(HBĐT) - Trong những ngày cả nước có nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp thăm tỉnh Quảng Trị anh hùng. Từ vùng đất hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, mảnh đất của một thời ký ức đau thương đang vươn mình đứng dậy, màu xanh đã trở lại với sức sống mãnh liệt.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - nơi thực hiện nghi lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" được tổ chức mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Cùng các đồng nghiệp làm báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước, chúng tôi đến thăm di tích Thành cổ Quảng Trị. Với giọng dẫn truyền cảm của người dân địa phương, chị Trần Thị Phương Lan, Phó trưởng Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi như được tái hiện về một thời kỳ lịch sử đau thương, nhưng rất đỗi oai hùng. Khu vực được chọn xây dựng Thành cổ Quảng Trị là khu đất cao tại xã Thạch Hãn – Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị). Từ Thành cổ Quảng Trị có thể đi vào Nam hay ra Bắc bằng đường sông hay đường bộ đều thuận tiện. Quá trình xây dựng thành cổ kéo dài 28 năm (1809 - 1837). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 – 16/9/1972) là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sỹ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Số bom ném xuống thành cổ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945, phá hủy hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và tòa thành cổ. Có thể nói, mỗi mét vuông đất tại thành cổ là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử… Để thế hệ chúng ta hôm nay khi đến thăm thành cổ với niềm xúc động bồi hồi khi nghe bài thơ "Tấc đất Thành cổ” được khắc trên đá nhắc nhở thế hệ ngày nay và các thế hệ mai sau mãi mãi tưởng nhớ đến các anh - những người đã hy sinh, bị thương trong cuộc chiến tranh ác liệt: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca Bẩt tử đến vô cùng”...
Vinh dự hơn khi chúng tôi được tham gia "đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn. Truyền kỳ về những chiến công bất tử quân và dân ta trong 81 ngày đêm chiến đấu, trên 4.000 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại nơi Thành cổ Quảng Trị. Lễ hội hoa đăng để tri ân các anh hùng liệt sỹ trên sông Thạch Hãn được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Thời điểm đoàn chúng tôi dâng hương, thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn, một cơn giông xuất hiện như linh hồn các anh hùng liệt sỹ đã hiển linh, chứng kiến cho sự thành tâm của đoàn.
Rời Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Nơi đây quy tụ hơn 10.333 phần mộ của các liệt sỹ. Khuôn viên nghĩa trang được xây dựng rộng rãi, khang trang với tổng diện tích 140.000 m2 với khu tượng đài, khu trồng cây xanh, hồ cảnh, đường trải nhựa và diện tích 10 khu vực chính các phần mộ với diện tích 23.000 m2. Thời điểm này, có nhiều đoàn khách trong cả nước tổ chức thăm, dâng hương tại nghĩa trang. Sau khi dâng hương ở khu vực tượng đài, chúng tôi đến thắp hương nơi các liệt sỹ khu vực tỉnh Hòa Bình. Gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hương Mai, người có trên 8 năm chăm sóc các phần mộ các liệt sỹ tỉnh Hòa Bình, được biết: Khu vực nghĩa trang tỉnh Hòa Bình có 84 ngôi mộ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng năm, vào dịp các ngày lễ lớn, các đoàn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng và Nhân dân trong tỉnh đều đến thăm và dâng hương tri ân đến các liệt sỹ, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đoàn công tác Báo Hòa Bình dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ của tỉnh tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).
Một địa điểm nữa không thể bỏ qua khi đến thăm Quảng Trị những ngày này là Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Trên hành trình thiên lý Bắc Nam, có một dòng sông, một chiếc cầu không ai có thể quên: sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Sông không rộng, cầu không dài nhưng đó là dòng sông mang nhiều nỗi đau nhất, 20 năm cha xa con, vợ mất chồng, anh xa biệt em chỉ vì một tầm nước, một mái chèo, khắc khoải đợi chờ và đẫm nước mắt. Những "ngày Bắc, đêm Nam”, những thao thức trong từng câu thơ, từng bài hát đã bắt đầu từ đây, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải vĩ tuyến 17. Nếu dòng sông chia đôi bờ như sự phân ly thì cây cầu nối hai bờ sông chính là biểu tượng của sự gắn kết. Đến đây, được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình mang tính tôn vinh từng vang danh trong lịch sử như cầu Hiền Lương, Kỳ đài bờ Bắc, Nhà liên hợp, Đồn công an giới tuyến, dàn loa phóng thanh, Tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam... Mỗi chúng tôi càng tự hào hơn bởi là nơi đại diện cho cả nước thực hiện nghi lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" được tổ chức mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Người ta thường biết đến Quảng Trị với những mất mát, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ và Nhân dân ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có ý nghĩa lịch sử to lớn đã làm cho Quảng Trị trở thành một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Du khách khi đến Quảng Trị sẽ rất tự hào về quá khứ, cảm phục về truyền thống chống ngoại xâm của Nhân dân ta và là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho con cháu muôn đời sau. Phát huy những giá trị lịch sử, tỉnh Quảng Trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, trong năm 2024, Quảng Trị được lựa chọn là nơi tổ chức hiệu Lễ hội Vì hòa bình. Hiện nay, tỉnh tập trung khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng gắn với việc định hình thương hiệu Lễ hội Vì hòa bình thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hương Lan