(HBĐT) - Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, sạt lở. Hàng nghìn hộ mất nhà cửa, đất sản xuất. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều khu tái định cư (TĐC) đã được xây dựng mới, góp phần ổn định lâu dài đời sống người dân. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nơi ở mới, ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống và quyền lợi của người dân.



Các hộ dân khu tái định cư xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn (Tân Lạc) đã chuyển đến nơi ở mới ổn định,
 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  Ảnh: p.v

Đưa chúng tôi thăm khu TĐC xóm Tớn Trong, ông Hà Văn Tăng, xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn (Tân Lạc) chia sẻ: Năm 2017, trên địa bàn bị sạt lở do thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC xóm Tớn Trong, chúng tôi vui lắm. Năm 2018, người dân được chuyển đến nơi ở mới với diện tích bình quân 300 m2/hộ. Chúng tôi rất cảm ơn các cấp đã quan tâm chia sẻ khó khăn, bảo vệ tính mạng người dân. Tuy nhiên, sau 4 năm về nơi ở mới các hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Nơi ở cũ mặc dù không ở, sinh hoạt thường xuyên, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được giữ lại để bà con phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Tại các đợt tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị cấp trên cấp sổ đỏ để người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.

Qua tìm hiểu thực tế, khu TĐC xóm Tớn Trong có 21 hộ đã làm nhà ở ổn định từ năm 2018, các hộ vẫn về nơi ở cũ để trồng trọt, sản xuất và chưa được nhận GCNQSDĐ nơi ở mới. Theo lãnh đạo xã Vân Sơn, còn 12 hộ chưa ra nơi ở mới vì chưa có đất làm nhà. Trên địa bàn toàn huyện Tân Lạc có 4 khu TĐC cho 75 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó, 1 khu TĐC xóm Ngòi, xã Suối Hoa diện tích 1,1 ha với 20 hộ, 3 khu TĐC xã Vân Sơn diện tích 3,1 ha với 55 hộ. Ngoài ra, có 41 hộ dân TĐC xen ghép trên địa bàn huyện. Các hộ tại các khu TĐC tập trung và xen ghép đều chưa được cấp GCNQSDĐ.

Không chỉ ở huyện Tân Lạc, việc cấp GCNQSDĐ nơi ở mới cho các hộ phải di dời đến khu TĐC do ảnh hưởng của thiên tai tại các địa phương trong những năm qua đang gặp khó khăn. Tỷ lệ hộ dân được cấp GCNQSDĐ ở các địa phương còn thấp. Đồng chí Nguyễn Văn Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lý (Đà Bắc) cho biết: Tổng diện tích quy hoạch khu TĐC xóm Cháu là 4,5 ha, đã có 62 hộ ở các xóm: Cháu, Tình, Mó La chuyển về ở. Dự án triển khai năm 2009, năm 2015 đón người dân ảnh hưởng sạt lở vùng thiên tai. Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDĐ còn khó khăn, các hộ chưa nhận được sổ. Từ năm 2021 đến nay, Phòng TN&MT đã rà soát, tiến hành trích đo, đang hoàn thiện thủ tục, chờ cấp GCNQSDĐ. Huyện đã quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung hợp lý đối với những địa bàn khó khăn, đảm bảo cho người dân phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm từng xã. Bố trí nguồn lực thực hiện 5 dự án di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để hạn chế thiệt hại do thiên tai và 3 khu TĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện đã cấp 188 GCNQSDĐ cho 188 hộ, diện tích trên 8,9 ha ở 5 khu TĐC tập trung, gồm: xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa; xóm Túp, xã Tiền Phong; xóm Kế, xã Mường Chiềng; xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng; xóm Bưa Cốc, xã Nánh Nghê. Từ năm 2018 đến nay, các hộ đã ổn định chỗ ở nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ tại các khu TĐC: xóm Cháu, xã Tú Lý; xóm Ca Lông, xã Đồng Chum; xóm Bưa Trùng, xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Nà Tèn, xã Nánh Nghê; xóm Bằng, xã Giáp Đắt; xóm Đung Tẻ, xã Mường Chiềng là 351 hộ, với diện tích 15,7ha. Trong đó, 3 khu TĐC là xóm Cháu, xã Tú Lý; xóm Ca Lông, xã Đồng Chum; xóm Bưa Trùng, xóm Ké, xã Hiền Lương đang hoàn thiện hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho các hộ. Số hộ thuộc diện di dân TĐC nhưng chưa bố trí được đất ở là 191 hộ, diện tích đất ở cần bố trí khoảng trên 7,4 ha là các xã: Nánh Nghê, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Tân Pheo.

Tại TP Hòa Bình, để di dời các hộ ra khỏi vùng sạt lở, UBND thành phố đã xây dựng 6 khu TĐC tại các phường, trong đó, phường Kỳ Sơn 1 khu, Trung Minh 1 khu, Thái Bình 2 khu và xã Hoà Bình 2 khu với 267 lô đất, tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng. UBND thành phố đã giao 135 lô đất, còn lại 132 lô chưa giao; đã di dời, giao đất TĐC cho 134 hộ. Các hộ đã xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định. Toàn bộ gia đình, cá nhân đã được UBND thành phố giao vị trí đất TĐC, các hộ đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 2017 - 2018 đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Còn 19 hộ chưa giao đất, do vị trí đất của các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở (chưa bị sạt lở). Các hộ không muốn di chuyển, nếu di chuyển đề nghị phải bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất.

(Còn nữa)

Hương Lan


Các tin khác


Xây dựng nông thôn mới ở huyện Lạc Thủy - khi ý Đảng hợp lòng dân: Bài 3 - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lạc Thủy trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhất là khi người đứng đầu cấp ủy có sự đổi mới về phong cách lãnh đạo, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, quản lý dân chủ.

Khát vọng “lên bờ”

(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, xóm vạn chài là cụm dân cư ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, người dân sống bằng đánh bắt cá và nuôi cá lồng. Xóm có 71 hộ với 246 nhân khẩu. Cá ngày càng ít, cuộc sống mưu sinh trên mặt nước ngày càng khó khăn, các hộ dân khao khát được lên bờ lập nghiệp.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Lạc Thủy - khi ý Đảng hợp lòng dân: Bài 2 - Nông thôn mới khởi sắc

(HBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Lạc Thuỷ đã tạo được bước đột phá trong phát triển KT-XH, làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; vai trò, vị trí chủ thể được phát huy. Nông nghiệp từng bước được cơ cấu hợp lý, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, chất lượng.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Lạc Thủy - khi ý Đảng hợp lòng dân: Bài 1 - Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự đoàn kết, tâm huyết của đảng viên và đồng thuận của Nhân dân, đến năm 2020, 8/8 xã của huyện đạt chuẩn NTM. Lạc Thuỷ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Chuyện những người “gieo chữ” ở Tân Thành

(HBĐT) - Hơn 3 năm qua, tuần nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, cứ sáng thứ Hai, cô giáo trẻ Xa Thị Trang dậy từ lúc gà còn chưa gáy để chuẩn bị hành trang vượt quãng đường đèo dốc hơn 70 km, từ thị trấn Mai Châu đến chi xóm Diềm của trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Tân Dân - ngôi trường nằm ở địa bàn xã Tân Thành, thuộc vùng sâu, xa và khó khăn nhất huyện Mai Châu…

Gìn giữ chiêng Mường như “vật báu hồn thiêng”

(HBĐT) - Dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh hiện có trên 40 lễ hội lớn thì trong đó có tới 90% lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Với người Mường Hòa Bình, chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc mà còn là "vật báu hồn thiêng”, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được gìn giữ trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục