(HBĐT) -Nghe tin chị Thoan sắp đi lấy chồng, mấy chị em chúng tôi thấy vui lắm. Lại được chén cỗ rồi. Bong bóng lợn sẽ được thổi thành quả bóng cho đám trẻ đá ở đầu ngõ. Mà lấy ai chứ lấy anh Huỳnh thì còn gì bằng. Cùng làng, cùng xóm với nhau nên quá biết rồi. Nhưng chuyện yêu đương của anh Huỳnh và chị Thoan quả là bất ngờ. Họ yêu nhau kín thế. Chỉ đến lúc bảo anh sắp nhập ngũ thì cả 2 bên mới biết chuyện.

Mà dạo này xóm núi này cũng sôi động lắm. Bộ đội về tập luyện cứ gọi là rầm rập, toán nọ, toán kia. Rồi tiếng súng bắn tập cứ đì đùng vọng từ núi khiến đám trẻ chúng tôi càng nôn nao, háo hức. Nghe nói đang cần quân bổ sung cho các chiến trường miền Nam. Nên chuyện anh Huỳnh và các nam thanh niên lên đường là chuyện bình thường. Mà chị Thoan chấp nhận anh cũng là điều quá đúng. Ngồi bên hầm công sự của các chú bộ đội, đám trẻ chúng tôi nhận định thế. Đã thế, anh còn là con bà giáo làng tên Leng nên bố mẹ tôi càng ưng. Tất cả đám trẻ con ở làng theo học lớp vỡ lòng đều là học trò bà Leng. Bà có búi tóc to và dày nhất xóm, mỗi lần bà thả tóc bên suối, đám con gái làng lại chả xúm xít hỏi bà cách nuôi tóc như thế nào, trong đó, có chị Thoan. Mỗi lần xem bà dạy học, người làng đều trầm trồ nét chữ của bà: mềm, bay bổng nhưng dứt khoát. Mẹ tôi bảo chị Thoan: Có mẹ chồng như cô giáo Leng là phúc đức đấy con. Cố gắng trọn đạo làm dâu con nhé. Bên đó, ngoài ông bà Huỳnh ra, còn cụ bà gần 70 tuổi đấy con. Nhớ cư xử cho tốt… 

 Chị Thoan là chị cả. Khuôn mặt tròn, trắng, tóc dài tới tận gót, chỉ tội hơi mỏng. Mỗi lần chị gội đầu xong quay tóc là chúng tôi thấy chị như một nghệ sĩ xiếc điêu luyện. Có cảm giác như chim chóc ở rừng cũng muốn về để xem màn biểu diễn của chị. Có lần chị vỗ vai hai chị em chúng tôi nhè nhẹ: Chị đi lấy chồng, cái Loan và út Thắng phải biết đỡ đần bố mẹ nhé. Đi học về cố mà chịu khó đi lấy bèo, rong cho mẹ nấu cám. Nhớ lùa trâu về cho sớm không lạc, tối là không tìm được đâu… Còn anh Huỳnh, một "thủ lĩnh” của đám trẻ chúng tôi trong các cuộc đánh trận giả ở mé đồi và trò chơi "bá chủ” ở con sông cuối xóm. Anh to cao, bắp tay, chân cuồn cuộn. Nhìn anh thoăn thoắt trèo cây sấu để hái quả cho nhà tôi mới thấy thấy độ khéo của anh thật tuyệt. Nhiều đêm anh nán lại để giã gạo cùng bố mẹ tôi… Nhìn anh vung chày giã không biết mệt mà nhiều trai làng mơ ước có một cơ bắp lý tưởng (mà hồi đó, chẳng ai biết hai người có ý với nhau)… Anh tập võ cùng đám út Thắng. Anh bảo: Có sức khỏe còn đi đánh Mỹ chứ. 

Đám cưới thời chiến không bày biện quá nhiều. Cũng thịt lợn, măng khô sào, rau tập tàng… toàn món của rừng núi. Đêm anh Huỳnh đến đón chị Thoan về nhà, đám trẻ chúng tôi tự dưng lại khóc như ri, khiến anh Huỳnh bối rối, còn chị cũng khóc lây. Chị bảo: Chị lấy chồng cùng làng, nên các em cũng có thể đến chơi hàng ngày mà. Mai chị lại về…

Một tuần sau thì anh Huỳnh lên đường. Ngày chia tay, không phải chúng tôi khóc mà chính chị Thoan và mẹ chồng chị là người khóc nhiều nhất. Bịn rịn quá. Chị chuẩn bị cho anh nhiều thứ đều do chị đan, tết như dây dù, chiếc khăn len mỏng, chiếc khăn tay thêu hình đôi bồ câu và 2 chữ T-H lồng vào nhau. Gương mặt anh Huỳnh thì căng lên như dây đàn. Biết rằng anh đang ghìm lòng mình. Mồ hôi lã chã rơi trên khuôn mặt rám nắng, bầu bĩnh. 2 tay anh đặt lên 2 bờ vai của mẹ và vợ lay lay nhẹ, ríu chặt, chẳng muốn rời. Chúng tôi đoán, chỉ cần anh thốt lên câu chào, chắc chắn anh cũng bật khóc. Đôi mắt anh hướng thẳng về ngọn núi phía sau làng như một lời hẹn. Anh lên xe, chị và mẹ chồng ngồi thụp xuống như mất hết sinh lực. Chiếc xe lao đi, để lại phía sau những nhóm người túm tụm cùng những lời an ủi, động viên nhau và cùng cầu chúc cho người ra chiến trường chân cứng, đá mềm. Chiếc loa công cộng đang vang lên bản tin quân ta làm chủ các vùng đất… Những dự đoán, những bàn luận về miền Nam là chủ đề chính cho mỗi gia đình sau khi từ ruộng nương trở về…

Ở quê, mỗi khi nhà ai có người đi bộ đội, thường có các bà, các chị đến "ngủ chơi” như một sự chia sẻ kín đáo đối với người ở lại. Tất nhiên, với chúng tôi, chuyện thỉnh thoảng được đến nhà anh chị Thoan là điều bình thường, nhất là khi việc ngủ thăm của các bà, các mẹ thưa thớt dần. Tháng đầu tiên sau ngày anh nhập ngũ, nhìn đôi mắt thâm quầng của chị, mẹ hỏi: Có rồi phải không?, chị buồn buồn lắc đầu và nhìn xa xăm về phía dòng sông. Ban ngày, chị cuốn vào công việc của xóm làng: đào công sự, cấy đổi công giúp các gia đình có người trong quân ngũ, tuần tra… quần quật như không biết mệt.

Năm thứ nhất… lác đác vài lá thư gửi về, hết năm thứ 2 hoàn toàn bặt tin. Mỗi tối mọi người lại ngồi tụ tập ở nhà bác chủ nhiệm HTX để nghe bản tin về miền Nam. Một tối, trăng mờ, chị em chúng tôi được mẹ cử đến nhà chị ngủ để chị đỡ buồn. Đêm vắng hanh hao, có chút se lạnh từ dãy núi xa phả về. Nửa đêm chợt tỉnh, ngồi nhỏm dậy về phía cầu thang, một bóng người ngồi im phăng phắc. Nhìn mái tóc bay bay từ phía sau chúng tôi đã nhận ra chị Thoan. Phía đầu hồi bếp cũng có một người ngồi nhìn về phía núi xa: bà giáo Leng. Nghe trong gió như có tiếng thì thầm của ai đó, nghèn nghẹn… Chiến tranh, không ai muốn chuyện đó xảy ra. Chiều nọ, làng trên xóm dưới nức nở về tin có giấy báo tử anh Huỳnh. Nhà chúng tôi vội vàng sang nhà thông gia, bà Leng chạy từ lớp học về, còn chị Thoan tất tả từ nương ngô bên đồi về. Tóc tai xõa xượi, mắt thất thần. Mẹ chồng và nàng dâu chạy đến chân cầu thang thì đều ngã khụy xuống. Không ai lết nổi qua mấy bậc cầu thang ngắn đó… Mọi người lao đến đỡ, dìu. Chưa đêm nào xóm núi chúng tôi lại mất ngủ dài như vậy… Tất cả đều muốn ở bên chị Thoan và bà mẹ chồng trong những giây phút này…

Tuổi thơ chúng tôi cũng dần qua. Rồi ngày giải phóng miền Nam cũng đã đến. Mừng chiến thắng, thanh, thiếu nhi làng tôi lên sân kho hát múa tập thể bài "Cả nước đang tưng bừng mừng chiến công”… Chị Thoan ngồi xa xa nhè nhẹ vỗ tay theo, nhưng đôi mắt rớm lệ. Đám học trò mới của bà Leng vẫn được bà dạy hát những bài hát về bộ đội, về Bác Hồ. Sau nhiều lần mối lái cùng sự vận động tích cực của hai gia đình, chị Thoan đã chấp nhận đi bước nữa với một anh ở xã bên. Sang ngang lần 2, nhưng Tết nào, hai vợ chồng chị cũng đều đi Tết 2 gia đình ở xóm núi là nhà bố mẹ và nhà anh Huỳnh. Ngày giỗ anh Huỳnh, vợ chồng chị và 2 đứa con đều đến thắp hương, kính cẩn. Trong đôi mắt chị đã có nhiều ánh nắng hơn sau ngày anh mất. Đấy là điều chúng tôi mừng nhất.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục