(HBĐT) - Dổi - cây che mưa giông, nắng, gió những mái nhà Mường. Dổi cho bóng mát - không khí trong lành - cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Dổi cho thân gỗ cao vút, thẳng tắp để người quê tôi làm nếp nhà sàn. Dổi cho loại hạt nức vị các món ăn; cho loại thuốc quý để người Mường khỏe mạnh. Dổi xứ Mường hôm nay ở nhiều vùng quê từ Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên đến Tây Nguyên xa xôi... đang mang lại những mùa Xuân no ấm.



Hạt dổi thành phẩm.

Tích dổi Mường Be

Đó là câu chuyện của 60 năm trước, khi bố tôi còn nhỏ, cùng chúng bạn chơi đùa dưới những tán dổi; cùng nhặt những hạt dổi chín đỏ làm đạn để chơi trò bắn ống phốc… Để rồi sau mỗi dịp đi xa trở về, ông lại thích ngồi dựa lưng bên gốc dổi cổ thụ cạnh bờ ao và ngắm nhìn dổi cứ ngạt ngào, thấm đẫm tuổi thơ nơi xứ Mường Be (xã Chí Đạo - Lạc Sơn, Hòa Bình)…

Hạt dổi sau khi nướng được đem giã nhỏ trộn với muối rang để chấm món ăn còn một phần đem giã nhỏ để ướp với thịt, cá trước khi nấu, nướng. Mùi thơm của hạt dổi nướng khiến món ăn hấp dẫn đến lạ. Xưa kia, các quan lang người Mường, mỗi khi đón khách ở Kinh kì lên thăm đều dùng hạt dổi làm gia vị cho vào các món ăn và muối dổi như thế. Ngày nay, khách đến xứ Mường thưởng thức các món đặc sản có rắc hạt dổi một lần cũng sẽ nhớ và vương vấn mãi…

Bao năm rồi mà mỗi lần về quê, bố tôi vẫn thích tự tay vào bếp nướng hạt dổi để chế biến các món ăn. Vốn là loại cây mọc trên rừng, rồi không biết từ khi nào, những cây dổi lớn lên trong làng. Vẫn dáng cây cao thẳng tắp ngày ngày che mưa, nắng cho những mái nhà. Người trong Mường không phải đi xa tận rừng sâu để lấy gỗ làm nhà nữa. Nhiều người già trong Mường cho rằng, vào mùa dổi chín, những đàn chim bay về từ rừng sâu kia chính là "sứ giả” đem dổi về với đất Mường. Đàn chim bay về từ rừng sâu ríu rít, tâm tình bên những chùm dổi chín như chứng kiến thành quả của ngày xa xưa, dổi được đưa từ rừng về để hôm nay kết trái vàng như thế…



Người dân làm những bậc thang để leo lên cây hái dổi.

Cây lộc và trái vàng ở xứ Mường Be

Ngồi bên cửa voóng (cửa sổ) nhà sàn ngắm nhìn vườn dổi thẳng tắp ông Bùi Văn Bun -Trưởng xóm Be chia sẻ: Mùa dổi năm nay, gia đình ông không chỉ thu hàng trăm triệu đồng từ bán hạt đổi tươi. Trong năm, gia đình ông còn xuất bán khoảng 3 vạn cây giống dổi ghép thu vài trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân ở đây đang ấp ủ dự định xây dựng dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Chắc chắn du khách sẽ rất thích thú được nằm trên những chiếc võng mắc qua những cột chống trời kia; sẽ hài lòng khi được ngủ trên những ngôi nhà sàn gỗ dổi; được thưởng thức các món ăn đậm hương vị hạt dổi; được đem những sản phẩm dổi (như: muối dổi, hạt dổi khô, hạt dổi ngâm rượu để làm thuốc xoa bóp, cây dổi giống…) về làm quà…

Khi đời sống của người dân nơi đây khởi sắc hơn, họ cũng tự tin tìm tòi hướng đi, tầm nhìn mới. Tất cả nhờ cây lộc quý dổi thơm!

Ông Bun cho biết: Hiện nay, nhà nào cũng có ít thì vài cây dổi. Vài cây có tuổi đời 20-30 năm, cho thu 2-3 tạ hạt tươi. Với giá bán hạt tươi hiện là 500.000 đồng/kg thì một cây dổi cho thu mấy chục triệu đồng, tương đương cả cây vàng cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều gia đình. Đặc biệt, hơn chục năm trước, nhiều nhà mạnh dạn, trồng nhiều đương nhiên có của ăn, của để và phát triển nhanh chóng.

Như gia đình ông Bùi Văn Lực ở xóm Be Trên vừa tổng kết một mùa dổi bội thu. Cách đây hơn chục năm, ông Lực đã mạnh dạn trồng gần trăm cây dổi. Giờ đám dổi này đã cho thu hạt. Có cây dổi cho thu tới 2 tạ hạt tươi. Ông Lực vui lắm, chưa bao giờ người nông dân như ông lại thu được cả tấn hạt dổi, trị giá mấy trăm triệu đồng. Gia đình ông Bùi Văn Hền, Bùi Văn Biền, Bùi Văn Lán… giờ cũng trở thành những triệu phú nhờ dổi.

Trồng cây dổi, không phải chăm sóc gì, sau chục năm cây cho hạt. Trồng cây ghép thì gần 5 năm đã cho thu hạt. Đầu tháng 9 là bà con chỉ việc mang rá, rổ ra sau vườn nhặt hạt vàng. Đúng là cây lộc, trái vàng của xứ Mường Be!

Dổi xứ Mường và ước mong xuất khẩu

Năm qua, dổi được mùa, được giá nên nhiều gia đình đã đổi đời nhờ bán hạt dổi và đặc biệt là các nhà vườn bội thu khi bán cây dổi giống. Những ngôi nhà sàn được trang bị đầy đủ tiện nghi; đường làng, ngõ xóm khang trang; tiếng còi xe ô tô rình rang của những hộ thu vài trăm triệu và tiền tỉ từ vụ dổi không còn lạ ở xứ này.

Chủ tịch UBND xã Chí Đạo Quách Công Thái cho biết: Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường ẩm thực trong nước ngày càng phong phú, hạt dổi trở thành gia vị đặc sản không thể thiếu. Với ưu điểm không mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ, sản phẩm hạt lại dễ thu hoạch, bảo quản, chỉ cần phơi khô, không sợ hỏng, mốc và bán được quanh năm, nên dổi đang trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu cao, hướng đi xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững của người dân nơi đây.

So với những cây trồng khác, cây dổi mang lại lợi ích kép. Trồng dổi cho thu hạt và còn bán được cả gỗ với giá thành cao. Dổi còn tạo môi trường trong lành, mát mẻ và tương lai sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Xã Chí Đạo hiện có hơn 300 hộ trồng khoảng hơn 42 ha dổi (hơn 20.000 cây) ở các độ tuổi; trong đó, gần 4.000 cây đã cho thu hoạch. Cây dổi trồng 8 năm thì ra hoa, bói hạt, nếu trồng cây cấy ghép thì thời gian sẽ được rút ngắn được một nửa. Cây càng lâu năm, giá trị gỗ, hạt càng cao.

Khi nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ ngày 18/12/2014, tiếp đó hạt dổi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, xã Chí Đạo có số lượng hộ trồng, cây trồng, sản lượng và chất lượng cao nhất đã mở ra cơ hội giúp sản phẩm dổi từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, vươn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới khai thác tiềm năng xuất khẩu.

                                                                                                 Hồng Duyên


Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục