(HBĐT) - Nhìn khung cảnh khang trang, thơ mộng của xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), ít ai có thể tưởng tượng được 6 năm về trước, bà con bản Dao này thẫn thờ vì nguy cơ có thể trượt sạt hơn 30 nóc nhà xuống lòng hồ Hòa Bình.


Từ khi chuyển về nơi ở mới, người dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Bên cạnh đó, bà con vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến - đi - trở lại. Mỗi lần về Lau Bai lại là một hình ảnh mới đầy tích cực. Những đổi thay của một xóm "chạy” lũ ngày nào là minh chứng cho hành trình vượt lên nghịch cảnh đầy nghị lực, với khát vọng mạnh mẽ về an cư, lạc nghiệp tại nơi ở mới. Với núi non thơ mộng, kỳ vỹ, Lau Bai ẩn hiện bên cạnh vùng lòng hồ mênh mang, hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân thú vị trong hành trình khám phá "Vịnh Hạ Long trên cạn” của mảnh đất Hòa Bình.

Trong họa, có may…

Đợt mưa lũ lịch sử gây ra biết bao thiệt hại, đau thương vào tháng 10/2017 vẫn còn trong ký ức của người dân. Năm đó, Hòa Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Đà Bắc là điểm nóng về thiên tai, với nhiều hạ tầng bị hư hỏng, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp về nơi ở mới vì sạt lở đất. Chưa bao giờ thiên tai lại tàn phá dữ dội như vậy đối với đất nghèo vùng cao Đà Bắc.

Lau Bai, xã Vầy Nưa là một trong những xóm phải di dời khẩn cấp toàn bộ hộ dân vì nguy cơ trượt sạt toàn bộ hơn 30 nóc nhà của xóm xuống lòng hồ Hòa Bình. Những ngày chạy lũ vô cùng khẩn trương, lo lắng, hoang mang. Sau 6 năm về nơi ở mới, Lau Bai giờ đây khang trang hơn rất nhiều. Nói như Bí thư Chi bộ xóm Lý Quang Hoàng: "Trong cái họa có cái may. Có lẽ do "hợp đất” mà từ khi được Đảng, Nhà nước chuyển ra nơi ở mới, đời sống của bà con ngày càng phát triển”.

Chúng tôi hiểu, đó là câu nói hóm hỉnh của Bí thư tuổi 9X. Nhưng, điều đó đã cho thấy niềm vui lớn của người dân khi tai ương đi qua, điều còn lại đã và đang hiển hiện là một màu xanh no ấm tại nơi ở mới. Mấy năm trước, đường về Lau Bai vẫn còn hơn một cây số chưa được bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà tạm bợ. Nay thì trên 80% hộ dân trong xóm đã xây dựng được nhà xây kiên cố. Có những ngôi nhà to, rộng với chi phí xây dựng cả tỷ đồng. Bên cạnh đó, đường giao thông được cứng hóa, hạ tầng lưới điện đầu tư đồng bộ.

"Từ một xóm khó khăn bậc nhất của xã, hiện nay, Lau Bai lại là xóm thay đổi nhiều nhất, đời sống kinh tế thuộc tốp đầu của Vầy Nưa”, Chủ tịch UBND xã Xa Văn Si chia sẻ. Quả đúng như vậy, mặc dù về Lau Bai vào một ngày trời mưa phùn lất phất, thế nhưng, bản Dao nằm biệt lập với các khu dân cư trong xóm lại nhộn nhịp xe cộ qua lại. Theo Trưởng xóm Lau Bai – Lý Văn Thiện, hằng ngày đều có các tư thương mang hàng hóa đến mua bán, trao đổi với bà con. Thịt, cá, nhu yếu phẩm đều được mang tận xóm, điều mà trước đây bà con xóm Lau Bai mong ước khi còn định cư ở xóm cũ.

Dạo một vòng quanh xóm, chúng tôi ấn tượng với màu xanh hiển hiện ở khu tái định cư này. Đó là màu xanh cộng hưởng của núi, sông và những rừng keo phủ trên các sườn đồi. Cạnh những ngôi nhà xây kiên cố, một số hộ trồng thêm cây mít Thái, xoài nay đã lúc lỉu trái ngọt. Song, điều quan trọng nhất đối với người dân Lau Bai là thay đổi trong nếp nghĩ. Bí thư chi bộ Lý Quang Hoàng bộc bạch: Trước kia, người dân Lau Bai chỉ trồng ngô, sắn và trồng rừng. Ngô, sắn thì mỗi năm thu hoạch một lần, trồng rừng 5-7 năm mới thu hoạch. Còn nay, để có thu nhập thường xuyên, ổn định hơn, nhiều người chọn đi làm ở các khu công nghiệp. Một số thì lập tổ chuyên đi xây, phụ hồ ở trong xã. Đặc biệt, với vị trí nằm cạnh vùng lòng hồ rộng lớn, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch đang là hướng đi mà người dân hướng tới.

Điểm hẹn trên dòng Đà Giang

Không chỉ bây giờ người dân Lau Bai mới nghĩ đến nghề nuôi trồng thủy sản. Thực tế, trong xóm đã có một số hộ làm nghề này và một số khác cũng có được thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Từ trung tâm xóm theo con đường bê tông dẫn ra khu vực lòng hồ, chúng tôi được tham quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Lý Văn Thân. Ông Thân chính là chủ nhân của ngôi nhà to, đẹp, sơn màu nổi bật nhất ở Lau Bai. Chi phí xây dựng ngôi nhà hơn 1 tỷ đồng, trong đó một nửa số tiền đầu tư làm nhà là từ nghề nuôi cá lồng.

Theo ông Thân, gia đình bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2013. Kể từ khi chuyển nhà ra nơi ở hiện tại, việc nuôi cá càng thuận lợi hơn. Hiện, gia đình ông đang nuôi hơn 20 lồng cá. Vừa rồi, ông Thân còn đầu tư mua nhà nổi 400 triệu đồng để hướng đến phát triển làm dịch vụ, phục vụ du khách đến tham quan và nghỉ lại. "Nuôi cá lồng rất phù hợp vì gần lòng hồ, nước sạch. Tuy nhiên, hiện giá thức ăn còn cao, việc tiêu thụ cũng nhiều khó khăn. Nếu được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ thì không chỉ gia đình tôi mà nhiều họ trong xóm có thể đầu tư để phát triển nghề nuôi cá lồng”, ông Thân bày tỏ.

Ngoài gia đình ông Thân, ở Lau Bai đã có một số hộ đầu tư để có thể phát triển dịch vụ du lịch trong tương lai. Như gia đình anh Lý Văn Thanh đã đầu tư khu vực phục vụ ăn uống. Theo anh Thanh, bà con trong xóm chú trọng chăn nuôi các vật nuôi bản địa để phục vụ khách nếu đến tham quan, lưu trú. Đồng thời chỉnh trang lại cảnh quan, trồng cây xanh, trồng hoa hai bên đường từ xóm xuống lòng hồ.

"Bên ngoài đã thay đổi rất nhiều, nhưng cái bên trong thì bà con luôn giữ gìn và phát huy”, Bí thư Chi bộ Lý Quang Hoàng nhấn mạnh. "Cái bên trong” mà anh Hoàng chia sẻ, đó là những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán lâu đời của người Dao mà bà con ở Lau Bai hết sức gìn giữ. Như cách bố trí bàn thờ tổ tiên trong mỗi căn nhà, mặc trang phục truyền thống trong ngày trọng đại, tổ chức lễ cấp sắc, giữ nghề nhuộm vải và dệt thổ cẩm, hát páo dung. Đặc biệt, Chi bộ Lau Bai đã ra nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc mình. Vừa rồi, xóm còn mở lớp học truyền dạy chữ Dao cho con em.

Đến và cảm nhận sự tươi mới của xóm "chạy lũ” Lau Bai, điều đọng lại là ấn tượng về một bản Dao thơ mộng, tọa trên ngọn đồi hình yên ngựa, với núi, sông đan xen kỳ vỹ. Nếu được quan tâm, đầu tư, bản Dao sẽ không chỉ an cư, lạc nghiệp mà còn có thể trở thành bản du lịch đầy tiềm năng trong tương lai gần.


Viết Đào


Các tin khác


Tự hào hai tiếng Trường Sa

(HBĐT) - Hẳn là với mỗi người con đất Việt khi nói, nghe và đến Trường Sa đều chung cảm giác bồi hồi, xúc động và tự hào. Dù đã được đọc, xem và nghe nhiều về Trường Sa nhưng khi được đặt chân lên các đảo, điểm đảo, chạm tay vào cột mốc chủ quyền trên biển, được dự lễ chào cờ, tưởng niệm các liệt sỹ, tận mắt chứng kiến đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên các đảo thì niềm tự hào, xúc động đó nhân lên gấp bội!

Hành trình tháng 4 thăm mảnh đất Quảng Trị anh hùng

(HBĐT) - Trong những ngày cả nước có nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp thăm tỉnh Quảng Trị anh hùng. Từ vùng đất hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, mảnh đất của một thời ký ức đau thương đang vươn mình đứng dậy, màu xanh đã trở lại với sức sống mãnh liệt.

Sùng A Chênh - Người đại biểu của nhân dân: Bài 2 - Làm tròn trách nhiệm là người đại diện của cử tri

(HBĐT) - Không chỉ làm tốt chức trách của một người cán bộ, sống có trách nhiệm với nhân dân, anh Sùng A Chênh còn luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm là người đại biểu dân cử, đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với các cơ quan chức năng...

Sùng A Chênh - Người đại biểu của nhân dân: Bài 1 - "Ngọn đuốc” thắp sáng nơi vùng cao Mai Châu

(HBĐT) - "Nhận thức sâu sắc yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND, tôi sẽ luôn bám sát nhiệm vụ, quyền hạn để làm tròn trách nhiệm là người đại diện của cử tri. Luôn gần gũi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đề đạt với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri theo trách nhiệm của người đại biểu HĐND...”, lời hứa đó trước cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn đang được đồng chí Sùng A Chênh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Mai Châu nghiêm túc thực hiện...  

Nghị quyết soi đường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình: Bài 3 - "Đòn bẩy” giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững

(HBĐT) - Để khắc phục khó khăn, nâng cao mức sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình đã triển khai hàng loạt nghị quyết, văn bản chỉ đạo tạo "đòn bẩy” giúp các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) phát triển bền vững. Đối với tỉnh, việc triển khai các văn bản chỉ đạo, chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng do ĐBDTTS&MN sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm rất thấp; đây là vùng "lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết soi đường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình: Bài 2 - Đến vùng di dân sạt lở do thiên tai

(HBĐT) - Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra hầu hết các loại hình thiên tai như: mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, trượt sạt, lở đất, lở đá gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, tính mạng, đời sống của Nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp ổn định cuộc sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vùng thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), màu xanh đã trở lại trên vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục