(HBĐT) - "Qua tìm hiểu, tôi được biết Chiến dịch Hoà Bình năm 1951 đã trở thành niềm tự hào của quân và dân ta, góp phần quan trọng giải phóng Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trận chiến đó, quân ta giành được thắng lợi, nhưng cũng có nhiều mất mát, hy sinh của những chiến sỹ tuổi còn đôi mươi. Nhớ về những chiến công anh hùng của cha anh đã dũng cảm quên mình, tôi luôn cảm thấy xúc động, tự hào mỗi lần đến nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hoà Bình để thắp những nén hương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc” - đồng chí Đặng Quốc Cường, Bí thư chi đoàn trường Chính trị tỉnh chia sẻ. 


Đoàn viên thanh niên các sở, ban, ngành thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân dịp 27/7/2021 tại nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hòa Bình.

Nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch  Hòa Bình được xây dựng cách đây hơn 60 năm, là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình đông - xuân năm 1951 - 1952 để bảo vệ Tổ quốc. Đây là nơi gắn bó với bao thế hệ cán bộ và Nhân dân các dân tộc TP Hòa Bình, trong tỉnh; là nơi Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhằm thực hiện tốt hơn việc tri ân các anh hùng liệt sỹ và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, năm 2015, UBND tỉnh đầu tư xây dựng công trình nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hoà Bình mới tại đồi Mọng 1, tổ 25, phường  Chăm Mát cũ - nay là phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) với diện tích 4,2 ha, kinh phí đầu tư trên 32 tỷ đồng. Hoạt động thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh. Tháng 1/2018, UBND TP Hòa Bình tổ chức di dời 305 hài cốt liệt sỹ Chiến dịch Hoà Bình về nghĩa trang mới. Quá trình di chuyển có sự tham gia của đông đảo lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên (ĐV-TN) các sở, ban, ngành hỗ trợ. Nghĩa trang mới có quy mô rộng rãi, được thiết kế theo hình bậc thang, phân chia mộ liệt sỹ thành từng khu vực đảm bảo về khoảng cách, diện tích.

Vào dịp 27/7 hằng năm, Thành Đoàn Hoà Bình tổ chức hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Chiến dịch Hoà Bình với sự tham gia đông đảo của ĐV-TN các cơ sở Đoàn trên địa bàn, ĐV-TN thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. Trước đó, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đều chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở tuyên truyền, phổ biến trong ĐV-TN về ý nghĩa của cuộc giải phóng Hoà Bình mà đỉnh cao là Chiến dịch Hoà Bình. Tại các cuộc thắp nến tri ân, ĐV-TN tham gia được ôn lại truyền thống lịch sử oai hùng của cha anh, sự hy sinh anh dũng, thầm lặng trong chiến dịch, những mất mát và những chiến công vang đội. Có thể kể đến như Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan ở trận đánh Giang Mỗ, trận đánh cầu Mè, đồi Dụ (Kỳ Sơn cũ)… Hiện nay, những hiện vật của quá khứ vẫn được lưu giữ để làm minh chứng, đồng thời để lớp lớp thế hệ sau ôn lại truyền thống lịch sử, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.

Đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nhấn mạnh: "Chiến dịch Hoà Bình là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh. Đây là dấu mốc cho sự thất bại thảm hại của quân Pháp, cũng là sự kiện mà thế hệ trẻ tỉnh nhà cần lưu tâm, ghi nhớ, tiếp nối truyền thống để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh quên mình của thế hệ cha anh đi trước”.


Thanh Sơn

Các tin khác


Nơi thắp sáng “tình yêu” tuổi xế chiều

(HBĐT) - Thoải mái chắp nối những vần thơ, phổ nhạc cho thơ để trở thành bài hát và cùng hát cho nhau nghe… ấy là không gian mở Câu lạc bộ (CLB) thơ - ca tỉnh. Qua 10 năm dựng xây và bồi đắp, CLB được ví như là nơi thắp sáng "tình yêu” tuổi xế chiều!

Mùa dổi đưa hương ở Ba Lầm

(HBĐT) - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, chúng tôi tìm về xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi), nơi có hạt dổi thơm nức tiếng vùng Mường Động. Đi từ đầu đến cuối xóm, những cây dổi vươn cao, thẳng tắp, vươn tán lá rộng và cho quả "vàng”. Về Ba Lầm mùa này, hương dổi tỏa ra thơm nức, người người, nhà nhà nhộn nhịp thu hoạch. Năm nay, dổi được mùa, bán cũng được giá. Thứ "vàng đen” của núi rừng Tây Bắc đã, đang mang đến sự no đủ cho bà con nơi đây, giúp nhiều gia đình đi từ gian khó vươn lên thoát nghèo.

Nhân niềm vui trên dòng sông Đà

(HBĐT) - Đúng dịp kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm ngày tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2021), cán bộ, Nhân dân TP Hòa Bình được đón sự kiện ý nghĩa mong chờ bấy lâu - thông xe kỹ thuật công trình cầu Hòa Bình 2. Niềm vui, hạnh phúc là cảm nhận chung được ghi nhận trong những ngày vừa qua.

Khát vọng trên đất Mường Thàng

(HBĐT) - Chiếc ô tô 7 chỗ đưa chúng tôi xuất phát từ trung tâm thị trấn Cao Phong đến điểm gần cuối cùng của xóm Đồi - xóm vùng sâu thuộc xã Tây Phong (Cao Phong). Trời mưa to, con đường liên xóm tuy hơi nhỏ nhưng dễ đi vì đã được cứng hóa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT. Để xây dựng con đường, người dân xóm Đồi đã đồng lòng đóng góp ngày công, tiền, hiến đất… Tất cả cùng chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), thắp lên khát vọng phát triển trên quê hương Mường Thàng.

Khát vọng phát triển

(HBĐT) - Tỉnh Hoà Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi tỉnh Mường. Lúc đó, chính quyền thực dân phong kiến cũng phải loay hoay, trăn trở nhiều năm mới xác lập cho được vị trí của tỉnh lỵ, đó là làng Vĩnh Diệu, xã Hoà Bình, phía bờ trái sông Đà.

Vì sao trại lợn không phép, nhiều sai phạm ở huyện Kim Bôi vẫn ngang nhiên hoạt động?

(HBĐT) - Bất chấp quy định của pháp luật, ngang nhiên phá bỏ cam kết khi ký hợp đồng xin giao khoán đất nông nghiệp; xây dựng trại nuôi lợn không xin phép, không thông qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; để xảy ra nhiều vi phạm trong vấn đề xả thải, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân... Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra vụ việc. Ai là người chịu trách nhiệm? 
Bài 2 - Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục