêu quan trọng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định phải hoàn thành trong năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục