(HBĐT) - "Có những ngày vắt vẻo trên đường dây từ 4h đến tận 22h. Ăn cơm trưa, cơm tối ở luôn trên cột điện. Nói chung, nghề này vất vả, bất chấp thời tiết nắng mưa, khi có sự cố là anh em lên đường”. Đó là những lời chia sẻ của ông Đặng Xuân Quang, người đã có gần 20 năm gắn bó với công việc mà nhiều người ví von là làm việc "trên trời".


Công nhân Điện lực thành phố Hòa Bình khắc phục sự cố dưới thời tiết nắng nóng để cấp điện trở lại cho khách hàng.

Thợ điện - nghề vất vả, nguy hiểm

Những ngày đầu tháng 6, Hòa Bình là một trong những tỉnh trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt, có những ngày nhiệt độ lên tới 39 - 400C. Nắng như lửa đốt nên người dân đều hạn chế đi ra đường, nhất là vào buổi trưa, chiều, thời điểm nắng nóng nhất trong ngày. Thế nhưng, với những thợ điện lại là ngoại lệ, nắng càng gay gắt họ càng phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều hơn. Một ngày đầu tháng 6, giữa trưa nắng hè oi ả, ông Đặng Xuân Quang, công nhân Đội quản lý vận hành (Điện lực TP Hòa Bình) cùng đồng nghiệp vẫn phải đu mình trên đường dây điện. Chiếc áo màu vàng cam truyền thống chuyển sang nâu sẫm vì ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi.

Đã có gần 20 năm gắn bó với nghề thợ điện, ông Quang từng có thời gian dài công tác tại các Điện lực: Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn trước khi về công tác tại Điện lực TP Hòa Bình. Thời gian làm việc tại những địa bàn có địa hình phức tạp, giao thông cách trở, ông Quang đã nếm trải đủ những khó khăn, vất vả của nghề thợ điện. Ông Quang chia sẻ: Làm nghề này vất vả nhất là vào mùa mưa, bão vì địa bàn miền núi hay xảy ra sự cố điện. Hồi còn công tác ở huyện Mai Châu, nhiều hôm, tôi và đồng nghiệp phải đi 40 km để xử lý sự số; có những buổi đêm hôm lọ mọ trên đồi từ nửa đêm đến sáng hôm sau.

Như mấy ngày nắng nóng vừa qua, thay vì làm việc trên 8 tiếng mỗi ngày, nhiều hôm ông Quang và đồng nghiệp đi thông cả ngày để tìm và xử lý các sự cố nhằm cấp điện lại nhanh nhất cho khách hàng. "Làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt chắc chắn sẽ vất vả hơn nhiều. Nhiệt độ cao, các thanh sắt bi nung nóng, chạm tay vào đã cảm thấy bỏng rát. Trong mùa nắng nóng, ngoài phải làm việc dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều hôm chúng tôi làm việc vào lúc 1 - 2h khi mọi người đang ngủ ngon giấc. Nói chung, làm nghề này cứ có sự cố là anh em lên đường, bất chấp thời điểm nào trong ngày” - ông Quang chia sẻ thêm.

Sự chia sẻ của khách hàng là niềm vui của thợ điện

Những chia sẻ của ông Đặng Xuân Quang cũng chính là câu chuyện chung của hàng nghìn người khoác trên mình màu áo cam truyền thống của ngành Điện. Cũng theo ông Quang chia sẻ, công việc vất vả, mệt mỏi nhưng điều khiến ông cảm thấy áp lực và buồn nhiều là khi phải nhận những lời trách móc, thậm chí thô lỗ từ một số khách hàng. Nhưng cũng có nhiều khách hàng rất thông cảm, chia sẻ với nỗi vất vả của người thợ điện. "Nhiều khách hàng rất tốt, thấy anh em đang làm họ mời vào nhà uống nước. Có người mang thang cho mượn để leo cột đỡ vất vả hơn” - ông Quang cho biết.

Là tỉnh miền núi nên vào mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các sự cố điện do các nguyên nhân như: Cây cối gãy đổ làm hư hỏng đường dây điện hay do sạt lở đất. Cuối tháng 5 vừa qua, ở một số địa phương như Lạc Sơn, Cao Phong đã xảy ra sự cố điện. Trên các trang mạng xã hội như facebook, nhiều tài khoản đã đăng tải những hình ảnh, bình luận bày tỏ sự chia sẻ, cảm phục về công nhân ngành Điện thức trắng đêm để khắc phục sự cố.

Hay như vào khoảng 16h ngày 22/5 vừa qua, một cơn dông lốc lớn kèm theo sấm sét đã gây sự cố tại trạm biến áp xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) và trạm biến áp đền Bờ làm mất điện toàn bộ địa bàn huyện Cao Phong và một phần huyện Tân Lạc. Nhận được thông tin, Điện lực Cao Phong đã huy động lực lượng với tinh thần phải khắc phục ngay sự cố để cấp điện trở lại cho Nhân dân. Đặc biệt xử lý sự cố để cấp điện phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Trần Thanh Bình, Giám đốc Điện lực Cao Phong cho biết: Được sự giúp đỡ, phối hợp giữa chính quyền và Nhân dân địa phương, Điện lực Cao Phong đã kịp thời thay máy biến áp xong ngay trong đêm. Đến 3h ngày 23/5, mọi công việc được hoàn tất và cấp điện trở lại an toàn.

Theo dự báo, mùa nắng nóng và mưa bão còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố điện. Do đó, công việc của những người thợ điện cũng sẽ vất vả hơn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, họ luôn sẵn sàng lên đường để tìm và khắc phục sự cố nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho khách hàng.


Viết Đào

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục