Các thành viên Câu lạc bộ thơ - ca tỉnh thể hiện tiết mục ca múa tự biên, tự diễn trong sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Thật vậy! Nếu thời tiết không xấu hay dịch bệnh không phức tạp thì gần như tháng nào cũng có các cuộc giao lưu, gặp mặt giữa các CLB nhỏ trong CLB lớn, hay nhỏ hơn là nhóm hội viên của huyện Kim Bôi hẹn gặp nhóm hội viên của huyện Đà Bắc… thăm quan, du lịch ở một điểm, cốt là để được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những đề tài sáng tác và cùng đọc thơ, cùng hát cho đời thêm vui. Đó là hoạt động xuyên suốt của CLB thơ - ca tỉnh. Thành lập từ tháng 10/2011 trên cơ sở tập hợp 6 CLB thơ cơ sở, đến nay, CLB thơ - ca tỉnh đã có 12 CLB thơ - ca cơ sở. Trên 90% thành viên là người cao tuổi, tự nguyện, tự quản kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao năm qua, CLB duy trì sinh hoạt ổn định với các hoạt động sáng tác, đọc và trình diễn thơ, tổ chức sự kiện của cơ sở hoặc tổ chức giao lưu trong và ngoài tỉnh.
Bà Phạm Thị Tiến, Phó Chủ tịch CLB chia sẻ: Hơn 10 năm qua, thành viên CLB đã sáng tác hơn 1 vạn bài thơ, trong đó, hàng chục bài đã được phổ nhạc, hàng trăm bài được chính hội viên CLB chuyển thể thành các làn điệu dân ca, dân vũ để giao lưu, biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ trong, ngoài tỉnh. Để khơi nguồn cảm hứng sáng tác, CLB đã xuất bản 3 tập thơ in chung lấy tên "Hương đất Mường”. Hương đất Mường tập I là tác phẩm đầu tay được biên tập, in ấn tại Nhà xuất bản Văn học với độ dày 522 trang, giới thiệu gần 600 bài thơ của 170 tác giả. Hương đất Mường tập II dày 380 trang, giới thiệu trên 400 tác phẩm của 125 tác giả. Hầu hết các bài thơ đều có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, chia sẻ niềm vui tuổi già. Tháng 12/2020, CLB tiếp tục cho ra mắt Hương đất Mường tập III dày 533 trang, giới thiệu trên 400 tác phẩm của 97 tác giả. Trong tập thơ này, ngoài các mảng đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm gia đình… còn có một số bài thơ phản ánh tình hình thời sự nóng hổi của đất nước, như công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tuyệt đại đa số là những vần thơ hào sảng ca ngợi chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự hy sinh cao cả nhưng hết sức thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng, áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch và sự quyết chí, đồng lòng của người dân với niềm mong ước sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Có được tham gia, chứng kiến những buổi sinh hoạt CLB ở cơ sở, hay các tiết mục ca múa nhạc do thành viên các CLB tự biên, tự diễn mới thấy hết được tình yêu, lời muốn nói của người cao tuổi. Đó là tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương, đất nước… hay đơn giản hơn là nghệ thuật. Bởi nghệ thuật (thơ, ca, nhạc, họa…) giống như một dạng thức trị liệu tâm hồn, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mĩ, đặc biệt là cho những người cao tuổi thấy nhẹ nhàng, thư giãn, như trong bài thơ "Sợ chi già” của tác giả Lê Xuân Hữu in trong Hương đất Mường - tập III: "Bảy tám mươi xuân sợ chi già/ Dưỡng sinh tập luyện buổi sáng ra/Tháng ngày còn lại mong thanh thản/Thoải mái tâm tư sống chan hòa/Gia đình con cháu vui hòa thuận/ Danh lợi không màng sống lạc quan/Thơ phú văn chương vui bè bạn/Tuổi già như vậy lộc trời ban”.
Để "lộc trời ban” đến được với nhiều người cao tuổi, các thành viên CLB thơ - ca tỉnh phấn đấu mỗi năm kết nạp thêm từ 25 - 30 hội viên mới. Khuyến khích 100% CLB thơ - ca cơ sở tự tổ chức giao lưu giữa các hội viên, hoặc giao lưu với các CLB bạn tạo sự sôi nổi … để CLB thơ - ca tỉnh mãi là nơi thắp sáng "tình yêu” tuổi xế chiều.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)