>> Bài 2 - Cam quà tặng cao cấp 3T Farm - hành trình 3 tốt
>> Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống
Đến vùng Nam Lương Sơn hỏi thăm, có lẽ ít người không biết cơ sở chế biến cao xạ đen và cao cà gai leo Tuyết Nhi tại thôn Đồng Bon, xã Cao Dương. Đây không chỉ là cơ sở đầu tiên tại huyện Lương Sơn nấu cao lá từ 2 loại thảo dược quý là xạ đen và cà gai leo mà còn bởi chủ nhân của cơ sở này - chị Nguyễn Ánh Tuyết vốn xuất thân là người chuyên thu mua dược liệu. Bằng việc tạo dựng cơ sở chế biến, chị Tuyết là người chấm dứt tình trạng ép giá của tư thương, đưa dược liệu tươi trở về đúng giá và ổn định đầu ra cho người dân vùng trồng. Hiện chị là chủ sở hữu của 2 sản phẩm OCOP 4 sao là cao xạ đen và cao cà gai leo Tuyết Nhi.
Cao xạ đen và cao cà gai leo Tuyết Nhi là 2 trong 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hoà Bình năm 2022. Chiếc cúp vinh danh dành cho 2 sản phẩm được chị Tuyết đặt trang trọng tại quầy trưng bày giới thiệu sản phẩm. Trong hơn 30 m2 gian trưng bày còn có khá nhiều cúp và giải thưởng danh giá khác dành cho bộ đôi sản phẩm mà chị coi như những đứa con tinh thần của mình. Chị Tuyết chia sẻ, cũng như đặc tính ngàn đời của nghề nấu cao là chiết xuất những gì tinh túy nhất từ lá dược liệu quý, tạo ra sản phẩm mang lại sức khoẻ cho con người, mọi tâm huyết của chị đều kết tinh trong 2 sản phẩm đầu tay này. Bởi, khi quyết định nấu cao dược liệu, chị bắt đầu từ hai bàn tay trắng và "trả không ít học phí” để có được sản phẩm như hiện nay.
Đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP 4 sao, sản phẩm cao xạ đen và cao cà gai của HTX Tuyết Nhi, xã Cao Dương, Lương Sơn được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Chị kể, vùng Nam Lương Sơn, trong đó có xã Cao Dương vốn được xem là cái nôi của nghề thuốc nam. Những chân núi đá vôi hiểm trở, cằn cỗi là môi trường lý tưởng cho nhiều loại thảo dược quý sinh trưởng và phát triển, nhất là cây xạ đen. Có tên trong bài thuốc dân gian điều trị ung thư nên có một thời xạ đen là cây làm giàu của nhiều người dân ở Cao Dương, giá bán tại nhà có thời điểm lên đến 40 - 50 nghìn đồng/kg lá khô. Từ trong các chân núi đá vôi, người dân đưa xạ đen về trồng đại trà trên đất vườn, đất ruộng với tổng diện tích toàn xã hơn 100 ha. Vì lẽ đó nên khi trưởng thành, chị cũng theo nghiệp trồng và thu mua lá xạ đen bán cho tư thương. "Cuộc sống cứ đều đều như thế đến khi mình và nhiều người trồng dược liệu bị tư thương ép giá chỉ còn 4 - 5 nghìn đồng/kg lá xạ đen khô. Nguyên nhân là cung đã vượt cầu trong khi người trồng dược liệu chỉ có sản phẩm lá phơi khô và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái” - chị Tuyết cho hay.
Trăn trở tìm đầu ra ổn định cho cây xạ đen và mong muốn vực dậy giá trị của xạ đen bằng cách giữ lại hoàn toàn dược tính của lá xạ đen tươi, không qua phơi sấy, chị Tuyết mày mò nấu cao xạ đen từ lá tươi. Bắt tay vào khởi nghiệp, chị mua một bộ nồi gang lớn trị giá 20 triệu đồng, đắp lò đun củi để bắt đầu những mẻ cao đầu tiên. Xác định lấy công làm lãi, lại ở trong vựa xạ đen hơn 100 ha nên chị lựa chọn xạ đen tươi đúng thời điểm dược lý tốt nhất để làm nguyên liệu nấu cao. "Vì nấu bếp củi nên không căn được thời gian, cứ đun đến khi từ lá chảy ra thành cao dạng sệt là phải liên tục khuấy đều tay. Vì vậy, vào ngày nấu cao là phải trải chiếu ăn, ngủ tại bếp” - chị Tuyết cho biết. Hơn 2 năm vất vả nấu cao theo cách thủ công nhưng cũng là 2 năm cho chị nhiều kinh nghiệm. Chú trọng nguyên liệu đầu vào tươi, dược tính cao, giữ chuẩn mùi thơm đặc trưng, vì vậy, ra mẻ cao nào hết mẻ đấy và được thị trường đón nhận.
Trả rất nhiều học phí "đắng như cao khét” về khâu thành phẩm nhưng chị Tuyết chưa một ngày nản chí. Vừa sinh con gái thứ 2, cuộc sống rất nhiều khó khăn chị vẫn quyết định đăng ký học lớp đông y tại trường Trung cấp Y Tuệ Tĩnh để hiểu sâu hơn về nghề thuốc nam, quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ đưa cao dược liệu trở thành sản phẩm sản xuất đại trà, tiếp cận thuận lợi đến mọi đối tượng người dùng. Sau khi theo học, có kiến thức, mở rộng cơ hội, chị quyết định đưa sản phẩm tham gia hội thảo khảo sát bài thuốc và cây thuốc tại Yên Bái, Sơn La, Hà Nội và Hòa Bình thuộc dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Liên minh châu Âu EU tổ chức.
Tại hội thảo, sản phẩm của chị được đánh giá cao, từ đó chị có thêm động lực đầu tư mua máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm một cách bài bản. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, chị Tuyết đưa ra thị trường cao xạ đen đóng lọ dạng sệt, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm. Từ sản phẩm đầu tiên, chị tiếp tục nghiên cứu và đưa ra sản phẩm cao cà gai leo cũng bằng hình thức nấu cao từ nguyên liệu tươi. Mở rộng sản xuất, đưa được sản phẩm bài bản ra thị trường nhưng với chị, vui hơn cả là đã một phần bao tiêu được sản phẩm lá xạ đen tươi cho bà con với giá ổn định 5 nghìn đồng/kg tươi, tương đương 20 nghìn đồng/kg khô. Năm 2019, chị Tuyết cùng 7 hộ trồng xạ đen thành lập HTX Tuyết Nhi để sản xuất cao xạ đen và cao cà gai leo. Hiện, HTX ký kết vùng nguyên liệu với 7 hộ trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương.
Quy trình sản xuất cao xạ đen và cao cà gai tại HTX Tuyết Nhi.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX Tuyết Nhi xây dựng được quầy giới thiệu sản phẩm và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và được tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu với người con gái nhiều nhiệt huyết. Ngoài 2 sản phẩm cao xạ đen và cao cà gai leo, chị đang tiếp tục nghiên cứu thêm cao gắm và cao thìa canh.
Theo chị Tuyết chia sẻ, hành trình xây dựng 2 sản phẩm OCOP 4 sao có thuận lợi, có khó khăn và thất bại nhưng chị chưa một ngày nản chí. Bởi mong ước lớn nhất là với sản phẩm này sẽ góp phần ổn định đầu ra, nâng cao giá trị dược liệu cho người dân quê hương - miền quê chị luôn tự hào với nghề thuốc nam được trao truyền từ đời này qua đời khác.
(Còn nữa)
Đinh Hoà