(HBĐT) - Huyện Yên Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên gần 29.000 ha. Toàn huyện có hơn 1.200 hộ đã hợp tác, góp vốn, góp sức hình thành 40 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã (HTX), góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng như: bưởi Diễn Yên Thủy, hành tăm Phú Lai, khoai sọ Yên Trị, mật ong Lạc Lương, Lạc Sỹ, cao - trà cà gai leo, cao xạ đen, dầu vừng, dầu lạc... Năm 2022, huyện đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 4 HTX, gồm: HTX nông nghiệp xóm Thung, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lợi Phát, HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, HTX nông nghiệp Hòa Phát.
HTX nông nghiệp Phú Lai (Yên Thủy) liên kết với hộ dân phát triển vùng nguyên liệu hành tăm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hộ bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên HTX nông nghiệp Phú Lai thu hoạch củ hành tăm.
Cùng với đó, huyện đa dạng hình thức hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác (THT), đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, như phối hợp Tập đoàn Xuân Khiêm xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, VietGAP của các HTX tại trạm dừng nghỉ của tập đoàn tại Ninh Bình. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, HTX tham gia hội chợ, hội nghị quảng bá, giới thiệu sản phẩm do UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành và các doanh nghiệp tổ chức. Hỗ trợ 5 HTX xây dựng, chuẩn hóa 5 sản phẩm OCOP, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao, tổng kinh phí hỗ trợ 490 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện 410 triệu đồng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 80 triệu đồng. Về hỗ trợ xây dựng sản phẩm VietGAP, trong năm qua đã tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho HTX trồng mía xóm Thống Nhất - xã Lạc Lương, THT trồng bí xanh xã Đoàn Kết, với tổng kinh phí 190 triệu đồng.
Huyện chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngày 12/12/2022, UBND huyện Yên Thủy phối hợp Sở NN&PTNT, Công ty CP nông nghiệp RYB tổ chức lễ xuất khẩu chuyến bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Anh quốc, gồm 9.600 quả bưởi Diễn (khoảng 11 tấn) của HTX Đại Đồng. Kết quả ban đầu này là động lực để huyện có định hướng phát triển mạnh hơn nữa đối với ngành hàng bưởi, mở ra hướng đi cho các hộ nông dân, HTX có sản phẩm bưởi Diễn tiếp tục củng cố, mở rộng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh quản lý mã số vùng trồng, thực hiện đúng quy hoạch vùng trồng, giữ vững tiêu chuẩn chất lượng, phát triển bền vững. Tổng kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng.
Năm 2022, huyện Yên Thủy đề nghị Liên minh HTX tỉnh thẩm định, công nhận 2 HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh là HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy và HTX nông nghiệp Yên Trị; phối hợp Liên minh HTX tỉnh xây dựng, hỗ trợ HTX nông nghiệp Ngọc Lương tham gia đề án "Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương giai đoạn 2021 - 2025".
Đến nay, huyện Yên Thủy có 13 sản phẩm của các HTX đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm được công nhận 4 sao là: cao cà gai leo của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, dầu lạc an toàn của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ, bưởi Đại Đồng của HTX nông nghiệp Đại đồng; 10 sản phẩm 3 sao gồm: mật ong Lạc Lương của HTX Yên Tân, mật ong Lạc Sỹ của HTX nông nghiệp Lạc Sỹ, mật ong Đoàn Kết của HTX dịch vụ xây dựng nông nghiệp Đại Lợi, dầu vừng đen của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ, cao xạ đen Hòa Bình và cao dạ cẩm của HTX nông nghiệp Yên Trị, hành tăm muối của HTX nông nghiệp Phú Lai, bột khoai sọ Thịnh Phát của HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, trà mâm xôi tím - cà gai leo của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu.
Toàn huyện hiện có trên 12.800 ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định trên 42%. Với diện tích đồi rừng lớn, nhiều cây, hoa phong phú, đa dạng là nguồn thức ăn dồi dào cho việc nuôi ong lấy mật. HTX Yên Tân, HTX nông nghiệp Lạc Sỹ, HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Lợi đã phát triển nuôi ong với quy mô hàng trăm đàn, mỗi năm đưa ra thị trường hàng nghìn lít mật đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, HTX nông nghiệp Phú Lai liên kết với hộ dân phát triển vùng nguyên liệu hành tăm đảm bảo chất lượng với gần 6 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, chế biến sản phẩm hành tăm ủ muối cung cấp ra thị trường.
Anh Bùi Văn An, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lai cho biết: "Trước đây, người dân trồng hành tăm năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2022, chúng tôi quyết tâm thành lập HTX, điều này giúp các hộ yên tâm sản xuất, đảm bảo đầu ra, không lo bị ế, bị ép giá như trước. Khi thu hoạch HTX sẽ thu mua và làm hành muối, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ tham gia”. Ngoài ra, với gần 8 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất đã được dồn điền, đổi thửa cùng với hệ thống mương bai, hồ tưới tiêu thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung cây ngắn ngày như lạc, bí xanh. Đây cũng là tiềm năng thu hút doanh nghiệp đầu tư đồng hành cùng các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT).
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm lợi thế, huyện Yên Thủy đã có nhiều hoạt động khuyến khích, ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia hợp tác, liên kết với các tổ chức KTTT; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa tạo cánh đồng lớn cho sản xuất tập trung, cấp mã định danh vùng trồng, ưu tiên nguồn lực cho chế biến sản phẩm.
Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện Yên Thủy cho biết: Định hướng phát triển KTTT trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động quản trị và kế toán cho các HTX. Tiếp tục hỗ trợ các HTX về nguồn lực như vay vốn, tiếp cận đất đai xây dựng nhà xưởng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch điện tử, hội chợ, triển lãm, giúp các HTX mở rộng liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao hiệu quả của KTTT trong giai đoạn mới. Mục tiêu chung là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, năng lực thích ứng của tổ chức KTTT trong tình hình mới. Tăng cường vai trò nòng cốt của KTTT trong tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)
(HBĐT) - Không chỉ làm tốt chức trách của một người cán bộ, sống có trách nhiệm với nhân dân, anh Sùng A Chênh còn luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm là người đại biểu dân cử, đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với các cơ quan chức năng...
(HBĐT) - "Nhận thức sâu sắc yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND, tôi sẽ luôn bám sát nhiệm vụ, quyền hạn để làm tròn trách nhiệm là người đại diện của cử tri. Luôn gần gũi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đề đạt với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri theo trách nhiệm của người đại biểu HĐND...”, lời hứa đó trước cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn đang được đồng chí Sùng A Chênh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Mai Châu nghiêm túc thực hiện...
(HBĐT) - Để khắc phục khó khăn, nâng cao mức sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình đã triển khai hàng loạt nghị quyết, văn bản chỉ đạo tạo "đòn bẩy” giúp các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) phát triển bền vững. Đối với tỉnh, việc triển khai các văn bản chỉ đạo, chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng do ĐBDTTS&MN sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm rất thấp; đây là vùng "lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra hầu hết các loại hình thiên tai như: mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, trượt sạt, lở đất, lở đá gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, tính mạng, đời sống của Nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp ổn định cuộc sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vùng thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), màu xanh đã trở lại trên vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
(HBĐT) - Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao (74,43%), gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông cùng sinh sống. Toàn tỉnh 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trong đó, 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc các xã khu vực II và khu vực I. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện KT-XH và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(HBĐT) - Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, hộ dân tại các khu tái định cư (TĐC) đã sinh sống ổn định. Tuy nhiên, phần lớn hộ di dân vùng thiên tai chuyển về các khu TĐC chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đây là vấn đề đang được các cấp, ngành, địa phương đưa ra giải pháp tích cực, góp phần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân.