(HBĐT) - Đến thăm gia đình người bạn học cũ. Ngày nghỉ, bạn và đám con cháu đang ngồi chơi cùng người mẹ già dưới vòm lá xanh mát trong vườn. Khung cảnh thật thanh bình. Nghe cả tiếng chim lích chích sau những tán lá. Chào, bà không còn nhận ra là ai nữa, dù sức vóc chưa đến nỗi, chỉ tội phải chống gậy… Một thời dọc ngang các phiên chợ quê buôn bán, làm ăn, gây dựng gia đình, giờ già, bé nhỏ, lặng lẽ bâng quơ nhìn mây, nhìn trời cùng đám con cháu túm tụm trong vườn. Người bạn đỡ lời: May quá bạn à, mới bị lẫn nhẹ thôi. Như nhầm đứa con nọ ra đứa con kia, còn mọi sinh hoạt bà vẫn chủ động bình thường. Nói là quên vậy nhưng bà nhớ bao chuyện ngày xưa, mới tinh như ngày hôm qua. Người bạn nói rổn rảng, nhưng trong mắt như có nước… Có những câu chuyện bà "dẫn” đi dẫn lại bao lần, khiến đám con cháu cũng thuộc lòng luôn…

Nào lần đi chợ ngoài phía Hà Tây (cũ), vai gánh hàng, trời nắng nóng, cùng 2 bạn hàng ghé nghỉ bên gốc cây bên đường. Sát đó là ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ. Ngày đó, chuyện đi bộ 10-15 cây số trong ngày là bình thường vì lấy đâu xe cộ, phương tiện đi lại. Đói, nắng và khát, 3 người ngồi như lả đi dưới tán lá mong manh. Có tiếng chân người, rồi tiếng nói: "Ôi, sao các bác lại ngồi đây, vào nhà cháu mà ngồi, uống nước cho mát” - tiếng người vợ đon đả, thân thiện. Người chồng cũng chạy ra tiếp lời vợ. Cầm 3 bát nước chè, cùng đĩa khoai lang luộc, 3 bà ngại, nhưng họ nhiệt tình quá, đành chấp thuận. Khi biết chuyện các bà thường xuyên đi chợ phiên qua đây, anh chồng có lời: Nhà cháu gần đường, lúc nào tiện các bác ghé qua uống nước. Không phải ngại đâu ạ… Chỉ lần ghé qua mà thành thân quen, 2 vợ chồng kia đã nhiều lần vào thăm gia đình vào những dịp lễ, Tết như người trong gia đình… Ừ, 1 ngày nên nghĩa.

Đi chợ xa, mới đầu cũng ngại vì "lạ nước, lạ cái”, vì mình từ miền núi xuống, nhưng bạn chợ ở đó tử tế quá. Họ nhường chỗ ngồi không bị nắng, không bị khuất lấp… Nhiều người còn bảo tối nếu không tìm được chỗ trọ đến nhà cho nghỉ tạm. Cái lần bà bị cảm lạnh sau buổi dậy thật sớm đi chợ (cũng có thể lả đi do chưa ăn gì), may có cô ngồi bên phát hiện sớm, giúp cạo gió, kèm bát cháo hành nên hồi nhanh. Lần đó nghỉ mất nửa tháng, nên mấy bà bạn chợ từ dưới xuôi vào tận xóm thăm hỏi chu đáo…

Tóm lại là bà toàn chỉ kể ân nghĩa cuộc đời dành cho mình thôi. Tên ai, tính nết thế nào cứ như cuộn phim quay lại thời còn trẻ, thời tay xách nách mang, mồm nói, chân đi. Chẳng thấy có câu chuyện nào về những tệ bạc của người đời (dù bà từng nếm trải), cũng như công lao của một người phụ nữ gây dựng cơ nghiệp cho con, cháu. Đấy, đàn bò, đàn trâu cũng từ mấy phiên tích cóp đi chợ của bà đấy thôi. Ngày thằng lớn được đi học đại học, nhà khó quá, định ngãng ra vì thương bố mẹ, bà chẳng quát ầm lên và bắt anh phải phục tùng nhập trường đúng ngày. May nhờ mấy thửa ruộng mẹ cha, cùng sự tảo tần hôm sớm của bà, anh cũng qua 4 năm đại học và ra trường. Cuộc sống cũng mở ra nhiều triển vọng trước mắt.

Bà cũng chẳng kể chuyện có đến nhiều năm không biết đến chuyện ăn sáng lót lòng trước khi đi làm, đi chợ. Dù tay bà chuẩn bị những củ khoai, củ sắn cho chồng con. Chỉ sau này, khi các con đã lớn, đã trưởng thành, bà mới có thói quen ăn sáng. Bàn tay bà đã dẫn dắt cả 4 đứa con đến trường ngày đầu tiên đi học và cũng tận tay nện những cây roi lên đôi tay và mông nếu các con bỏ học, trốn học. Dù sau đó, y như rằng, bà sẽ ra ngoài vườn, khóc một mình. Ngày đó, ông còn lo bận trực chiến cùng tiểu đội dân quân trên đồi đầu làng…

Thế mà sau bao năm ngược xuôi, chèo chống cho gia đình, bà giờ bé nhỏ, khiêm nhường ngồi dưới gốc cây già. Bỗng đâu đó vẳng lên câu thơ của một thi sỹ: Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió… Niềm vui sống của bà là đem lại cho các con, cháu cuộc sống an bình cùng những tiếng cười trong trẻo của đám cháu bên vườn. Miền ký ức xanh thẳm của bà luôn được con cháu trân trọng, lưu giữ.

Bùi Văn


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục