Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá về quy hoạch, cải cách hành chính (CCHC), đầu tư kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lấy năm 2021 là năm CCHC, tháo gỡ khó khăn trong GPMB làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tập trung thực hiện. Trên tinh thần đó, tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh như: Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; thành lập tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm; chỉ đạo xây dựng quy chế GPMB, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phát huy vai trò của chính quyền các cấp; thực hiện công khai chính sách đền bù, GPMB, tái định cư, quan tâm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân; thành lập tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác GPMB... Tỉnh đã kịp thời ghi nhận những kiến nghị của các nhà đầu tư để giải quyết, trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án…
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý việc không sử dụng hồ Đầm Bài làm điểm trung chuyển nước và làm hồ sơ lắng trước khi xử lý của Dự án xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông như đề nghị của UBND tỉnh và các Bộ, ngành. Đồng thời, giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ: Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT để thực hiện điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nguồn nước, bảo đảm cấp nước sạch cho người dân Thủ đô. Văn bản này đã hỗ trợ thiết thực cho tỉnh chủ động trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai dự án phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Hồ Đầm Bài là hồ thủy lợi có diện tích mặt nước khoảng 6 ha, diện tích lưu vực của hồ rộng khoảng 16 km, cảnh quan, môi trường tươi đẹp, trong lành, tiềm năng rất lớn để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch sinh thái của tỉnh.
Tỉnh đang phối hợp triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm tạo sức hút thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư. Trong đó, đã kiến nghị với T.Ư triển khai thưc hiện dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở rộng quy mô xây dựng 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất 2 bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai, chiều rộng dự trữ 40 - 70 m), với chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80 - 110 m với cơ chế phù hợp nhằm thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó đã khởi động nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm khác như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia; các hệ thống đường đô thị; các cầu qua sông Đà; đường Quang Tiến - Thịnh Minh (TP Hòa Bình)... Nắm bắt các cơ hội đầu tư, nhìn thấy định hướng rõ ràng của tỉnh, thời gian qua đã có nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào tỉnh.
Theo Sở KH&ĐT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 594 dự án ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 100.962 tỷ đồng. Trong đó, một loạt các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng do các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, uy tín như các tập đoàn: Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, TH, Hòa Phát, BRG, Công ty CP đầu tư Infinity Group... đang được triển khai.
BTV Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình hành động CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của T.Ư; chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong tốp 30 của cả nước…
Giữ chân, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, có tính lan tỏa cao trong phát triển KT-XH của tỉnh. Thu hút, phát triển các dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Trên tinh thần đó, tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Triển khai chỉ số đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố (DDCI) làm cơ sở đánh giá chất lượng phục vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp và người dân. BTV Tỉnh ủy chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước khắc phục thời gian giải quyết các TTHC, giảm bớt văn bản giấy tờ, tổ chức họp khi giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cản trở, ách tắc trong CCHC, GPMB, thu hút đầu tư.