(HBĐT) - Nói đến văn hóa của người Mường Hòa Bình không thể không nói đến một di sản văn hóa (DSVH) đặc biệt linh thiêng: Mo Mường. Đây là báu vật có những giá trị vô song và nổi bật hàng đầu trong kho tàng DSVH bốn Mường Bi - Vang - Thàng - Động. Người Mường Hòa Bình càng tự hào khi sở hữu DSVH Mo Mường bao nhiêu, càng trăn trở bấy nhiêu nếu di sản này không được bảo vệ khẩn cấp. Bởi, chỉ khi được bảo vệ khẩn cấp thì DSVH Mo Mường mới được tiếp thêm sức mạnh để phát huy các giá trị đặc sắc, mới có thể trường tồn với thời gian và "sống” vẹn nguyên trong lòng Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.




Ảnh: Các nghệ nhân Mo Mường huyện Kim Bôi tạo điều kiện giúp cơ quan chức năng thực hiện kiểm kê các yếu tố liên quan đến di sản văn hóa Mo Mường.

Đã từng có thời kỳ Mo Mường bị coi là mê tín dị đoan, là tín ngưỡng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của xứ bốn Mường. Vì thế, các thầy mo không được phép hành nghề, nếu vẫn nhận lời đến mo cho gia chủ thì cả thầy và gia chủ đều bị xử phạt. Đó là câu chuyện rất tủi buồn trong ký ức những nghệ nhân mo Mường (NNMM) cao tuổi…

Nỗi lòng của người yêu Mo Mường

NNMM Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bùi ngùi nhớ lại những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi những thầy mo như ông không được phép hành nghề vì mo bị coi là mê tín dị đoan. Ông kể: "Năm 1983, khi đó tôi 29 tuổi, làm nghề mo được tầm 2 năm, thì bị lập biên bản, bắt ký cam kết không hành nghề mo nữa. Khi đó, tôi buồn tủi lắm!  Vì thế tôi càng xác định học để theo đến cùng nghề mo, bởi tôi hiểu rõ Mo là văn hóa bản địa, là niềm tự hào của người dân xứ Mường, là tín ngưỡng đáng được coi trọng và những thầy mo như chúng tôi chính là những người gìn giữ hồn cốt của Mo Mường”.
Nghệ nhân Bùi Ngọc Thuận ở xóm Bưng, xã Thu Phong (Cao Phong) cũng có chung nỗi lòng như thế. Ông năm nay 80 tuổi, là nghệ nhân cao tuổi bậc nhất ở huyện Cao Phong, đồng thời là người có uy tín trong cộng đồng, rất am hiểu và luôn dành trọn tâm huyết cho Mo Mường. Theo trí nhớ của ông Thuận, vào những năm 60 đến tận những năm 90 của thế kỷ 20, ở Mường Thàng cũng như các xứ Mường khác ở Hòa Bình có 2 câu chuyện đáng buồn là "chảy máu” Chiêng Mường và "nỗi oan” của Mo Mường. Đây vốn là 2 báu vật quan trọng hàng đầu trong kho tàng DSVH Hòa Bình. Trong đó, Mo giữ một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được.

Nghệ nhân Bùi Ngọc Thuận chia sẻ: Thực hiện các nghi lễ mo được coi là "hồn cốt” của đời sống văn hóa người Mường nên thầy mo được tôn kính hàng đầu trong xã hội. Theo quan niệm của người Mường và thực tế từ xa xưa, mo và thầy mo gắn liền với vòng đời của một con người, từ khi sinh ra cho đến khi về với Mường Ma. Khi mới chào đời thì được lời mo mụ, thầy mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Vào tuổi trưởng thành gặp lúc đau yếu, thầy mo làm vía giải hạn, cầu an để vạn sự hanh thông. Tuổi già sức cạn thì thầy mo làm lễ kéo si mong cầu sức khỏe. Đặc biệt, trong tang ma của người Mường không thể thiếu mo. Trong nghi lễ tang ma, thầy mo đóng vai trò cầu nối giữa người sống và người chết, là người đưa hồn ma về với tổ tiên, giúp linh hồn người quá cố được siêu thoát.

Vậy mà trong thời gian khá dài, Mo Mường bị coi là tín ngưỡng không phù hợp và thầy mo không được phép hành nghề. Do không được hành nghề đường đường chính chính, nhiều người đang học mo đành bỏ dở giữa chừng, số lượng thầy mo ngày càng giảm. Rồi nhiều thầy mo giỏi lần lượt già đi và về với tổ tiên, mang theo cả những roóng mo quý chưa được truyền dạy cho con cháu… Đáng mừng là câu chuyện đó đã khép lại và dần mở ra lộ trình mới - nơi có những con người tâm huyết, trí tuệ đang hết lòng gìn giữ và thực hành DSVH Mo Mường.

Lộ trình của tình yêu và trách nhiệm

Từ khi Mo Mường được "giải oan” và chính thức hoạt động trở lại như một DSVH phi vật thể đáng tự hào bậc nhất của người Mường Hòa Bình, lộ trình gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của Mo Mường đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và đặc biệt là vai trò nòng cốt của những NNMM trong toàn tỉnh. Năm 2016, Mo Mường Hòa Bình được công nhận DSVH phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là cột mốc quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về Mo Mường. Đồng thời, tiếp thêm động lực để toàn tỉnh hiện thực hóa quyết tâm ghi danh Mo Mường vào danh sách DSVH phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, giúp Mo Mường "sống” mãi với thời gian.

NNMM Bùi Văn Khẩn, Chủ nhiệm CLB Mo Mường xã Phong Phú (Tân Lạc) tâm sự: Mo Mường là DSVH phi vật thể chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, NNMM - người nắm giữ hồn cốt Mo Mường có vai trò then chốt trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại. Trước đây, chúng tôi được sống trong môi trường đậm đặc các giá trị của mo nên yêu mo sâu sắc đến độ một khi đã gắn bó thì mãi mãi không thể tách rời. Ngày nay thì khác. Trong guồng quay của xã hội hiện đại, các giá trị của văn hóa mo không còn đậm đặc như trước kia, đặt ra nhiều thách thức cho hành trình trao truyền và kết nối các thế hệ yêu Mo Mường…

"Mặc dù chúng tôi sẵn sàng truyền dạy Mo Mường với tất cả tình yêu và trách nhiệm, nhưng không dễ để tìm kiếm được lớp người kế cận. Bởi, không phải ai cũng có thể học được mo. Người muốn học mo phải là người có tâm, có đức, am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hoá dân tộc Mường, phải có tính kiên trì, nhẫn nại vì học mo rất vất vả. Chưa kể còn phải là người có "nổ” mo…”, nghệ nhân Bùi Văn Khẩn trải lòng.

Đó cũng là tâm tư của nhiều người yêu Mo Mường, nhất là những NNMM cao tuổi. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 NNMM đang nắm giữ và thực hành di sản, Trong đó, đa số nghệ nhân đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy”, rất ít nghệ nhân trung tuổi. Với trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của mình, họ đã gắn tình yêu với trách nhiệm, góp công sức gìn giữ hồn cốt, phát huy giá trị của mo trong cuộc sống đương đại bằng cách nắm giữ và thực hành nghề mo. Đặc biệt, để DSVH có thể "sống” mãi muôn đời, trăn trở của NNMM là tìm được những truyền nhân xứng đáng để trao truyền, tiếp nối lộ trình nắm giữ và thực hành di sản của chính họ.

"Trên lộ trình đó có nhiều thách thức khiến NNMM chúng tôi trăn trở…” - một NNMM ở huyện Lạc Sơn trao đổi - "Chúng tôi mong muốn tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB Mo Mường; có cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh để kịp thời khuyến khích, động viên NNMM; tiếp tục gỡ khó trong việc công nhận NNMM là "Nghệ nhân ưu tú” theo quy định; có giải pháp chiến lược để kịp thời kiểm soát nguy cơ Mo Mường bị văn bản hóa, sân khấu hóa, bị giản lược làm nhạt đi tính biểu tượng thiêng liêng và mai một đi những giá trị truyền thống… Đặc biệt, chúng tôi tha thiết mong được hỗ trợ để góp phần xây dựng một không gian văn hóa Mo Mường Hòa Bình, trong đó, có những lớp truyền nhân kế cận thực sự xứng đáng và tâm huyết để cùng nhau trao truyền những điều tốt đẹp mà mình đang nắm giữ. Bởi, xét cho cùng, nắm giữ và trao truyền những giá trị tốt đẹp của Mo Mường chính là lộ trình của tình yêu và trách nhiệm, giúp chúng ta cùng xây đắp một không gian văn hóa Mo Mường trong toàn tỉnh, để Mo Mường "sống” mãi trong lòng Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.   

(Còn nữa)


Nhóm PV Phòng VH-XH

Các tin khác


Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù.  Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định. 

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Thành phố Hòa Bình vươn tầm đô thị loại II: Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức: Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức: Bài 1 - Chỉ số cải cách hành chính xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay

(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.  Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh về kết quả chỉ số CCHC năm 2022. Nhìn tổng thể, từ năm 2016 - 2022, chỉ số CCHC của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Năm qua, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục