(HBĐT) - "Sông Mã xã rồi Tây Tiến ơi!/Nhớ về rùng núi, nhớ chơi vơi… Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” (trích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng). Hơn 75 năm đã trôi qua, Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến có dịp về thăm lại mảnh đất Mai Châu - nơi chiến trường xưa còn in nhiều dấu ấn. Chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến, được hòa chung dòng hồi ức của ông Giang Hồng Phúc - nhân chứng sống cho thời kỳ đầu thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Ông Giang Hồng Phúc (ngoài cùng bên trái) kể chuyện về binh đoàn Tây Tiến.
Sinh năm 1932 tại Hà Nội, năm 15 tuổi ông Phúc tham gia kháng chiến trong đội tự vệ của phố Khâm Thiên. Tháng 2/1947, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập tại huyện Mai Châu. Chỉ 1 tháng sau đó, tân binh Giang Hồng Phúc có mặt trong "đoàn binh không mọc tóc”, hành quân lên miền Tây Bắc cùng đồng đội "nằm gai nếm mật", trải qua những trận đấu ác liệt. Nhớ về cuộc hành quân của đoàn quân Tây Tiến, ông hào hứng kể: "Mai Châu khi đó là địa bàn trọng yếu đối với miền Tây Bắc, một chốt chặn hữu hiệu để tiêu diệt giặc Pháp từ vùng cao đánh xuống, cũng là bàn đạp tiến công, triển khai những chiến dịch khi thời cơ đến. Từ đây án ngữ đường số 6 huyết mạch cho các đoàn quân tiến lên Tây Bắc, cơ động sang Lào, xuôi về Thanh Hóa. Đặc biệt, đường 15 chạy qua thị trấn Mai Châu lại hợp lực với đường thủy sông Đà, sông Mã, tạo nên thế vững vàng "tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Bước tiến quan trọng khi quân đội ta mở chiến dịch Lê Lợi (thu đông 1949) đánh tan lực lượng giặc Pháp chiếm lại đường 6 và các tuyến đường quan trọng. Tháng 1/1950, Mai Châu được hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng ngày càng vững mạnh. Đồng thời, chiến dịch Lê Lợi làm bàn đạp thắng lợi cho quân và dân ta triển khai mặt trận Tây Bắc (1950 - 1954) cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu”.
Tiếp nối khúc quân hành Tây Tiến, đôi chân của người lính Giang Hồng Phúc khi ấy đã in dấu trên những dặm dài chiến trường ác liệt. Nhấp ngụm trà, ông trầm ngâm kể tiếp: "Ngày ấy, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, chúng tôi - những thanh niên Hà Nội tuổi 15, 16 đều xung phong ra trận. Cuộc sống người chiến sỹ những năm tháng ấy biết bao gian nan, vất vả. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc là chuyện hằng ngày. Khổ sở đến mức cả đơn vị phải cạo trọc đầu để khỏi chấy, như một đoàn quân không mọc tóc. Cuộc sống, chiến đấu chủ yếu ở trong rừng, dựa vào sự giúp đỡ của Nhân dân là chính. Một viên thuốc ký ninh phải hòa vào nước chia cho mấy người sốt rét. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà chỉ trong thời gian ngắn, ở trạm xá quân y Châu Trang có hơn 200 đồng đội chết và còn rải rác nhiều ngôi mộ nơi biên cương đến nay không thể tìm được. Tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Mai Châu cũng có hơn 100 ngôi mộ vô danh, họ là những chiến sỹ Tây Tiến hy sinh trong các trận chiến đấu ác liệt với quân Pháp, được Nhân dân quy tập về đây”.
Những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội tại mảnh đất Mai Châu là thời gian ông không thể nào quên. Ở đó tình đồng đội, tình quân dân đã giúp người chiến sỹ vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ở chiến trường khắc nghiệt. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về người phụ nữ Thái ở Mường Hịch, khi chứng kiến người chiến sỹ bị cơn sốt rét hành hạ lả đi vì đói, vì mệt, kiệt sức, ai cũng xót xa nhưng chẳng có cách nào cứu được. Lúc đó, người phụ nữ đã đặt đứa con nhỏ xuống, quay đi vắt sữa của mình vào một chiếc cốc nhỏ cho chiến sỹ uống. Nhờ vậy, chiến sỹ dần tỉnh lại, nhưng người phụ nữ đã đi khuất. Sau này, người chiến sỹ ấy có dịp trở lại cố tìm ân nhân nhưng không thấy, cũng không biết chị là ai.
Vượt qua những khó khăn, gian khổ, Trung đoàn 52 Tây Tiến đãghi những mốc son vào trang sử chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, chúng tôi được trò chuyện với bà Bùi Phương Thảo, con gái cố nhà thơ Quang Dũng. Bà xúc động tâm sự: "Cha tôi có thời gian khá dài đóng quân, sống và chiến đấu tại Mai Châu, được tham gia sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc nơi đây, trong không gian phong cảnh hữu tình đã đánh thức mọi cảm xúc khiến ông đưa Mai Châu vào trong bài thơ Tây Tiến rất hữu tình, nên thơ và trở thành địa danh bất tử”.
Trải qua 75 mùa xuân, Trung đoàn Tây Tiến còn vang mãi những chiến công oanh liệt của "đoàn binh không mọc tóc” gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên minh chiến đấu Việt - Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thanh Hạnh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)
(HBĐT) - Dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh hiện có trên 40 lễ hội lớn thì trong đó có tới 90% lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Với người Mường Hòa Bình, chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc mà còn là "vật báu hồn thiêng”, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được gìn giữ trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.