(HBĐT) - Người phương Đông thường ngại cắt nghĩa về thời gian. Không hẳn vì kiêng hèm sự mai một mà bởi thẳm sâu trong tâm thức, không ai muốn khuấy động dòng chảy miên man đó: Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/Một mình lạt thuở ba đông/Lâm tuyền ai rặng già làm khách/Tài đống lương cao ắt cả dùng. (Tùng - Nguyễn Trãi)

Cũng bởi thế mà vẻ đẹp diệu kỳ của mỗi mùa chỉ được cảm bằng những ấn tượng của thanh sắc. Chúng như một quy ước ngầm về sự chu du của thiên địa trong cuộc tiêu dao bất tận của lòng người. Sắc đào phai lại đến kỳ sen nở, hương sen nhạt lại gặp dịp cúc trổ hoa…

Mùa nào thức ấy, cảnh nào tình ấy, luôn có những tín hiệu riêng để dự báo và mời gọi. Tâm cứ việc tĩnh tại và thưởng ngoạn, đâu phải câu thúc vì điều gì.

Đã hơn trăm năm, kể từ khi người Pháp và nền văn minh phương Tây đem đến một bảng giá trị thời gian trên 24 mốc giờ khô cứng. Từ ấy mới hình thành những nhanh - chậm, sắp tới - vừa qua, lỡ hẹn - ngóng chờ… theo những con số. Mùa màng cũng được định danh bằng khoảng đoạn xác thực.

Trong sự định lượng lý tính ấy có lẽ chỉ có thu là vượt thoát ra ngoài mọi ước lượng của con người.

ở miền nhiệt đới á Đông này, nếu nhận một lời hẹn của người tình: "Gặp nhau khi đất trời vừa sang thu” thì quả thật chẳng khác nào đi tìm "bóng chim, tăm cá”.

Bảo khi lá rơi rụng ư? ấy là đã sang thu già một bước chân rồi.

Khi thấy cúc hoa đượm sắc ư? ấy là lúc hồn thu đã ngưng đọng trong khí tiết thanh cao của một loài hoa. Và nếu có người nghe được lại hiến một kế rằng: Khi heo may thả sức tiêu dao dưới bầu trời quang đãng thì khi ấy vạn vật đã ngậm đầy khí thu rồi mới phải. Thuở nhỏ, có năm vào cuối hạ, tôi thường hay trèo lên một đỉnh đồi cao để ngắm những dấu ấn đầu tiên của mùa thu. Dưới vòm trời xanh và đứng cao hơn vạn vật, chợt thấy lòng mình bâng khuâng lạ. Đâu phải chỉ vì cái nhịp sinh sôi của ngày hạ trong lòng cỏ, cây đã ngưng lại để định hình dáng dấp trước kỳ tàn tạ mà bởi trước cảnh thu lòng người không khỏi xao động.

Có mùa thu hối hả bước trên hè phố cho kịp thời gian tôi chợt nghe dưới gót giày mình vọng lên những âm thanh thật lạ. Như có một nội âm đang vang lên trong tâm hồn mà hôm qua dường như không có. Nhìn lên hè phố đã lác đác những chiếc lá vàng rơi rụng. Dưới gốc me già, gánh hàng cốm của bà cụ xóm ngoại ô đã thay chỗ mấy chị gánh hoa sen vài bữa trước. Thì ra là thu đấy.

Nơi bốn phía nhà cao che khuất nền trời thì tự trong lòng mình vân ngân lên một thanh âm kỳ lạ như một tiếng chuông lạnh và trong trẻo. Có lẽ cũng bởi thế mà mùa thu như đứng ngoài vòng quay của chiếc đồng hồ định tính khô khan như một nét đứt gãy, mờ ảo của mũi tên thời gian tuyến tính để làm một cõi riêng. Một mùa thu nọ, tôi đi tiễn một người bạn sắp đi đến một vùng đất xa. Trên thềm nhà lá vàng chưa rụng bởi vẫn ánh những tia nắng chiều đậm sắc. Nhớ lại những lần về quê anh chơi, chúng tôi rong ruổi trên xe máy trên con đường nhỏ kẻ giữa hai bờ lúa vàng dưới nắng thu ánh sắc mật ong rừng. Tưởng như,trải rộng đến vô cùng. Gió đồng quê vi vút thân quen mà như thổi lại từ một miền xa lắm. Trăm năm hay ngàn năm ngọn gió quê mùa ấy hẳn sẽ còn thơm lành mãi để thổi căng lồng ngực những bông lúa vàng chắc mẩy. Căn nhà gỗ của anh trong chiều ấy cũng đậm sắc vàng từ mái ngói ngói phủ đầy lá rụng đến những luống cúc đẹp bình yên và thuần hậu.

- Cuộc đời mình cũng chớm thu rồi!

Câu nói ấy của anh có một ám ảnh thật lạ. Anh nói "chớm thu” mà đọng trong mắt anh những tia nắng muộn màng như thể chiều này chúng tôi đã không kịp về căn nhà gỗ xưa đón một mùa thu như dự định.

Có thể, ống kính hữu thần của nhiếp ảnh gia nào đó sẽ chớp lại được ánh mắt ấy, ánh mắt đã nhuốm biết bao sắc thu suốt nửa đời người phiêu bạt. Còn chiều hôm ấy, tiễn tôi trước cổng căn nhà khang trang mặt phố anh bảo:

- Thú thực đời tôi chưa bao giờ thoả được một ước mơ thật nhỏ bé. ấy là nhặt được chiếc lá thu đầu tiên vừa rơi xuống bậc thềm và lật xem ở phía bên kia thuỳ lá sẽ giấu một điều gì bí ẩn.

Bữa ấy, tôi thấy lạ và đôi chút buồn cười. Thế mà đêm về nằm nghe mưa thả giọt dưới mái hiên mà chợt nghĩ: Có lẽ mùa thu đã náu sẵn trong hồn ta để bữa nào ta đón thu cũng muộn. Thu là một mùa kỳ lạ nhất. Mùa của phôi pha: cũng đúng. Mùa của những suy cảm và tri ân những gì đã thổi hồn cho bước chân ta: cũng không thừa. Nhưng thôi, hãy cứ hết mình với mùa thu đã. Cho dù, bây giờ đã cuối thu.


Tản văn của Bùi Việt Phương


 


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục