Người phụ nữ vùng cao say sưa chọn dép để đi chơi Tết (ảnh: chợ Ênh, xã Tân Minh)

Người phụ nữ vùng cao say sưa chọn dép để đi chơi Tết (ảnh: chợ Ênh, xã Tân Minh)

(HBĐT) - Xuân đã về trên vùng cao Đà Bắc, nhưng dường như mùa đông vẫn ẩn nấp đâu đó trên những cánh đào phai ướt sẫm sương đêm. Khác hẳn với nỗi bâng khuâng của thời tiết lúc giao mùa, phiên chợ vùng cao đã ngập tràn không khí Tết. Khi trời còn tối khiến con gà lười chưa kịp cất tiếng gáy, đồng bào nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên.

 

Từ nhà đến chợ Hạt (xã Yên Hoà) không bao xa nhưng chị Thuỷ (xã Trung Thành) đã dậy từ bốn giờ sáng, chuẩn bị đồ đạc và háo hức lên đường. Hoà vào bóng đêm, sương núi và những cơn gió buốt thấu xương, chị nhai trầu như để át đi cái rét căm căm của thời tiết. Đoạn, hào hứng khoe: “Đi chợ Tết vui nên phải đi sớm không lại hết ngày, tiếc lắm!”.

 

Ở Đà Bắc, chợ phiên những ngày giáp Tết đông vui, nhộn nhịp và có thời gian dài hơn hẳn những phiên chợ thường. Với đồng bào các xã vùng cao như Trung Thành, Yên Hoà, Suối Nánh, Đồng Ruộng…, chợ Tết đã thực sự trở thành ngày hội. Ngay từ khi trời còn tối người dân nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên. Chợ vùng cao thường họp rất sớm. Phiên chợ giáp Tết càng họp sớm hơn. Mờ đất, tối trời đã có người đến chợ, đó cũng là thời điểm chợ bắt đầu vào phiên.

 

Chợ Hạt là một trong những phiên chợ vén sông hiếm hoi còn lại ở vùng cao Đà Bắc. Đúng như tên gọi, phiên chợ họp ở mép sông, hoạt động mua bán đều diễn ra trên thuyền nên nước hồ dâng lên đến đâu, người tham gia phiên chợ lại “vén” theo nước lên đến đó. Mỗi tháng hai lần vào ngày 11 và 21, thương lái dưới xuôi chất hàng lên thuyền ngược sông Đà lên phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các xã vùng lòng hồ. Dịp giáp Tết như thế này, hàng hoá lại càng phong phú, từ cây kim, sợi chỉ, tấm chăn đến loa đài, tivi, thậm chí cả xe máy, xe đạp. Mê mẩn ngắm nhìn bộ ấm chén bằng gốm màu nâu nhạt, chị Thuỷ quyết định mua vì thấy rất hợp với chái nhà sàn truyền thống của gia đình mình.

 

Du xuân trong bầu không khí đón Tết an lành của núi rừng Đà Bắc khoáng đạt, chúng tôi lại thêm một may mắn khi đến được phiên chợ Ênh (xã Tân Minh). Chỉ một lần thôi cũng đủ để khám phá bao điều với bao ngạc nhiên và thú vị. Là chợ trung tâm cụm xã nên phiên họp nào, chợ Ênh cũng nườm nượp kẻ mua, người bán. Bình thường chỉ đến giữa trưa là tan chợ nhưng trong những ngày giáp Tết, chợ họp đến tận chiều. Từ trên cao nhìn xuống, chợ Ênh nằm gọn trong tầm mắt, nổi bật giữa bồng bềnh sương lam bởi sắc màu rực rỡ của váy áo bà con dân tộc. Chợ vùng cao, đông vui đấy nhưng chan chứa tình người, mua bán đấy nhưng vẫn rất mực chân thành và thẳng thắn. Không nói thách, ưng cái bụng thì bán, không ưng thì có trả giá cao cũng lắc đầu! Nét đặc trưng ở những phiên chợ này là các loại sản vật do người dân bản địa mang đến chợ. Nhỏ thì bó lá dong, củ gừng, củ lạc, mớ rau xanh hái vội trên rừng… Lớn thì có con gà, con lợn… Đến chợ, mỗi người vừa là người mua, vừa là người bán, vừa là người đi du xuân, trẩy hội mua sắm cuối năm. Tuy là phiên chợ vùng cao nhưng hàng hoá đa dạng, chẳng thiếu thứ gì, không khí tấp nập làm náo nhiệt cả một góc rừng hoặc rộn ràng cả một quãng sông.     

 

Xưa kia và bây giờ vẫn thế, người vùng cao không có tiền mặt vẫn háo hức đến chợ. Bởi với họ, đi chợ như đi vui xuân. Người lớn vui vì được gặp bạn bè, được lần lượt thay nhau hút một điếu thuốc lào, được ngồi uống với nhau một chén rượu xuông trong gian hàng tuềnh toàng dựng tạm. Thế đã là quý! Nhưng có lẽ vui nhất là đám trẻ nhỏ. Với chúng, đi chợ Tết nghĩa là diện quần áo mới, được thoải mái ngắm nhìn những món đồ chơi chúng vẫn hằng ao ước sở hữu và nếu được xì xụp húp bát phở gà nóng hổi, lạ lẫm, hôm đó sẽ trở thành kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào mà chúng sẽ mang theo suốt những năm tháng sau này. 

 

Xuân đã về trên những đỉnh núi cao lộng gió. Cùng với sắc xuân tươi sáng của đất trời, những phiên chợ Tết đang góp phần làm bừng lên sức sống mới cho vùng cao Đà Bắc hôm nay.

 

 

                                                                                        Thu Trang

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục