Nằm ở phần Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Trần chỉ cách hải phận Trung Quốc chừng 4 - 5 km nên được ví như "con mắt” trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Để đến thăm đảo, thời gian phù hợp vào tháng 3 - 5 hàng năm, khi thời tiết miền Bắc ấm dần, biển khá êm đềm, ít sóng lớn.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình chụp ảnh cùng cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo bên cột cờ Tổ quốc, "nóc nhà" đảo Trần, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Vững vàng đảo tiền tiêu
Từ bến Cô Tô, chiếc xuồng cao tốc đưa chúng tôi đến với đảo Trần sau hành trình hơn 1 giờ vượt sóng biển. Hòn đảo nhỏ, yên bình là nơi cán bộ, chiến sỹ (CB,CS) lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới. Ngoài CB,CS lực lượng vũ trang, nhân viên đèn biển, trên đảo có một số hộ dân sinh sống. Phần lớn các hộ làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó, bám đảo.
Khẳng định vị trí quan trọng của đảo Trần đối với an ninh chính trị, quốc phòng và kinh tế, có câu ví đầy tự hào về nơi này: "Cả nước có Trường Sa, Quân khu 3 có đảo Trần”. Anh Vũ Tiến Công, Chính trị viên một đơn vị quân đội chia sẻ: Trên đảo có 2 mùa, mùa nào cũng khắc nghiệt. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau với "đặc sản" là gió mùa đông bắc, sương mù nhiều và giá rét. Đó là mùa những người lính đi tuần tra trên biển thường gặp gió tạt, cảm giác như bị kim châm. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, thường hứng chịu những trận mưa bão, giông lốc, sóng to biển động… CB,CS giữ đảo xa nhà biền biệt, mỗi lần về phép phải chờ lúc sóng yên biển lặng mới đi xuồng được vào bờ. Nhiều lúc gia đình có việc trọng mà không thể về…
Đến đảo Trần với chúng tôi là dịp hiếm hoi, cơ hội khám phá cột cờ, đền thờ Bác Hồ và ngọn hải đăng nơi phên dậu Tổ quốc. Vượt hơn 1,5 km đi bộ ngược núi, sau khi thắp hương tại đền thờ Bác Hồ, đoàn chụp ảnh lưu niệm bên 1 trong 7 cột cờ được xây dựng tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ điểm cao này, chúng tôi phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh biển đảo, cảm nhận sự thiêng liêng, xúc động và đầy tự hào.
Thiếu tá Lê Đức Thiệu, Trưởng Trạm ra đa cho biết: Do tính chất đặc thù nên 100% lực lượng của trạm là cán bộ, người gắn bó với đảo nhiều nhất là hơn 10 năm, người có năm công tác ít nhất từ 4 - 5 năm. Ở khu vực biển giáp Trung Quốc, mật độ tàu thuyền 2 nước đi lại nhiều, nhất là tàu chấp pháp của nước bạn nên việc quản lý nắm chắc các mục tiêu trên biển, đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh hải là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Chia sẻ về cuộc sống của quân và dân trên đảo, Thiếu tá Lê Đức Thiệu cho biết, cuộc sống hiện giờ cải thiện hơn, mừng nhất là đã có điện lưới quốc gia và chủ động được nguồn nước ngọt. Trên đảo, CB,CS duy trì tăng gia sản xuất. Từ khi ra đảo, các hộ dân yên tâm bám biển, sinh sống trong những ngôi nhà vững chãi, khang trang được Nhà nước cấp. Việc học của con em thuận lợi vì có trường liên cấp. Trên đảo tiền tiêu, quân và dân luôn đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm đến du lịch biển đảo mới lạ
Nằm biệt lập trên vùng biển Đông Bắc, điều kiện sinh hoạt hay di chuyển ra đảo Trần không được thuận lợi như các hòn đảo lớn khác. Đổi lại, vị trí của đảo mang đến không gian rất đỗi yên bình, thoáng đạt cho những ai muốn trốn tránh sự ồn ào.
Vẻ đẹp quyến rũ của đảo được tạo bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ. Với một bên là núi, một bên là biển, đảo Trần tựa như hòn ngọc thô tỏa sáng giữa vùng biển trời Đông Bắc đang chờ đợi du khách đến chiêm ngắm, khám phá. Đảo cũng sở hữu những bãi cát khá đẹp và mịn màng. Nếu nghỉ đêm trên đảo, du khách có thể dậy sớm đón bình minh tại phía Đông vào buổi sáng và ngắm ánh hoàng hôn buông xuống tại phía Tây hòn đảo. Khách du lịch cũng có thể thử trải nghiệm một ngày của ngư dân trên đảo bằng việc theo họ tham gia hoạt động đánh bắt cá. Ngoài ra, việc cùng bạn bè khám phá những khu rừng rậm rạp trên đảo cũng là trải nghiệm hấp dẫn. Đa phần các khu rừng có từ lâu đời và được bộ đội bảo vệ, giữ gìn qua nhiều năm nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ.
Thăm đảo Trần, chùa Trúc Lâm đảo Trần là điểm đến không thể bỏ qua. Ngôi chùa được xây trong khuôn viên rộng 2,72 ha với nhiều hạng mục độc đáo, lối kiến trúc cổ thời Trần. Công trình chiếm giữ vị thế đặc biệt, không những đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển nơi xa xôi với đất liền, mà còn là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền, khẳng định và phát huy "sức mạnh mềm” trấn ải nơi cửa biển vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Tổ quốc nói chung.
Theo đồng chí Lê Ngọc Hân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, những năm gần đây, du lịch biển đảo có cơ hội phát triển và đảo Trần là một trong địa điểm du lịch mới lạ. Trong thời gian tới, huyện đảo Cô Tô sẽ nghiên cứu, tiến tới khai thác tour tuyến du lịch đảo Trần với hành trình điểm đến đặc biệt hấp dẫn cho những ai ưa thích khám phá, chiêm ngắm khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ.
Bùi Minh
Vùng đất, con người Hòa Bình đã gắn liền với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói riêng. Vùng đất này còn được ví là miền đất của sử thi, huyền thoại với các trường ca "Đẻ đất, đẻ nước”, "Nàng Nga hai mối”, "Út Lót Hồ Liêu”, "Vườn hoa núi Cối”...
Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc và Việt Bắc; là cửa ngõ thông sang Thượng Lào, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Chỉ riêng những yếu tố đó đã biến Hòa Bình trở thành vùng đất địa chiến lược, một vùng đất đặc biệt...
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Câu ca ấy bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ, con dân đất Việt trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài đều hướng về đền Hùng (Phú Thọ), một lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới có ngày Quốc giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương, được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm. Ngoài ý nghĩa tâm linh, ngày lễ còn phản ánh bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc ta. "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”, câu ca dao quen thuộc ấy đã in sâu vào tâm trí của mỗi người dân. Để rồi cứ đến ngày Giỗ Tổ, người dân Việt Nam ở khắp mọi miền, dù trong nước hay ở nước ngoài đều một lòng hướng về nguồn cội, để tưởng nhớ, thành kính, biết ơn Tổ tiên, ông bà và những người đã hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn giá trị văn hóa trường tồn.
Mỗi dịp tháng Ba âm lịch, con dân đất Việt từ muôn phương lại tìm về vùng đất linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Trong dòng người ấy, chúng tôi - những người con của quê hương Hòa Bình, mang trong mình niềm tự hào và lòng thành kính sâu sắc đã hành hương về Đất Tổ, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc, mà còn phải đi đôi với loại bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển đời sống văn hóa mới, góp phần tạo dựng những giá trị bền vững cho cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình.