Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều dự án vào tỉnh, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ảnh: Công ty TNHH GAP đầu tư tại Khu công nghiệp Lương Sơn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội
Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhờ đó, năm 2024 đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các đột phá chiến lược tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh xấp xỉ 9%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 81 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 7.400 tỷ đồng, bằng 183,6% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 128,8% Nghị quyết HĐND tỉnh; các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm thực hiện, có 496 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 8.100 tỷ đồng... Đặc biệt trong quý I/2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 12,76% (đứng thứ 2 cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.350 tỷ đồng, bằng 42% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư trong nước. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hàng nghìn hộ; thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục ổn định, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng - an ninh bảo đảm.
Có được những kết quả trên là do Hòa Bình đã hiện thực hóa khát vọng vươn mình; khai thác hiệu quả những tiềm năng khác biệt, tận dụng triệt để các cơ hội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng của tỉnh. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ Tây Bắc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường, với các di sản văn hoá nổi tiếng như mo Mường, sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”... Nơi đây có Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một trong những công trình thế kỷ, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung.
Đặc biệt, tỉnh đã, đang lưu giữ được một số lượng lớn di sản văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, với 786 di sản văn hóa phi vật thể là tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, cùng trên 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình” được khôi phục, bảo tồn, phát huy, góp phần gìn giữ giá trị bản sắc truyền thống... Đây chính là nét đặc sắc, đặc trưng riêng có để Hòa Bình phát triển.
Hiện thực hóa khát vọng vươn mình
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ, đến năm 2025 kinh tế đạt mức trung bình của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Với quyết tâm, sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về phát triển hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, nhiều công trình giao thông trọng điểm được tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) kết nối quốc lộ 6... Những dự án giao thông này được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh Hòa Bình với tỉnh Sơn La, Thủ đô Hà Nội, tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, các tuyến đường, trục giao thông kết nối nội tỉnh cũng được chú trọng đầu tư đồng bộ. Trong đó, tuyến quốc lộ 6 là một trong những dự án quan trọng không chỉ kết nối Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội mà còn mở ra cơ hội giao thương với các tỉnh Tây Bắc. Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc đến huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối hai tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ "nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đà Bắc nói riêng, tạo đà phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên toàn tỉnh nói chung.
Việc đầu tư, phát triển các tuyến giao thông cũng góp phần tạo nên các vùng kinh tế mới. Các dự án đầu tư xuất hiện nhiều hơn, tạo ra mạng lưới kinh tế sôi động và đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích quy hoạch 3.904,18ha; 14 cụm công nghiệp được UBND tỉnh thành lập với diện tích 632,64ha. Đến nay, 10 cụm công nghiệp đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn, Đà Bắc và TP Hòa Bình, thu hút hàng chục dự án đầu tư với số vốn đầu tư được đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông kết nối chính là động lực quan trọng để tỉnh có bước phát triển, bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Không chỉ tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài cũng được Hòa Bình chú trọng. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoại giao kinh tế, đưa kinh tế đối ngoại trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư vào khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, khu, cụm công nghiệp và vùng động lực của tỉnh. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng chất xám, trí tuệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh; tiếp tục thực hiện định hướng thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo AI. Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ... Đây chính là "đòn bẩy” cho sự chuyển mình, giúp tỉnh Hòa Bình sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ trong những năm tới.
Mạnh Hùng