Cán bộ kế toán phòng GD&ĐT TPHB giải thích các khoản thu cho hiệu trưởng và cán bộ kế toán các trường trên địa bàn.

Cán bộ kế toán phòng GD&ĐT TPHB giải thích các khoản thu cho hiệu trưởng và cán bộ kế toán các trường trên địa bàn.

(HBĐT) - Mặc dù đã có công văn hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT nhưng không ít trường vẫn thực hiện thu đầu năm học trái quy định hoặc chưa hợp lý.

           

Bán cả đàn gà mới đủ tiền đóng học

           

Gia đình anh Nguyễn Văn T. ở  xã Dân Chủ (TPHB) có 2 con đang tuổi tới tường. Đứa lớn học lớp 12, đứa bé năm nay vào lớp 3. Không có nghề nghiệp ổn định, 2 vợ chồng chạy vạy may mắn mới đủ ăn hàng ngày nên các khoản đóng góp đầu năm học cho 2 con thực sự khó khăn. Anh T. chia sẻ: Trong buổi họp phụ huynh cuối tháng 8 cho đứa con lớn, cô giáo thông báo nộp các khoản hết xấp xỉ 2,2 triệu đồng, còn đứa bé 1,5 triệu đồng. Chuẩn bị tinh thần đóng học cho con từ khi cháu nghỉ hè nhưng cố lắm cũng chỉ đủ cho đứa lớn, còn đứa em phải bán hết cả đàn gà hơn 10 con mới tạm đủ. Đó là chưa kể quần áo đồng phục cũ phải dùng lại và xin sách giáo khoa cũ của các anh, chị khóa trước. Vở mua cho con ở hiệu sách, cô giáo bảo để làm vở nháp và phải đóng tiền mua vở có in lô gô của nhà trường. Đây thực sự là nỗi trăn trở của những gia đình nghèo muốn cho con ăn học đầy đủ.

 

Chị Lê Thị N. ở phường Chăm Mát (TPHB) chỉ có 1 đứa con năm nay vào lớp 5 nhưng cũng khá chật vật, lo lắng các khoản tiền đóng góp cho con đầu năm học mới. Đồng lương viên chức chẳng nhiều nhặn gì nên khi đi họp phụ huynh nghe thấy thông báo tất cả mười mấy khoản đóng cũng lo. Tính tất cả các khoản số tiền cũng lên tới 1,5 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản đầu năm học khác phải chi tiêu như SGK, vở, cặp sách, đồng phục…, gia đình phải chuẩn bị trên 3 triệu đồng. Các khoản đóng góp này tuy không phải lớn đối với gia đình khá nhưng vẫn là khó khăn đối với các gia đình mức sống trung bình. Tiếng là tự nguyện nhưng gần như nhà trường đã “áp” sẵn và ai cũng đóng góp, chẳng nhẽ mình không tham gia.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù nhận thấy có không ít khoản thu “tự nguyện” do nhà trường đặt ra cao, không phù hợp với các quy định hiện hành nhưng nhiều phụ huynh vẫn không dám mạnh dạn lên tiếng. Một số khác lại “tự nguyện” đóng góp vì có tâm lý nghi ngại nếu không nộp thì con mình sẽ bị “để ý”.

      

     

Trả lại tờ trình thu của 38/53 trường

           

Cán bộ kế toán của phòng GD&ĐT TPHB vừa trả lại tờ trình thu các khoản thỏa thuận của 38/53 trường học trên địa bàn. Lý do là các trường vẫn thu một số khoản như bảo vệ, lao công trái với Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT và Công văn số 1531 của Sở GD&ĐT. Theo 2 văn bản hướng dẫn này, năm học 2013-2014 sẽ không thu 2 khoản trên nữa. Một số trường lại đưa mục chi sửa chữa nhỏ vào khoản thu thỏa thuận cũng là sai quy định. Có trường lại chưa lập dự  toán chi tiết nội dung  từng mục chi. Đối với quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, mỗi trường thu một mức khác nhau, có trường ngay ở trung tâm TPHB chỉ thu 100.000 đồng nhưng ở trường vùng ven lại đề xuất thu 500.000 đồng. Phòng GD&ĐT đã trả lại tờ trình và yêu cầu các trường không được áp mức thu bình quân mà do tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Đặc biệt, không được lập dự toán chi vào lễ, tết, hội họp, chúc mừng khai giảng các đơn vị bạn… Đồng thời, ghi rõ quỹ này chỉ dùng để chi cho học sinh. Phòng đã yêu cầu các trường giảm mức thu một số khoản như: tiền điện, nước, quỹ cha mẹ học sinh. Đơn cử như trường TH Đồng Tiến, phòng yêu cầu giảm tiền điện, nước từ 37.203.900 đồng xuống 28.203.900 đồng; quỹ cha mẹ học sinh từ 129.960.000 đồng giảm xuống thấp hơn. Trường TH Hữu Nghị tiền điện nước từ 72.399.000 đồng giảm xuống 68 triệu đồng; quỹ cha mẹ học sinh từ 283.212.000 đồng cũng yêu cầu phải giảm xuống… Điều đáng nói là đến sáng ngày 26/8, phòng mới trả tờ trình thu cho 8 trường nhưng không ít trường đã tổ chức thu ngay từ ngày họp phụ huynh trước đó. Lại có những trường thực hiện “đồng phục” luôn cả vở viết có lô gô nhà trường trong khi một số phụ huynh chưa nắm rõ lại đi mua ở hiệu sách, gây lãng phí. Cũng theo quy định của Sở GD&ĐT, đối với các khoản thu như: quỹ đoàn, đội, các loại tiền bảo hiểm..., nhà trường không thu hộ mà phải do các tổ chức thu. Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn đứng ra thu các khoản này mà không  có giải thích gì thêm.

         

  

Chấn chỉnh các khoản thu

           

Để chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học, phòng GD&ĐT TPHB đã thành lập Ban xét duyệt và nghiên cứu kỹ tờ trình thu của các trường. Sau khi được duyệt, các trường mới tiến hành thu các khoản thỏa thuận. Nếu trường nào đã thu khoản thỏa thuận mà phòng yêu cầu giảm mức đóng phải trả lại cho học sinh”. – Bà Đỗ Thị Hệ, Phó phòng GD&ĐT cho biết. Đối với huyện Lạc Sơn, phòng GD&ĐT huyện cũng đã triển khai công văn hướng dẫn tới các trường. Đồng thời, thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh, nhân dân về các vấn đề dạy, học, thu, chi đầu năm học.

           

Đồng chí Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2012-2013, qua thanh tra, Sở đã phát hiện một số trường tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định với mức thu cao, việc lập dự toán thu - chi chưa đúng nguyên tắc, dự toán chi chưa đúng với nguồn thu. Vẫn có các khoản thu chưa thoả thuận với cha mẹ học sinh nhưng đã tiến hành thu và thu ngay vào đầu năm học gây bức xúc cho học sinh và gia đình. Việc huy động kinh phí của Ban đại diện cha mẹ không đúng với quy định. Để khắc phục những vấn đề này trong năm học 2013-2014, Sở đã công khai văn bản hướng dẫn trên website ngành và chỉ đạo các trường nghiên cứu, thực hiện nghiêm. Các phòng GD&ĐT thẩm định, duyệt tờ trình các trường một cách nghiêm túc. Song để tránh tình trạng lạm thu trong trường học, ngoài các biện pháp của cơ quan quản lý cần sự vào cuộc của phụ huynh học sinh. Hội phụ huynh mỗi lớp phải phát huy được vai trò của mình. Các khoản đóng góp cần phải được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự bàn bạc kỹ càng từ các hội viên. Nếu có mức đóng góp nào quá cao, bất hợp lý, trái với quy định cần mạnh dạn có ý kiến để thay đổi cho phù hợp, tránh thái độ im lặng, thỏa hiệp. Sở cũng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất nếu có đơn kiến nghị về vấn đề thu chi.

 

                                                                                                   

 

                                                                                 Cẩm Lệ

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục