(HBĐT) - Núp bóng dự án để khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tình trạng này diễn ra trên địa bàn tỉnh khiến người dân bất bình.



Lực lượng chức năng huyện Lương Sơn bắt giữ phương tiện khai thác khoáng sản trái phép tại xã Tân Thành - nay là xã Cao Dương ngày 30/11/2019. 

Núp bóng dự án ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép

Thực tế, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra tình trạng núp bóng dự án để khai thác tài nguyên trái phép gây bức xúc dư luận. Như việc ông Bùi Chí Hưởng, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) đề xuất với UBND xã Tự Do xin thuê đất tại khu vực xóm Khướng để thực hiện dự án "Đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản”. Sau khi được chấp thuận, thay vì thực hiện dự án như cam kết ông Hưởng ngang nhiên thuê nhân công tiến hành khai thác khoáng sản (vàng) trái phép. Việc khai thác vàng trái phép của ông Hưởng đã kéo theo nhiều hệ lụy, môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, đất canh tác, dòng chảy các con suối bị thay đổi.

Tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) có doanh nghiệp "xin” được bỏ vốn đầu tư để nạo vét, cải tạo hồ thủy lợi tại xóm Đồng Hòa II để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phía sau dự án này là hành vi khai thác vàng trái phép. Qua tìm hiểu được biết, vào tháng 8/2016, Công ty TNHH Xây dựng Hợp Phát, trụ sở tại TP Hòa Bình do ông Trần Vũ Thủy làm giám đốc đã đề xuất với huyện Kim Bôi, xã Mỵ Hòa triển khai thực hiện dự án "Nạo vét lòng hồ thuộc xóm Đồng Hòa II” để phục vụ tưới tiêu, canh tác của bà con nhân dân trong vùng. Kinh phí cho việc nạo vét dự kiến khoảng 1 tỷ đồng, toàn bộ số tiền do Công ty TNHH Xây dựng Hợp Phát bỏ ra. Sau khi ký kết hợp đồng, UBND xã Mỵ Hòa và Công ty TNHH Xây dựng Hợp Phát tiếp tục ký kết biên bản thỏa thuận về việc "Nạo vét lòng hồ Gốc Thị, xóm Đồng Hòa II”. Theo biên bản này, về phía nhà đầu tư đã cam kết "trong khi nạo vét lòng hồ không sử dụng các phương tiện liên quan đến việc khai thác khoáng sản”. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, đơn vị thi công đã đưa máy móc vào đào múc đất, khai thác khoáng sản (vàng) trái phép gây bức xúc trong nhân dân.


Khi người dân trở thành "tai mắt”

Tình trạng núp bóng các dự án để khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đáng nói hầu hết các vụ việc đều do người dân phát hiện, tố giác. Như việc đơn vị đầu tư, thi công núp bóng dự án "Nạo vét lòng hồ thuộc xóm Đồng Hòa II”, xã Mỵ Hòa để khai thác vàng trái phép do chính người dân địa phương phát hiện, tố giác, thông tin đến cơ quan chức năng và báo chí.

Tại buổi tiếp công dân thường kỳ tháng 12/2019, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm những sai phạm tại dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương - nay là xã Thanh Cao (Lương Sơn) do Công ty CP gạch Hòa Bình làm chủ đầu tư. Thực tế, quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng phương án, cam kết được phê duyệt mà lợi dụng dự án để khai thác đất trái phép gây bức xúc trong nhân dân. Sau khi phát hiện việc Công ty CP gạch Hòa Bình núp bóng dự án để khai thác tài nguyên trái phép, từ năm 2018 đến tháng 12/2019, có 87 hộ dân thôn Xuân Him, xã Thanh Lương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm, hoàn trả mặt bằng như cũ. 

Khi người dân thông tin, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chức năng            

Đây chính là mấu chốt để giải quyết những vấn đề liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng như tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân núp bóng dự án để thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép. Như mới đây, từ nguồn tin báo của nhân dân về việc tại xóm Tiên Hội, xã Tân Thành - nay là xã Cao Dương (Lương Sơn) có một nhóm người và phương tiện, máy móc lợi dụng việc cải tạo, san lấp mặt bằng để khai thác khoáng sản trái phép, được sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp xuống hiện trường. Tại đây đã phát hiện một nhóm người cùng phương tiện, thiết bị cơ giới đang khai thác khoáng sản trái phép. Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn chỉ đạo lực lượng Công an huyện cử tổ công tác xuống hiện trường, ngăn chặn, yêu cầu các đối tượng đang khai thác khoáng sản ngừng hoạt động. Lập biên bản thu giữ các phương tiện có liên quan, gồm: 3 máy xúc, 2 máng sàng, 2 đầu nổ máy bơm và khoảng 200 m đường ống bơm, hút nước cùng một số phương tiện, vật dụng phục vụ việc khai thác khoáng sản trái phép.

Việc đấu tranh, giải quyết tình trạng khai khác khoáng sản trái phép mỗi nơi, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm bức xúc về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép rất cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng. Theo đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, để ngăn chặn, giải quyết hiệu quả tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác khoáng sản trái phép cần huy động sự vào cuộc của nhân dân trong vai trò giám sát. Cùng với đó, khi người dân có thông tin, tin báo, phản ánh vụ việc thì cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt, kịp thời, nghiêm túc.

 Đó cũng chính là bài học được rút ra từ việc giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản (than) trái phép trên địa bàn xã Cuối Hạ (Kim Bôi) thời gian qua. Từ chỗ là địa bàn phức tạp về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tại đây, không chỉ người dân địa phương mà còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng đó, để xoá tận gốc nạn "than tặc”, UBND huyện Kim Bôi đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác gồm các lực lượng công an, quân sự phá lấp 14 lò khai thác than trái phép. Sau khi hoàn thành việc phá lấp, UBND huyện đã giao UBND xã quản lý với yêu cầu không để tái diễn tình trạng khai thác than trái phép. Thực hiện nhiệm vụ, UBND xã đặt các chốt kiểm soát, thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã và các ngành, đoàn thể xã tham gia, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý địa bàn của các xóm có điểm khai thác than trái phép. Ngoài ra, xã lồng ghép các chương trình, dự án, đầu tư cứng hoá đường bê tông vào các xóm giao cho người dân tự quản lý. Đây cũng là đoạn đường độc đạo trước đây xe vận chuyển than đi qua. Do đó, khi có bất kỳ xe chở than nào đi vào đều bị người dân phát hiện và ngăn cấm, báo cho lực lượng chức năng địa phương. Đối với các khu mỏ ở xa khu dân cư, xã dựng barie giao cho xóm quản lý. Đồng thời, thực hiện quản lý chặt về nhân khẩu, không cho những người nơi khác đến địa bàn trở thành đầu nậu thu mua... Với cách làm đó, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi không còn tình trạng khai thác than trái phép, tình hình môi trường, ANTT được cải thiện. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước và giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được rút ra từ thực tiễn.

Vũ Phong






Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm

 Lê Trọng Long
 Phó Chánh Thanh tra tỉnh


Theo ghi nhận, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp lợi dụng việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư để khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Trước hết phải khẳng định đây là những hành vi, việc làm trái pháp luật, cần phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, cũng có thể thấy rằng để xảy ra tình trạng này không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước, phê duyệt dự án. Ở đây không có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên, buông lỏng quản lý nên đã để các nhà đầu tư, đơn vị thi công lợi dụng đưa phương tiện, máy móc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản. Như việc triển khai dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương - nay là xã Thanh Cao (Lương Sơn) do Công ty CP gạch Hòa Bình làm chủ đầu tư. Trong đó, Sở NN&PTNT là đơn vị phê duyệt phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên nên đã để cho nhà đầu tư khai thác đất, không thực hiện theo đúng cam kết theo phương án đã được phê duyệt trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân. Theo tôi, để xảy ra tình trạng này trước tiên cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm theo tinh thần sai đến đâu xử lý nghiêm đến đấy. 
                                                                                                                      


Cần nêu cao vai trò quản lý, giám sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở


Trần Đức Thắng
Phó Giám đốc Sở TN&MT 


 Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ các tổ chức chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng thực hiện dự án đầu tư để khai thác tài nguyên khoáng sản, gây ảnh hưởng tới môi trường, làm thất thoát tài nguyên.

 Để xảy ra tình trạng này cũng cần phải nói trong đó có trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, giám sát. Theo tôi, nếu cấp ủy, chính quyền cơ sở làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp trên và cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý thì sẽ không xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân "núp bóng” dự án để thực hiện hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép gây bức xúc trong dư luận.
                                                                                                                              


Tiếp tục phát huy tốt vai trò "tai mắt” của nhân dân trong phát hiện vụ việc khai thác khoáng sản trái phép

Nguyễn Văn Mậu
Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn - nay là TP Hòa Bình)        

Thực tế thời gian qua các vụ việc liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn hầu hết được người dân phát hiện, thông tin đến cơ quan chức năng.

 Do vậy, chúng tôi xác định nhân dân chính là "tai mắt” giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trong việc khai thác khoáng sản trái phép nói chung và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa thực hiện dự án để khai thác khoáng sản trái phép nói riêng. Chính từ nguồn thông tin của nhân dân mà cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt quả tang nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép. Do đó, cũng cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ để người dân tích cực tham gia cung cấp thông tin, trở thành "tai mắt" giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, phát hiện vụ việc, đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép ngay từ địa bàn cơ sở.                                                                                                                           

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục