Quân và dân tỉnh Hòa Bình với truyền thống đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm đã trở thành điểm tựa cho toàn dân. Ảnh: Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn BB814, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hành bắn đạn thật.
Địa bàn đặc biệt quan trọng
Theo đánh giá của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Mặc dù là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nhưng Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; là một trong những an toàn khu của cách mạng Việt Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa Bình đã là hậu cứ của chiến trường Chiến khu 2, Liên khu 3, là hành lang giao thông chiến lược giữa Liên khu 3, Liên khu 4 với Việt Bắc, Tây Bắc.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, khi quay trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình và lập phòng tuyến sông Đà, nhằm nối lại "Hành lang Đông - Tây”, thực hiện khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, hòng thực hiện âm mưu lập lại "Xứ Mường tự trị”, "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hòa Bình với tinh thần yêu nước nồng nàn; truyền thống đoàn kết, ý chí tự chủ, tự cường đã phối hợp bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, luôn bám đất, bám dân, phá tề, trừ gian, đập tan mọi âm mưu lập lại "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp. Chủ động hiệp đồng chiến đấu, cung cấp sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch, giải phóng tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất năm 1949 và lần thứ 2 năm 1951 - 1952, tạo tiền đề quan trọng để cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Ngày nay, trên mảnh đất Hòa Bình còn ghi dấu những chiến tích của Chiến dịch Hòa Bình cùng tên tuổi các anh hùng liệt sỹ như Triệu Phúc Lịch, Cù Chính Lan... Nhiều tên đất, tên làng ở Hoà Bình đã đi vào lịch sử; những tấm gương anh dũng hy sinh của quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã trở thành những tấm gương sáng ngời, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chiến đấu anh dũng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Bình cũng trở thành hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.
Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Khu vực địa chiến lược quốc phòng và an ninh quan trọng
Hoà Bình nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng; nhiều tuyến giao thông thủy, bộ thuận lợi, trở thành cửa ngõ, cầu nối quan trọng kết nối với nhiều vùng, khu vực của đất nước. Đây cũng là nơi có công trình thế kỷ - Nhà máy thủy điện Hòa Bình và nhiều công trình kinh tế, quốc phòng, an ninh quan trọng của quốc gia. Theo Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, với vị trí quan trọng đó, Hòa Bình luôn được xác định là khu vực, địa bàn có vị thế chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Điều này cũng được Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đồng tình và nhấn mạnh: Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, Hòa Bình luôn được xác định là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước. Đây được coi là căn cứ hậu cần, kỹ thuật và xây dựng lực lượng của ta. Bởi đây là địa bàn có lòng dân, có thế đứng, thế đánh, thế giữ vững chắc. Người dân một lòng tin tưởng đi theo Đảng, theo cách mạng. Từ Hòa Bình có thể phát triển về vùng đồng bằng và Thủ đô Hà Nội. Từ đồng bằng và Thủ đô Hà Nội có thể phát triển lên Tây Bắc để củng cố, phát triển lực lượng. Chính vì thế, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên ta đã phải dùng đến 3 sư đoàn trong Chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952). Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Mình muốn giải phóng Điện Biên Phủ, xây dựng, củng cố lực lượng cho chiến dịch thì phải đánh bằng được và phải giữ bằng được Hòa Bình.
Trong thời kỳ đế quốc Mỹ dùng khôngquân leo thang đánh phá miền Bắc, Hòa Bình là một trong những trọng điểm đánh phá ở phía Tây Bắc của không quân Mỹ. Vì đây cũng là địa bàn phòng không bảo vệ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi lên thăm Hòa Bình từng nhấn mạnh: "Hòa Bình là chỗ dựa, điểm tựa vững chắc cho Thủ đô Hà Nội. Đây là hậu phương vững chắc cho Thủ đô. Bởi ở đây có thế trận chiến tranh nhân dân, thế phòng thủ, xây dựng lực lượng và phát triển kinh tế...”.
Không chỉ có vai trò, vị thế là vùng đất địa chiến lược về quốc phòng, Hòa Bình còn là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia. Trong đó, Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một trong những điểm nhấn quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng Thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Với ý nghĩa đó, ngày 20/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg về việc đưa Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, như một sự khẳng định chắc chắn và nhất quán về vai trò, ý nghĩa, tầm vóc của công trình này.
Theo Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, trong xây dựng phòng thủ đất nước giai đoạn hiện nay, Hòa Bình vẫn được xác định là địa bàn có vị trí địa chiến lược, có điều kiện giao thông thuận lợi trong bảo đảm tác chiến phòng thủ. Hơn nữa, từ thời kỳ phong kiến đến nay, Hòa Bình vẫn là địa bàn giữ vị trí quan trọng bậc nhất đảm bảo cho luyện quân, nuôi quân và dùng quân; là địa bàn có thế trận lòng dân vững chắc, có thế đánh và thế giữ...
(Còn nữa)
Mạnh Hùng