(HBĐT) - Mỗi bận tháng chạp ghé thăm tôi lại nhớ tới vườn rau của mẹ. Nỗi nhớ bắt đầu từ những cơn gió bấc tràn về, ngồi trên căn gác trọ, tôi mường tượng mình đang ngồi trên ô tô, xe cứ băng qua cánh đồng làng rồi len vào đường cái, bóng của những chiếc nón trắng nhấp nhô trên một nền xanh ngăn ngắt. Mẹ đang cặm cụi bên những vuờn rau tháng chạp. Tim tôi đập thình thịch, hét thật to, gọi mẹ, mẹ đứng dậy nở một nụ cười hiền hậu.

Tháng chạp, ngoài chuẩn bị cho những vuông ruộng để cấy lúa thì mẹ còn bận rộn với vườn rau bên hông nhà. Vườn nhà chẳng có gì khác ngoài rau của mẹ với đủ đầy các loại. Trước kia, mẹ trồng chỉ để lấy nguồn thực phẩm rau sạch cho cả nhà ăn dịp Tết nhưng lâu dần, làng xóm hỏi thăm, muốn mua rồi tiếng thơm đồn xa, các lái buôn nhỏ lẻ cũng tìm về ngỏ ý lấy buôn. Mẹ bàn với bố, cơi nới thêm mấy khoảnh đất thẹo sát ao, bồi đất cao thêm để trồng rau. ấy thế là, ngoài vụ lúa đông - xuân, cuối chạp, mẹ còn có thêm một vụ rau Tết nữa.

Vụ rau tháng chạp bắt đầu từ đầu tháng mười. Mẹ cuốc đất, làm luống, ủ phân với vôi bột rắc đều cả khu vườn, sau cùng là rải rơm rạ lên phía trên giữ độ ẩm cũng như cho phân hoai mục. Đám đất cơi nới thêm, cứ tưởng rằng là cằn cỗi, cây chẳng sống được, vậy mà kỳ diệu thay qua bàn tay mẹ đất hóa thành màu mỡ, tơi xốp, chưa gieo hạt giống, nhìn bằng mắt thường thôi là cũng có thể tưởng tượng ra được viễn cảnh một vườn rau tươi tốt rồi.

Mỗi vuông đất, mẹ chia thành những vuông nho nhỏ, be bé tùy theo cây giống định trồng. Ví như nếu trồng cải bắp mẹ sẽ làm vuông đất theo hình chữ nhật, sao cho mỗi vuông đất ấy trồng được hai hàng cây. Còn hành, mùi hay cải cúc mẹ lại chia ra theo cách khác, có thể là chia vuông thành hình chữ nhật hoặc hình vuông. Những loại thân leo như bầu, bí, mướp, mẹ tận dụng ngay cái hàng rào để chúng tự leo lên.

Thích nhất là mỗi sáng mai được cùng mẹ ra vườn chăm sóc rau. Mẹ ví von rằng, người quê chẳng cần tập thể dục chạy nhảy nọ kia, mà làm vườn mỗi sáng cũng là một cách rèn luyện thể lực. Cái cách tập thể dục như mẹ nói, mệt như mà vui lắm. Bên mảnh vườn tôi học được cách mẹ vun vén, kiên nhẫn, vạch từng chiếc lá bắt sâu hay tách từng cây con chen chúc một chụm ra khỏi nơi thông thoáng hơn. Cũng thu về mình kha khá bí quyết làm vườn, nếu nhỡ có… thất nghiệp thì về quê cũng có việc làm để sống.

Mẹ bảo mọi thứ đều có linh hồn, nghĩa là dù chỉ là cây rau bé nhỏ, nó cũng có linh hồn của chúng. Rau cũng biết vui, biết buồn và tôi luôn tin điều mẹ nói. Tôi quan sát tỉ mẩn từng cánh lá, từng đọt chồi, tập yêu thương hơn những loài cây bé bỏng. Tôi thích ngồi cạnh thật lâu bên vuông rau mùi già, vuông rau mà mẹ để dành lấy hạt làm giống cho vụ sau và làm "nguyên liệu” để tạo nên nồi nước thơm lừng cho các con tắm vào chiều ba mươi Tết. Cả vườn rau của mẹ cứ như là một khu vườn cổ tích, đầy hương thơm, sắc màu. Nói như những cô bạn thích "sống ảo” thì đấy là một nơi tuyệt vời, chỉ muốn ở lại thật lâu mà không muốn rời xa.

Vườn mẹ tháng chạp nhắc là nhớ, nghĩ là thương, không để đâu cho hết. Cuộc đời tôi không mong muốn cao sang, giàu có, quyền lực chỉ mong cả gia đình có sức khỏe, nhất là mẹ. Bởi mẹ còn yêu vườn, yêu cây lắm, nếu không có sức khỏe mẹ sẽ buồn và cây cũng héo úa theo sau. Quê hương đã trao tặng tôi một niềm hạnh phúc, mẹ đã trao tặng tôi một tuổi thơ tuyệt diệu để tôi lớn lên với những mơ mộng vẩn vơ và chưa bao giờ dừng kiếm tìm những điều tốt đẹp trong đời.

C.V.Q (Bưu điện trung tâm 3, 47, Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

                                 Tản văn của Cao Văn Quyền

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục