Không chỉ vào dịp đầu năm hay ngày lễ, Tết, mà hàng ngày, Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn là điểm đến tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu của du khách trong và ngoài tỉnh. Ước tính mỗi năm có trên 60.000 lượt du khách đến tham quan. Đến đây, ngoài việc được thăm các tổ máy, lên đỉnh đập ngắm lòng hồ, du khách còn được lên thắp hương, vãn cảnh trên Tượng đài Bác Hồ, khu Đài tưởng niệm, bảo tàng, nơi đặt bức thư của những người lao động trên công trình thế kỷ "Gửi thế hệ mai sau”… Du khách không khỏi xúc động bởi những câu chuyện, hình ảnh của những người làm thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện tầm cỡ của Việt Nam trong thế kỷ XX…


Du khách tham quan, tìm hiểu gian hầm đặt các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Bùi Minh

Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ do Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng từ năm 1979. Nhưng trước đó, từ năm 1971, các chuyên gia địa chất Liên Xô và Việt Nam đã liên tục khoan thăm dò để chọn vị trí xây dựng đập thủy điện dọc tuyến sông Đà hung dữ… Trên công trình thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô (thời điểm đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á), cao điểm có đến 4 vạn công nhân và 2,5 nghìn lượt chuyên gia Liên Xô (cũ) làm việc. Những năm tháng đó thật nhiều khó khăn, thách thức cùng những vất vả, nguy hiểm bởi cuộc "trị thủy”, "trị sơn”, nhưng nhiệt huyết của những người làm thủy điện đã thôi thúc bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân, biến dòng sông thành nguồn điện sáng. Khí thế sục sôi "3 ca, 4 kíp” trắng đêm "Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Những khẩu hiệu lao động hồi đó giờ trở thành huyền thoại như "Cao độ 81 hay là chết”, thể hiện tinh thần khẩn trương, hăng say vượt khó của toàn công trường. 

Ký ức của người dân thành phố Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung làm sao quên những thời khắc lịch sử: sáng 6/11/1979, sau tiếng mìn nổ rung đồi Ông Tượng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ném viên đá xuống lòng sông Đà, là hiệu lệnh khởi công xây dựng thủy điện Hòa Bình. Rồi đợt ngăn sông Đà đợt 1 (1986), ngăn sông Đà đợt 2 (1988) sôi động, hối hả… Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ trên công trường. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công đã đào hơn 20 nghìn m3, đắp gần 27 nghìn m3 đất đá, lắp đặt gần 47.000 tấn thiết bị và kết cấu kim loại. 

Vì dòng diện của Tổ quốc, có 168 cán bộ, công nhân và chuyên gia của Liên Xô đã ngã xuống. Họ trở thành biểu tượng đẹp của sự hy sinh, cống hiến và tình hữu nghị Việt - Xô vĩ đại.

Những nỗ lực tột cùng đó đã được đền đáp. Ngày 30/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy thứ 8 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy chính thức hoàn thành, đạt tổng công suất lắp đặt 1.920MW. Ngày 20/12/1994, Nhà máy thủy điện       Hòa Bình được khánh thành đã trở thành ngày hội chung của cả đất nước; đánh dấu kết quả 15 năm lao động miệt mài, quên mình vì dòng điện Tổ quốc của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và chuyên gia trên công trình vĩ đại của thế kỷ XX.

Qua hàng chục năm đi vào vận hành, có thể khẳng định công trình thủy điện Hòa Bình đã đáp ứng tốt là công trình đa chức năng: điều tiết lũ và tưới tiêu nước cho đồng bằng Bắc Bộ, phát điện, phục vụ giao thông đường thủy, làm động lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, thủy điện Hòa Bình đã chế ngự được hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây; điển hình là trận lũ lịch sử tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Qua những thời khắc cam go đó, chúng ta vẫn giữ vững an toàn công trình và vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ. 

Kể từ khi xây dựng xong, với 8 tổ máy có tổng công suất lắp đặt 1.920MW, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã góp phần cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện ở nước ta trong một thời gian dài.
Từ thời điểm 20h20 ngày 30/12/1988 (khi tổ máy số 1 hòa vào lưới điện quốc gia) đến ngày 9/11/2024, Công ty thủy điện Hòa Bình đã sản xuất 280 tỷ kWh, đánh dấu chặng đường 36 năm quản lý vận hành và khai thác hiệu quả công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu của đất nước.

Để tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đầu năm 2021, Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được khởi công, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 480MW, khi hoàn thành sẽ nâng công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên 2.400MW. Đây là tín hiệu mừng, nâng công năng, tầm vóc của thủy điện Hòa Bình trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước hôm nay.

Góp phần làm nên kỳ tích xây dựng công trình thủy điện   Hòa Bình có sự đóng góp đặc biệt to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đồng bào các dân tộc tỉnh ta ở các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Mai Châu, Tân Lạc, thành phố Hòa Bình đã bỏ lại làng bản, nhà cửa, mồ mả cha ông, ruộng đồng, công trình… chuyển đến nơi ở mới để phục vụ cho việc vận hành của nhà máy. Hơn 4.000 hộ dân đã tham gia cuộc chuyển dân lịch sử vào những năm tháng hình thành nhà máy thủy điện và hình thành vùng hồ Hòa Bình. Đó là những hy sinh thầm lặng, vô giá, không được phép lãng quên…
(Còn nữa)


V.T (TH)


Các tin khác


Khám phá đảo Trần - “Trường Sa” của vùng Đông Bắc

Nằm ở phần Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Trần chỉ cách hải phận Trung Quốc chừng 4 - 5 km nên được ví như "con mắt” trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Để đến thăm đảo, thời gian phù hợp vào tháng 3 - 5 hàng năm, khi thời tiết miền Bắc ấm dần, biển khá êm đềm, ít sóng lớn.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 5 - Xứ Mường và khát vọng vươn mình

Theo các chuyên gia kinh tế, Hòa Bình có vị trí thuận lợi là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc. Đây là cầu nối, bệ đỡ cho sự phát triển cả vùng Tây Bắc, bởi nơi đây có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và khát vọng vươn mình mạnh mẽ.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 4 - Địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh

Không phải tự nhiên mà ngay sau khi quay trở lại xâm lược nước ta năm 1946, thực dân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình và lập phòng tuyến sông Đà, bởi Hòa Bình chính là địa bàn có vị trí chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 3 - Đồng hành với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước

Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình đã sắt son một lòng, đoàn kết, gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước...

Tỉnh Hoà Bình - nơi hội tụ những nét văn hoá, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 12 - Chiêng Mường - Di sản văn hóa còn mãi cùng thời gian

Cồng chiêng có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống của người Mường Hòa Bình. Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ, là âm nhạc mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường. Từ bao đời nay, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường Hòa Bình. Cồng chiêng như nguồn mạch văn hóa nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 2 - Vùng đất của sử thi và huyền thoại

Vùng đất, con người Hòa Bình đã gắn liền với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói riêng. Vùng đất này còn được ví là miền đất của sử thi, huyền thoại với các trường ca "Đẻ đất, đẻ nước”, "Nàng Nga hai mối”, "Út Lót Hồ Liêu”, "Vườn hoa núi Cối”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục