(HBĐT) - Ông Dũng ngồi dưới gốc cây trứng gà, nhấp ngụm trà xanh, trầm ngâm nghĩ ngợi. Bỗng đám trẻ con trong xóm rủ nhau chạy đến bên ông, tranh nhau nói:

- Ông ơi, ông kể chuyện ngày xưa đi đánh giặc cho chúng cháu nghe đi! Kể chuyện chiếc mũ cối của ông đi! Nhìn từng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, những nụ cười tươi tắn đầy tò mò của đám trẻ, ông Dũng mỉm cười:

- Các cháu ngồi cả xuống đây! Đám trẻ dạ vâng nghe theo lời ông răm rắp. Những câu chuyện trên chiến trường một thời ngỡ như xa xôi giờ lại bồi hồi nhớ, lại được râm ran kể lại.

Chiếc mũ cối gắn bó với ông Dũng suốt 10 năm trên chiến trường và đến tận bây giờ. Kể về tuổi, chiếc mũ ấy cũng có thâm niên gần nửa đời người. Ngày ông nhập ngũ, ngoài bộ quân phục, ba lô, đôi giày, súng đạn, là chiếc mũ cối. Mũ cối được làm từ vải ka ki dày có màu xanh lá cây tượng trưng cho màu áo lính, màu của sự hy vọng, đem lại cảm giác an toàn. Nó không chỉ dùng che nắng, che mưa, còn che chắn cả những mảnh vỡ của bom rơi, đạn lạc. Đó còn là "cái ca, cái cốc" thay lá cây, bàn tay múc nước suối uống trên những chặng đường hành quân gian khổ. Chiếc mũ cối đối với ông Dũng và những người lính năm xưa giống như người bạn thân thiết.

Chiếc mũ cối của ông Dũng rất đặc biệt. Trên vành mũ cối có khắc tên ông và những người đồng đội của ông. Những dòng chữ tuy đã mờ theo thời gian nhưng kỷ niệm ấy ông vẫn còn nhớ như in. Đó là một đêm hiếm hoi giữa rừng già, trăng thanh gió mát, không một tiếng bom rơi, đạn nổ. Ông Dũng và những người đồng đội của mình có những giây phút nghỉ ngơi thư thả sau thời gian dầm dề sương gió nhằm tiêu hao lực lượng địch. Mỗi người tự khắc tên mình lên mũ của đồng đội. Họ coi đó là kỷ niệm để nhớ về nhau. Họ nói với nhau: "Lỡ có hy sinh trên chiến trường thì có chiếc mũ cối làm kỷ niệm nhắc người còn sống hãy luôn nhớ về những người đã khuất”. Họ chuyền tay nhau, vừa bàn chuyện chiến đấu, chuyện đời, trên gương mặt ai nấy đều nở nụ cười rất đỗi an vui.

Sau trận càn của giặc Mỹ mấy ngày sau đó, tất cả đồng đội của ông Dũng đều ngã xuống. Họ hy sinh, người được tìm thấy xác, thấy mũ; người vẫn còn nằm đâu đấy trong lòng đất mẹ đến tận bây giờ. Chỉ có những cái tên của họ là trở về, được ông Dũng nâng niu, trân trọng, khắc ghi bên mình.

Ông Dũng trở về từ chiến trường với hơn chục mảnh đạn sượt qua ngực, hông, lưng, tay… Mỗi lần cầm chiếc mũ cối lên ngắm, đọc từng cái tên: Nam, Chiến, Thắng, Thiện, Dũng, lòng ông lại tha thiết nhớ, lại bùi ngùi, lại lặng lẽ buồn. Chiếc mũ cối ấy giờ đã rất cũ. Cả về tuổi tác lẫn màu sắc. Nó cũng mang trên mình nhiều thương tích. Những vết xước li ti do một thời đạn lửa và cả mưa nắng dãi dầu. Vậy mà, nó vẫn bền bỉ lắm. Hơn 40 năm qua, nó vẫn ở bên cạnh, thủy chung, bầu bạn với ông.

Khi ông Dũng ở nhà, chiếc mũ cối được ông đặt trịnh trọng trên mặt tủ chè. Mỗi khi ra vườn tưới rau, chăm cây cảnh hay ra đồng, đi thăm bạn bè, làng xóm… chiếc mũ cối ấy lại được ông đội đầu che nắng, che mưa. Có khi được ông đem ra khoe với bà con, làng xóm, với lũ trẻ về một thời oanh liệt, hào hùng ông cùng nó từng trải qua...

Mấy đứa trẻ nghe ông Dũng kể chuyện ngày xưa, đứa nào cũng tròn xoe hai mắt, chăm chú lắng nghe, thỏa sức tưởng tượng. Chúng thích lắm. Có đứa còn đứng phắt dậy hô lớn: "Nếu kẻ thù nào còn xâm lược nước mình, cháu cũng sẽ xung phong ra trận, quyết diệt giặc để giữ gìn sự bình yên cho quê hương!”. Mấy đứa còn lại thấy vậy cùng đồng thanh: Cháu cũng vậy! Ông Dũng thấy trong lòng tràn đầy tin tưởng. Ông vui vẻ xoa đầu từng đứa. Ông cầm chiếc mũ cối lên, giọng lưu luyến:

- Mấy bữa nữa, chiếc mũ này sẽ không ở với ông nữa!

- Sao vậy ông? Lũ trẻ tò mò. Ông Dũng cười:

- Ông sẽ gửi nó cho bảo tàng lưu giữ kỷ vật chiến tranh của huyện. Nó sẽ được giữ gìn, được nhiều thế hệ mai sau biết tới. Với ông, chiếc mũ cối này cũng có một cuộc đời như chúng ta vậy.

Câu chuyện về chiếc mũ cối của ông Dũng cũng như vô vàn những chiếc mũ cối trên chiến trường năm xưa khiến bất kỳ ai nhìn thấy, nghe thấy cũng đều yêu mến. Lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi sau này sẽ chẳng bao giờ quên bởi hình ảnh ấy đã quá đỗi thân thuộc - hình ảnh chiếc mũ cối gắn liền với những chiến sỹ, bộ đội Cụ Hồ, những người đã làm nên chiến thắng, làm nên trang sử oanh liệt của một dân tộc, một đất nước anh hùng.

Truyện ngắn của Lê Xuyên


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục