(HBĐT) - Vừa qua, đại diện UBND xã Chí Thiện (Lạc Sơn) đã có kiến nghị đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền bày tỏ sự không đồng tình với dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả” do Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện triển khai thực hiện. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Báo Hòa Bình đã cử phóng viên tìm hiểu vấn đề này.
Khu vực Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện triển khai dự án tại xóm Cài, nay là xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).
Mong dự án sớm được triển khai
Đồng chí Bùi Văn Vinh, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Chí Thiện (nay là xã Quyết Thắng) cho biết: Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 27 ha ở xóm Cài. Đây là dự án được người dân đồng tình, hưởng ứng cao vì sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển KT-XH của xã.
Cùng chung quan điểm này, đồng chí Bùi Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Chí Thiện cho biết: Năm 2016, UBND tỉnh cấp phép đầu tư dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao” cho Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện do ông Nguyễn Thanh Hạnh làm giám đốc. Đây là công ty thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát (công ty con thuộc Tập đoàn Hòa Phát - PV). Dự án có quy mô chăn nuôi 10.000 con bò thịt mỗi năm. Với dự án này, cấp ủy, chính quyền và người dân chúng tôi rất phấn khởi. Bởi theo cam kết của phía nhà đầu tư, khi dự án đi vào hoạt động, công ty sẽ ký kết hợp đồng cung cấp, bao tiêu thức ăn chăn nuôi cho người dân địa phương, gồm ngô và các loại cỏ. Điều này sẽ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nên khi triển khai xuống cơ sở người dân rất đồng tình, ủng hộ. Quá trình thu hồi đất, kiểm đếm giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng, hầu như không có gì vướng mắc. Thậm chí, nhiều hộ có mồ mả cha ông chôn cất trong khu vực đất dự án cũng nhất trí sẽ di dời khi dự án được triển khai...
Nói về dự án này, ông Bùi Văn Nhiền, ở xóm Cài phấn khởi: Khi biết thông tin, mục đích đầu tư của dự án, người dân chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn dự án sớm được triển khai. Nhà tôi đang sống trên khu đất thuộc phần thực hiện dự án và 8 ngôi mộ của ông bà, tổ tiên chôn cất ở đây. Nếu dự án thực sự đem lại hiệu quả cũng như làm cho đời sống người dân khấm khá lên, chúng tôi đồng tình với việc di dời nhà cửa, mộ phần để chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án...
Vì sao lại có sự không đồng tình?
Tuy nhiên, tháng 5/2018, chủ đầu tư có văn bản thông báo về việc điều chỉnh quyết định đầu tư dự án do doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu nên chuyển đổi chủ sở hữu công ty. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dẫn đến việc thay đổi thông tin nhà đầu tư. Theo đó, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện là ông Nguyễn Xuân Hải. Dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao” được điều chỉnh thành dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao và trồng cây ăn quả”. Quy mô diện tích đất dự án sử dụng giảm còn 18,6 ha. Tổng mức đầu tư từ 420 tỷ đồng giảm còn 80 tỷ đồng. Quy mô chăn nuôi từ 10 nghìn con/năm giảm còn... 1.000 con/năm (mỗi năm 2 lứa). Cùng với đó, dự án được điều chỉnh bổ sung hạng mục trồng cây ăn quả, nhằm hạn chế rủi ro, tận dụng nguồn phế thải trong chăn nuôi, phát huy hiệu quả tối đa dự án đầu tư...
Về vấn đề này, đồng chí Bùi Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Chí Thiện cho rằng: Dự án được triển khai không đúng mục đích ban đầu. Nếu dự án triển khai một phần để chăn nuôi, phần còn lại để trồng cây ăn quả thì chúng tôi không đồng tình. Vì người dân địa phương đang thiếu đất canh tác. Nếu UBND tỉnh cấp đất cho doanh nghiệp để đầu tư trồng cây thì có thể xem xét dành quỹ đất đó cho địa phương để người dân đầu tư phát triển kinh tế. Chúng tôi chỉ mong dự án vào để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quách Khắc Dương, Trưởng Phòng TN&MT huyện Lạc Sơn cho biết: Qua nghiên cứu, xem xét, về phía huyện thấy rằng, dự án "Chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả” do Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Dự án vẫn giữ nguyên cam kết đầu tư chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao. Còn việc nhà đầu tư điều chỉnh nội dung đầu tư kết hợp chăn nuôi với trồng cây để tận dụng nguồn phân bón trong quá trình chăn nuôi cũng là phù hợp. Việc này đã được UBND tỉnh nhất trí và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư và các thủ tục để được giao đất. Theo cam kết, sau khi hoàn thiện các thủ tục và được giao đất, nhà đầu tư sẽ bắt tay vào triển khai ngay dự án. Đối với những băn khoăn của người dân, huyện cũng đã có văn bản phúc đáp, trả lời rõ. Tới đây, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền về chủ trương thu hút đầu tư, nhằm tạo đồng thuận, nhất trí cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Chí Thiện khẳng định: Công ty cam kết sẽ triển khai dự án ngay khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo như Quyết định đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, công ty vẫn xác định việc chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao là hợp phần đầu tư chính. Theo phương án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, hợp phần này chiếm tới 3/4 tổng mức đầu tư của dự án. "Sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, công ty vẫn giữ nguyên cam kết ký hợp đồng hỗ trợ, bao tiêu, thu mua các loại cây cỏ, ngô làm thức ăn cho bò của người dân địa phương và các xã lân cận. Bởi theo tính toán, bình quân mỗi ngày, 1 con bò trưởng thành có nhu cầu tiêu thụ khoảng 25 kg thức ăn, gồm cây, cỏ, tinh bột. Với đàn bò thường xuyên duy trì ở mức 500 con/lứa, lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp tại chỗ của người dân”- ông Hải cho biết. Bên cạnh việc đầu tư chăn nuôi, công ty cũng kết hợp trồng cây xung quanh khu vực triển khai dự án. "Việc này nhằm mục đích tận dụng nguồn phân bón, chất thải trong quá trình chăn nuôi. Thêm nữa, việc trồng cây xung quanh khu vực dự án nhằm mục đích tạo "vành đai sinh học”, không để việc chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân tại các khu vực lân cận. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng thuận từ phía người dân để dự án được triển khai thuận lợi, đúng kế hoạch, tiến độ và cam kết của nhà đầu tư với UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương”- ông Hải bày tỏ.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Trung tuần tháng 11, Hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng huyện Lương Sơn đánh giá thị trấn Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV với số điểm trung bình là 84/100 điểm. Như vậy, sau rất nhiều năm bền bỉ, nỗ lực, huyện Lương Sơn đang dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trấn Lương Sơn và khu vực lân cận trở thành đô thi loại IV, 1 trong 2 mục tiêu quan trọng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định phải hoàn thành trong năm 2020.
(HBĐT) - Vậy là sau bao tháng năm đợi chờ, cầu Hòa Bình 3 sẽ chính thức hợp long, hoàn thiện, đưa vào lưu thông dịp Tết Canh Tý 2020. Cho dù muộn hơn nhiều so với kế hoạch, thế nhưng, đối với người dân TP Hòa Bình, được đi trên cây cầu mới cảm giác bâng khuâng hạnh phúc thật khó tả. Nhịp cầu kết nối những bờ vui, niềm mong ước bấy lâu của cả chính quyền và người dân giờ đã thành hiện thực. Thành phố lại tiếp tục khởi động những cây cầu mới nối hai bờ sông Đà, hướng tới bến bờ hạnh phúc trong hành trình phát triển mạnh mẽ sau này.
(HBĐT) - "Khi được mời về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, cựu học sinh chúng tôi rất vui mừng. Từ miền Trung, miền Nam xa xôi chúng tôi khẩn trương tiến hành họp Ban liên lạc các tỉnh, lên phương án, kế hoạch, chuẩn bị hiện vật trưng bày để về thăm trường xưa. Tháng 10/2016, khi công trình "Bia kỷ niệm Trường Cán bộ dân tộc miền Nam” được khởi công xây dựng, chúng tôi đã dõi theo công trình từng ngày. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có nhiều lần ra Bắc, về thăm Lạc Thủy, mỗi lần về thăm đều cảm thấy bồi hồi, xúc động” - ông Huỳnh Hậu, Phó Ban liên lạc cựu học sinh miền Nam tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Cao Phong những ngày cuối năm 2019, vào đúng dịp Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức thường niên nhiều năm nay. Du khách muôn nơi đổ về thăm quan, trải nghiệm vùng đất từ lâu nay được biết đến với sản phẩm cam nổi tiếng. Vùng đất được ví như thảo nguyên của tỉnh đã hiện thực ước mơ phát triển và thay đổi từng ngày.
(HBĐT) - Bị đánh đập, bị bắt bớ, thậm chí bị sát hại.... Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, nhiều bi kịch đã tái diễn, nhưng tại xã Yên Trị (Yên Thủy), làn sóng tìm cách vượt biên trái phép vào Trung Quốc lao động chui vẫn chưa dừng lại.
(HBĐT) - Những tháng ngày hạnh phúc của gia đình Hoàng Thị L. (SN 1993) và Triệu Thế Ng. (SN 1988) ở xã Hiền Lương nhanh chóng qua đi khi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lâm vào cảnh khốn khó. Để chăm lo cho cuộc sống gia đình khi có thêm thành viên, L. bàn với chồng về Hà Nội làm công nhân... Tuy nhiên, sau những tháng ngày ly hương bươn chải kiếm tiền gửi về cho chồng con, L. chỉ nhận lại những quả "đắng”. Bởi khi có tiền, chồng L. ở nhà rượu chè, cờ bạc. L. đã nhiều lần phải thay chồng trả những món nợ lên đến hàng chục triệu đồng. Mới đây, không chịu được cảnh suốt ngày phải đi "kéo cày trả nợ”, L. đã quyết định làm đơn xin ly hôn.