(HBĐT) - Không chỉ làm tốt chức trách của một người cán bộ, sống có trách nhiệm với nhân dân, anh Sùng A Chênh còn luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm là người đại biểu dân cử, đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với các cơ quan chức năng...
Đồng chí Sùng A Chênh (giữa) trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về kết quả công tác vận động các hộ di cư tự do tại khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) về xây dựng cuộc sống mới tại khu tái định cư do huyện đầu tư.
Nêu gương ngay từ gia đình, dòng họ
Ngay từ khi còn là đại biểu HĐND huyện Mai Châu, anh Chênh luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện?. Khi ấy, 2 xã Hang Kia, Pà Cò vẫn là "vùng lõm” khó khăn về KT-XH. Đời sống người dân còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu như ma chay, cưới xin, tảo hôn. "Chính các hủ tục này đã kéo cuộc sống của đồng bào mình đi xuống”, anh chia sẻ. Theo đó, trong tang ma của đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò, ngoài những nghi lễ theo phong tục, tập quán, mỗi khi có người chết thì người thân của họ làm "ma khô” xem như còn sống nên vẫn giữ lối sinh hoạt thường ngày, người đến thăm viếng vẫn bón cơm cho người chết. Trong quá trình làm tang ma, người ta không cho vào quan tài mà họ buộc thi thể người chết lên giá đỡ dựng bên cạnh bàn thờ. Trong lễ tang, nhiều gia đình vẫn thịt nhiều trâu bò, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của các hộ, nhất là đối với hộ khó khăn.
Là người được đi nhiều, được tiếp thu cái hay, cái mới ở các nơi khác nên Sùng A Chênh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền 2 xã Hang Kia, Pà Cò ban hành Nghị quyết chuyên đề về "xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tang ma, cưới xin và tảo hôn”. Đồng thời, với vai trò, trách nhiệm của mình, trên diễn đàn HĐND, Sùng A Chênh đã đề xuất, kiến nghị HĐND huyện xem xét, banh hành Nghị quyết chuyên đề về "xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tang ma, cưới xin và tảo hôn ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò” được sự đồng thuận, nhất trí rất cao.
Có cơ chế, có sự đồng tình, ủng hộ, nhưng làm thế nào để thay đổi những hủ tục này khi đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của đồng bào từ bao đời nay? Ban đầu, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, đưa người dân đi thăm quan mô hình, cách làm của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh bạn. Tuy nhiên, kết quả vẫn là "3 không”. Người dân không đồng tình, không từ bỏ và không thay đổi. Sùng A Chênh lại một lần nữa phải vào cuộc. "Bằng kinh nghiệm thực tế cũng như uy tín của mình, tôi hiểu người Mông chỉ tin khi thấy những lời nói phải đi đôi với việc làm thực tế. Hơn nữa muốn người dân tin thì mình phải làm trước, vận động những người trong gia đình, dòng họ làm trước, như thế người ta làm theo mình”, Sùng A Chênh chia sẻ. Thời điểm ấy, cụ nội Sùng A Chênh là cụ Sùng A Sầu tuổi cao, sức yếu và đang lâm trọng bệnh nhưng đã nghe con cháu, đồng ý nghe theo cháu nội khi chết sẽ đưa vào quan tài và chỉ tổ chức đám ma trong 2 ngày. Đó là đám ma theo nếp sống mới đầu tiên của người Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Sau đám tang đó, nhiều dòng họ người Mông ở Pà Cò đã làm theo, khi có người chết đều tổ chức tang ma đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.
Không chỉ trong việc tang, Sùng A Chênh cũng là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân tổ chức cưới xin theo nếp sống mới, bài trừ hủ tục tảo hôn. Từ sự vận động, chú ruột của Sùng A Chênh là Sùng A Páo ở xóm Chà Đáy là người đầu tiên tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới. Đám cưới này chỉ diễn ra trong một ngày. Đây là việc làm thành công nhất, bởi sau đám cưới đó đến bây giờ tất cả các đám cưới ở Hang Kia, Pà Cò, thậm chí ở các xã có đồng bào người Mông sinh sống như Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) cũng đã học tập, làm theo. Đồng thời, nghe Sùng A Chênh tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình đã từ bỏ hủ tục tảo hôn, qua đó góp phần giảm đáng kể tình trạng tảo hôn ở Hang Kia, Pà Cò...
Thực hiện trọn vẹn lời hứa trước cử tri
Cũng như bao người, Sùng A Chênh là một người trọng lời hứa. Trên cương vị là người đại biểu đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, Sùng A Chênh lại càng trọng lời hứa hơn. "Khi người dân đã tin tưởng gửi gắm mình lá phiếu bầu thì mình càng phải thể hiện được vai trò là cầu nối giữa dân với Đảng, với các cơ quan chức năng để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân”, Sùng A Chênh chia sẻ. Thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri, Sùng A Chênh thường xuyên về với nhân dân để nắm tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn, những kiến nghị của cử tri đến với chính quyền, cơ quan chức năng các cấp. Với tinh thần đó, đi đến đâu gặp gỡ người dân dù là đồng bào Mường, Thái hay Dao, Sùng A Chênh đều được chào đón như người thân thiết.
Còn nhớ trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình”, huyện Mai Châu giảm từ 23 xã, 1 thị trấn xuống còn 15 xã, 1 thị trấn. Quá trình thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Đặc biệt là trong việc giải quyết, sắp xếp vị trí công tác cho đội ngũ cán bộ công chức các xã phải sáp nhập. Trước vấn đề này, Sùng A Chênh đã đi tận nơi, gặp gỡ từng cán bộ để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng. Từ đó, đã có những ý kiến tham mưu chính xác cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện giải quyết kịp thời. Nhờ đó, đến nay huyện Mai Châu đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, cơ bản giải quyết được khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Ngoài ra, Sùng A Chênh cũng là một trong những nhân tố tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các hộ đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các địa phương khác đến khu vực Suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo di chuyển về ở tại khu tái định cư do huyện xây dựng để ổn định cuộc sống.
Không chỉ vậy, ngay sau trúng cử đại biểu HĐND tỉnh, trong chuyến công tác vượt hàng chục km đường mòn xuyên núi để vào đến điểm cuối cùng của huyện giáp với tỉnh Sơn La ở xã Tân Thành, Sùng A Chênh đã vô cùng bất ngờ khi được đồng chí Đinh Văn Thuận, Bí thư chi bộ xóm Chiêng chia sẻ, do chỉ có đường mòn xuyên rừng, vượt núi vào xóm nên rất nhiều năm qua không có cán bộ nào vào đến xóm. Mong mỏi lớn nhất của người dân là có con đường vào đến xóm để bà con vượt qua khó khăn, tự đi trên đôi chân của mình trên hành trình xóa đói nghèo... Mang tâm tư, nguyện vọng của người dân, cử tri xóm Chiêng gửi gắm, Sùng A Chênh đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương về việc bố trí nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2022, con đường từ trung tâm xã Tân Thành đã được huyện Mai Châu bố trí nguồn vốn, đầu tư mở mới. Mặc dù chưa hoàn thành, song con đường đã phá thế cô lập của xóm Chiêng và trở thành sợi dây kết nối giữa xóm với bên ngoài.
Mới đây, trong lần trở lại tiếp xúc cử tri ở xóm, nhiều người dân cứ nắm tay Sùng A Chênh mà dưng dưng nước mắt. Nhờ có anh, từ nay cuộc sống của họ đã bước sang trang mới. Giống như những nơi mà anh đã từng đến và trở thành "ngọn đuốc”, thực hiện trọn vẹn lời hứa "Luôn gần gũi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; làm tròn trách nhiệm là người đại diện của cử tri”, góp phần làm sáng lên cuộc sống ở những nơi còn nhiều gian khó của vùng đất Mai Châu.
Mạnh Hùng