Ông Đinh Văn Liệu, xóm Tráng, xã Bình Thanh (Cao Phong) bên lá đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng.

Ông Đinh Văn Liệu, xóm Tráng, xã Bình Thanh (Cao Phong) bên lá đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng.

(HBĐT)- Xuất khẩu lao động là một chủ trương đúng đắn, được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm. Hiệu quả của công tác này đã được khẳng định bằng việc nhiều người sau khi đi lao động có thời hạn ở nước ngoài về đã thoát nghèo, có vốn để đầu tư phát triển sản xuất vươn lên làm giàu. Tuy nhiên vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” đẩy người dân vào hoàn cảnh éo le, làm ảnh hưởng đến uy tín của những đơn vị làm ăn chân chính.

 

Những “con sâu làm rầu nồi canh”

 

Tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Công ty CP Prôsimex và CP XNK 3-2 Hòa Bình đã đẩy hơn 100 người dân nghèo thành con nợ khó đòi của Ngân hàng CS-XH tỉnh. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, Công ty Prôsimex đã nhận 611.200.000 đồng tiền môi giới XKLĐ của 40 người, trong đó Đà Bắc 22 người, Cao Phong 17 người, Tân Lạc 1 người. Nhưng đến nay, đã gần 3 năm mà vẫn chưa có giấy gọi “bay”, trong khi đó thời hạn trả nợ ngân hàng đã hết. Tất cả đều là những hộ nghèo. Trong đó ở Đà Bắc người vay được nhận tiền rồi chuyển cho công ty, còn ở Cao Phong, ngân hàng chuyển trực tiếp qua tài khoản.

 

Từ trung tâm xã Giáp Đắt, vượt qua 7 km đường núi và qua suối, chúng tôi mới đến được nhà anh Hà Văn Thao ở xóm Bao. Căn nhà nằm nép mình bên dòng suối. Nếu không có sự giới thiệu trước của anh trai Hà Văn Chiến thì chúng tôi cứ ngỡ đó là một túp lều. Vì quá nghèo nên anh quyết tâm đi XKLĐ để mong đổi đời. Sau thời gian đi học tiếng, khám sức khỏe, được Công ty Prôsimex thông báo trúng tuyển, gia đình đã liên hoan chia tay, nhưng kể từ cuối năm 2008 đến nay không thấy bóng dáng bất cứ cán bộ nào của công ty. Cách xã Giáp Đắt hàng trăm km, gia đình anh Bùi Văn Nguyên, chị Bùi Thị Hà và hơn 10 hộ khác ở xã Thu Phong, Xuân Phong (Cao Phong) cũng đã nộp cho Công ty Prôsimex, mỗi hộ 20 triệu đồng nhưng hiện nay vẫn ở nhà trả lãi ngân hàng và chờ đợi...

 

Công ty CP XNK 3-2 Hòa Bình cũng đã đẩy ông Đinh Văn Liệu, xóm Tráng và Triệu Văn Nam, xóm Cáp ở xã Bình Thanh (Cao Phong) thành con nợ của ngân hàng. ông Liệu cho biết: Ngày 16/12/2008, tôi đến chi nhánh Ngân hàng CS-XH Cao Phong vay 30 triệu đồng và chuyển cho công ty để con gái là Đinh Thị Hà đi XKLĐ. Họ hứa sau 2 tháng sẽ được “bay” sang Nga. Đợi mãi đến tháng 6/2009, họ lại bảo phải nộp thêm 20 triệu đồng nữa mới được đi không thì thôi. Đúng là đánh đố người dân nghèo vì ngân hàng chỉ cho hộ nghèo vay tối đa 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, tôi đã mấy lần đến tận Công ty và nhà ông phó giám đốc tìm hỏi nhưng không gặp được. Đến nhà ông Triệu Văn Nam đúng lúc ông vừa đi rừng về. Nói là nhà chứ thực ra đi ở nhờ người họ hàng mà cũng chỉ là mấy viên gạch xếp lên và che bằng lá. ông bày  tỏ: Mong cơ quan chức năng tích cực vào cuộc sớm lấy lại tiền để chúng tôi trả nợ ngân hàng.

 

Để XKLĐ đem lại cơ hội làm giàu cho nhiều người

 

ông Phạm Thanh Trưởng, Phó phòng LĐ-TB&XH Cao Phong cho biết: Năm 2007, toàn huyện có 71 người đi lao động ở Malaysia đến năm 2008 phải phá hợp đồng về nước trước thời hạn. Họ đều đã gửi đơn đến Ban chỉ đạo XKLĐ huyện để tìm hướng giải quyết, trong đơn ghi rõ: Điều kiện làm việc và mức lương không theo như hợp đồng tuyển dụng, không thể duy trì được cuộc sống lâu dài. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo XKLĐ huyện đã nhiều lần có đơn kiến nghị gửi đến doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động, Sở LĐ-TB&XH để tìm hướng giải quyết. Ngày 8/4/2010, UBND huyện đã gửi đơn đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh đã có công văn gửi Công ty Prôssimex yêu cầu phối hợp với 3 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc để giải quyết tồn đọng. Tuy nhiên, đã gần hết năm, món nợ ngân hàng của các hộ đã quá hạn mà công ty vẫn bặt vô âm tín. Công ty XNK 3- 2 Hòa Bình cũng làm ngơ trước tình cảnh éo le của người dân. Năm 2007, cả huyện có trên 600 người đăng ký đi XKLĐ, nhưng hai năm gần đây đã giảm đột ngột, năm 2009 chỉ có 6 người và 2010 có 13 người. ông Vũ Đình Đoài, GĐ Ngân hàng CS-XH tỉnh cho biết: Năm 2010, theo kế hoạch, ngân hàng cho vay tín dụng XKLĐ trên 15 tỉ đồng, nhưng đến nay chỉ đạt hơn 7 tỉ đồng. Ngân hàng đã phải đề nghị T.ư cho chuyển trên 8 tỉ còn lại sang cho vay SX-KD ở vùng khó khăn.

 

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết: Những hiện tượng nêu trên đều có thật. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Lao động ngoài nước để giải quyết tồn động cho người dân. Đến hết tháng 9/2010, cả tỉnh mới có 275 người đi lao động ở Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Arập Xêút. Trước đó, hàng năm có từ 1.000 - 1.500 người. Trên thực tế, các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Arập Xêút... vẫn có hiệu quả, hàng năm, người lao động vẫn gửi qua ngân hàng nhiều tỉ đồng về nước. Người lao động tỉnh ta ít tiếp cận được các thị trường cao cấp hơn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Trình độ tay nghề, ngoại ngữ và mức tiền đặt cọc cao là nguyên nhân chính của vấn đề này. Để XKLĐ thực sự đem lại cơ hội làm giàu, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào việc đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, siết chặt quản lý các công ty môi giới XKLĐ; chỉ cấp phép 6 tháng/lần, nếu không báo cáo việc thực hiện về Sở thì không cấp giấy phép hoạt động nữa; chỉ cho thử nghiệm tuyển dụng trên địa bàn từ 1 - 2 huyện nếu tốt mới giới thiệu đến huyện khác. Những công ty làm ăn chân chính vẫn trang bị cho người lao động của họ những kiến thức cơ bản để tự vệ, nhận thức về những khả năng rủi ro có thể phải đối mặt khi ở xứ người. Từ tháng 5/2010 đến nay, Sở LĐ-TB&XH chỉ cấp phép hoạt động cho 7 Công ty là: CP TSM nhân lực, Bách nghệ toàn cầu, TNHH một thành viên sản xuất - thương mại và XKLĐ trực thuộc liên minh HTX Việt Nam, Dịch vụ nhân lực toàn cầu, Chi nhánh Công ty CP XKLĐ và Thương mại Bảo Việt, Vạn Xuân Vinaxan, Cung ứng lao động và dịch vụ lâm nghiệp. Người dân cần xem kỹ tên những công ty này trước khi đăng ký đi XKLĐ.

                                                                                                Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục