(HBĐT) - Thực tế những năm gần đây cho thấy, hiện tượng một số cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, vi phạm pháp luật... có dấu hiệu ngày càng tăng. Nhiều trường hợp CB, ĐV giữ chức trách, nhiệm vụ quan trọng trong Đảng, hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương đã suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật; làm suy yếu sức chiến đấu của tổ chức đảng, hệ thống chính trị; làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng. Trên địa bàn tỉnh ta, trong 8 tháng đầu năm nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã phải thi hành kỷ luật 74 đảng viên; BCH Đảng bộ tỉnh đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 1 đảng viên bằng hình thức khai trừ. Trước thực tế này, vấn đề xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức (CMĐĐ) được xác định là một trong những giải pháp đột phá, kỳ vọng tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bài 1 - Lan tỏa rộng khắp
Trong chiến dịch 70 ngày đêm, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Kim Bôi chia thành 4 ca, bảo đảm làm việc khép kín 24/24h; trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ làm căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Để các CMĐĐ thực sự phù hợp, có tác dụng thiết thực trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì vấn đề xây dựng chuẩn mực "đúng, trúng" là yếu tố quan trọng, quyết định hàng đầu. Do đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng CMĐĐ nghề nghiệp, đạo đức công vụ phù hợp với đặc thù của tổ chức, vị trí việc làm, ngành nghề của CB, ĐV, công chức, viên chức, người lao động. Có địa phương, đơn vị, ngành xây dựng chuẩn mực cho các tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, đối với công việc, cá nhân… Từ những CMĐĐ này, CB, ĐV đã nhận diện chính xác những mặt được và chưa được trong quá trình thực thi công vụ. Cũng từ đó, nhiều hành động, việc làm tận tâm, trách nhiệm đã xuất hiện, góp phần nâng cao uy tín của đội ngũ cán bộ trong nhân dân.
Vì nhân dân phục vụ
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, được ví như chiếc chìa khóa vạn năng mở ra những hành trình tiếp theo trong chuyển đổi số. Để thực hiện thành công 2 dự án, công tác thu thập thông tin dân cư được xác định là khâu đầu tiên, quan trọng và cũng là khâu quyết định. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội toàn tỉnh đã không quản ngày đêm, trực tiếp đến từng thôn, xóm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để có được thông tin "đúng, đủ, sạch, sống” đảm bảo cấp CCCD chính xác trên thực tế.
Nhớ lại chiến dịch cao điểm cấp CCCD, Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) chia sẻ: Trong công tác cấp CCCD, để đẩy nhanh tiến độ cũng như giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, lực lượng công an thực hiện phương châm "Đông làm trước, nhỏ lẻ làm sau" và "Xa làm ngày, gần làm đêm". Hơn 500 cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) thuộc các lực lượng công an từ cấp tỉnh đến cấp xã làm việc 24/24h mỗi ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ và có nhiều cách làm sáng tạo, nhất là trong xử lý các tình huống phát sinh, như: tình trạng máy thu vân tay quá tải, nóng và bị "treo”; trường hợp da tay khô ráp, chai cứng, khó lấy vân; làm căn cước tại nhà cho người già yếu, khó khăn trong di chuyển…
Nêu cao tinh thần "Quyết liệt, khẩn trương, chính xác, trách nhiệm cao, vì Nhân dân phục vụ” trong suốt 70 ngày đêm với cường độ làm việc xuyên ngày, xuyên đêm không ngừng nghỉ triển khai thực hiện Dự án dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn tỉnh đã thu thập thông tin dân cư được 936.684, đạt 100%; kiểm tra, phúc tra 100% thông tin công dân đã thu thập trước khi cập nhật vào hệ thống đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống”, xếp thứ nhất toàn quốc. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 738.489/667.336 lượt hồ sơ cấp CCCD, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao; nhận 485.714 thẻ CCCD gắn chíp điện tử trả cho công dân đảm bảo đúng quy định.
Thời gian qua, Đảng bộ Công an tỉnh lấy việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân làm chuẩn mực chung trong rèn luyện CB, CS, đồng thời xây dựng tiêu chí "Phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Qua đó, "mẫu hóa”, định hình rõ ràng CMĐĐ của mỗi CB, CS Công an nhân dân. Tinh thần "Vì Nhân dân phục vụ” được lan tỏa mạnh mẽ, mục tiêu đấu tranh, kiềm chế phát sinh tội phạm thực hiện ngày càng hiệu quả. Nhiều năm liên tục, tỷ lệ điều tra, khám phá án của tỉnh luôn đạt trên 90%, trong đó án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Kết quả đạt được góp phần giữ vững ổn định về chính trị, bảo đảm TTATXH, giữ cho cuộc sống bình yên; tạo tiền đề, nền tảng quan trọng thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
"Lương y phải như từ mẫu”
Trưa 9/5/2021, Hòa Bình ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Trực tiếp có mặt chỉ đạo tại khu cách ly tập trung vào thời điểm đó, đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế không giấu sự lo lắng: Nồng độ vi rút trong các mẫu dương tính mới phát hiện là vô cùng đậm đặc. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Lúc này, thời gian quý hơn vàng nên nhân viên y tế phải tranh thủ từng phút, từng giờ để truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Với sự khẩn trương, quyết tâm đó, chỉ trong chiều và đêm 9/5, TP Hòa Bình đã khoanh vùng y tế, truy vết, đón được hơn 80 công dân vào khu cách ly tập trung.
Giữa cái nắng gần 40 độ oi ả của mùa hè, những "chiến sỹ áo trắng” làm nhiệm vụ chống dịch khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ kín mít làm nhiệm vụ. Toàn bộ các khu vực phong tỏa, khoanh vùng y tế được phun khử khuẩn. Toàn bộ tiểu thương chợ Nghĩa Phương, các cháu cơ sở mầm non Hoa Linh được lấy mẫu xét nghiệm. Rồi gần 1.000 trường hợp về từ Bệnh viện K, các trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh dương tính… được lấy mẫu xét nghiệm. Hàng trăm nhân viên y tế tại 20 khu cách ly tập trung căng mình 24/24h làm nhiệm vụ chống dịch. Cán bộ, nhân viên y tế Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tập trung cao độ cho việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn… tỏa đi khắp mọi ngõ ngách để truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Chưa bao giờ cán bộ, nhân viên y tế tỉnh phải làm việc với cường độ cao và đối diện với hiểm nguy như thế. Song không dừng lại ở đó, khi tình hình dịch bệnh ở quê nhà đã ổn, các cán bộ, y, bác sỹ tiếp tục xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Những đoàn cán bộ vào Nam, về với Hà Nội, xung phong vào các khu điều trị cách ly ngày một nhiều. Họ tạm quên đi những giọt mồ hôi, gác lại nỗi nhớ con nhỏ… cùng cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, mang bình yên trở lại với cộng đồng. Đó là cách họ làm theo lời Bác Hồ căn dặn, thực hiện CMĐĐ cao nhất của ngành Y: "Lương y phải như từ mẫu”
Cùng với Đảng bộ Công an tỉnh, ngành Y tế, thời gian qua, ngành, đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả việc xây dựng chuẩn mực cho các tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, đối với từng công việc, cá nhân. Như Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng và cụ thể các CMĐĐ cho từng đối tượng: Thanh niên LLVT - "Trung thành, kỷ luật, dũng cảm, xung kích, trí tuệ, sáng tạo, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, lập công vì an ninh Tổ quốc”; Thanh niên công chức, viên chức - "Giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuỵ, cầu thị, sáng tạo”; Thanh niên công nhân - "Giỏi nghề, sáng tạo, tiết kiệm, kỷ luật”; Thanh niên nông thôn- "Vượt khó, SX-KD giỏi, tự tin, cầu thị, vì cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển KT-XH, AN-QP địa phương”… Sở Tư pháp xây dựng các CMĐĐ cụ thể cho CB, ĐV, nội dung cụ thể: Với Tổ quốc, với nhân dân, với công tác tư pháp, với đồng nghiệp, với bản thân… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng 5 chuẩn mực, có 4 nội dung thuộc phẩm chất chung và 1 nội dung mang đặc thù của ngành là "Nhạy bén, sáng tạo, tham mưu trúng, nói-viết thuyết phục”… Qua đó đã tạo nên những chuyển biến tích cực, rộng khắp trong nhận thức, hành động của CB, ĐV.
Dương Liễu - Hải Yến - Thanh Sơn
(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tháng 11/2016, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”. Ý nghĩa thiết thực và sự lan tỏa của phong trào đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội chung tay, góp sức vì người nghèo.
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Mường, Tày, Dao, Mông… cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 64%. Để có sự đồng tốc trong phát triển KT-XH, từ nhiều thập kỷ qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và vùng thuận lợi trên địa bàn.
(HBĐT) - Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình được chia tách để tái lập tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Toàn bộ di vật bảo tàng và hồ sơ di tích của tỉnh nào được bàn giao về tỉnh đó. Tỉnh Hòa Bình lúc đó được bàn giao hơn 3.000 hiện vật bảo tàng và 1 bộ hồ sơ di tích khảo cổ, nhưng không phải là di tích khảo cổ của nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB).
(HBĐT) - Từng nắm lá thuốc chữa sốt rét, quả trứng gà cho đến bát cháo nấu vội được các bà mẹ Lào băng rừng, lội suối mang đến tận lều lán của bộ đội Việt Nam đóng quân giữa rừng. Rồi điệu múa lăm vông suốt đêm mừng chiến thắng… Những tình cảm, ký ức đẹp đó theo thời gian vẫn sống mãi trong tâm trí mỗi người lính Việt Nam về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Lào. Với tinh thần "giúp bạn chính là giúp mình”, hơn 3.000 thanh niên tỉnh Hòa Bình đã lên đường tham gia chiến đấu giúp nước bạn Lào hoặc làm cố vấn quân sự, chuyên gia về các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên nước bạn.
(HBĐT) - Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, từ đầu năm đến nay, đặc biệt sau khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố kết quả thực hiện Bộ Chỉ số PCI năm 2021, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT).
(HBĐT) - "Có thể nói, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, cán bộ, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất quyết tâm phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt là trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút, tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư (NĐT) vào sản xuất - kinh doanh tại tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh chưa đạt như mong muốn, điều này phản ánh những điều kiện cũng như nỗ lực của tỉnh chưa đủ để cải thiện. Chính vì vậy cần phải có quyết tâm cao độ hơn nữa của các cấp, các ngành". Đó là nhìn nhận của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về dư địa để tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.